Đại tá- Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hồng (phóng viên ảnh báo Quân đội nhân dân) sẽ giới thiệu với công chúng triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Triển lãm có tên "Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Những khoảnh khắc", do Trung tâm Thông tin Triển lãm Hà Nội (Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Hà Nội) phối hợp với Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền- Hà Nội trong các ngày từ 5/5 đến 10/5.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyện trò với người dân Quảng Bình |
Là phóng viên báo Quân đội nhân dân, ông Trần Hồng có nhiều cơ hội được tiếp cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với lòng kính yêu và trách nhiệm của một người nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội, ông Trần Hồng cố gắng ghi lại một cách chân thực nhất những hình ảnh về vị Đại tướng không chỉ được toàn thể nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân thế giới kính trọng này.
Hơn 70 tác phẩm Trần Hồng giới thiệu với công chúng lần này được chọn trong số gần 2.000 bức ảnh mà ông đã chụp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết trong lời tựa: "Xin được bày tỏ lòng tôn kính cao độ, sự biết ơn và lời chúc tốt lành của tôi mừng Đại tướng đại thượng thọ 98 tuổi. Đại tướng mãi mãi chói sáng như những ngôi sao chói sáng trên ve áo quân phục do Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm ngày 20/1/1948"…
Còn nhà văn Sơn Tùng thì nhận xét về những bức ảnh của Trần Hồng: "Tình yêu Đại tướng trong tim anh tụ hoà thành tác phẩm nổi bật chân dung một Đại tướng thần thái, bậc thiên tài cao minh, tuấn kiệt, lão thực thân dân, hồn đạo. 70 bức ảnh chân dung Đại tướng, Tổng Tư lệnh- một tiếng nói trái tim".
|
Nhân dân Quảng Bình chào đón Đại tướng về thăm quê |
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá- Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng trước giờ khai mạc triển lãm.
PV: Thưa ông, ông là người đã có thể được tiếp cận Đại tướng bất kỳ lúc nào. Đây thực sự là một may mắn với một nhà nhiếp ảnh?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Đúng vậy, từ tháng 10/1994, tôi có may mắn là được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép tiếp cận ông bất kỳ lúc nào. Mỗi lần vào chụp ảnh ông, được tiếp xúc với những người đồng chí, người bạn, người thầy, người học trò của ông, rất nhiều các đối tượng trong nước cũng như ngoài nước thành tâm đến thăm ông, tôi lại càng cảm thấy ông là một con người quá vĩ đại và càng tôi cố gắng tiếp cận để khai thác những phẩm chất quá tuyệt vời của con người này. Gần 37 năm cầm máy, trong gần 20 năm tôi được tiếp cận với Đại tướng, tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội và dùng mọi khả năng có thể có của mình, ghi lại nhân cách của một con người tiêu biểu của 2 thế kỷ XX và XXI này.
PV: Ông tâm niệm điều gì mỗi khi cầm máy chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chụp ảnh về một con người rất đặc biệt. Ông vừa là một vị tướng lừng danh, vừa là một nhà văn hoá, một con người rất Việt Nam, học trò xuất sắc, rất mực thuỷ chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm nhân dịp kỷ niệm 55 Điện Biên Phủ là dịp để tôi bày tỏ lòng thành của mình và sự kính yêu cao độ của một quân nhân đối với một quân nhân. Đương nhiên ông là vị đại tướng đặc biệt. Như nhà văn Sơn Tùng từng nói "Hễ khi nhắc đến Đại tướng thì tất thảy người dân tộc Việt Nam đều định tâm đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Được tiếp cận với ông là một may mắn nghề nghiệp và tôi luôn luôn ý thức rất rõ, là một công dân và một nhà nhiếp ảnh quân đội, tôi có trách nhiệm rất lớn đối với tư liệu ảnh về một con người rất đặc biệt của Việt Nam cho các thế hệ sau này.
PV: Triển lãm này ông lấy tên là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp- những khoảnh khắc". Chắc hẳn là ông có ý tưởng riêng khi lấy tên triển lãm như vậy?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Nhiếp ảnh là khoảnh khắc. Thiên hình vạn trạng nó xảy ra như thế, nhưng người cầm máy phải có ý thức là chộp lấy những khoảnh khắc bản chất nhất. Khi chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi rất ý thức về điều này. Thời gian gặp Đại tướng quá ngắn ngủi, để tìm được khoảnh khắc, ghi lại phẩm chất vĩ đại của một người như Đại tướng là một thách đố với tôi. Nhưng tôi cố gắng ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về ông. Mỗi bức ảnh tôi chụp về Đại tướng là một khoảnh khắc quí giá để chúng ta hiểu thêm về cuộc đời và nhân cách của ông.
PV: Ông còn nhiều lần chụp Đại tướng khóc?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Tôi luôn luôn muốn chụp Đại tướng lúc vui vẻ, nhưng cuộc đời không phải như vậy. Ví dụ lên thăm lại Điện Biên Phủ, trên đường đi ra viếng nghĩa trang đồi A1, Đại tướng thấy một thẻ hương rơi giữa đường, người vẫn cúi xuống nhặt lên với thái độ trân trọng, sau đó tôi thấy mắt người đỏ hoe. Những lần cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là các nữ thanh niên xung phong vào thăm Đại tướng thì Đại tướng đều không kìm được nước mắt.
Hoặc như lần nhà văn Sơn Tùng, người bạn chiến đấu vào thăm Đại tướng, vừa thấy nhau hai người đã đỏ hoe mắt, và chưa có cuộc trò chuyện thân mật nào lại lâu như thế giữa Đại tướng với nhà văn Sơn Tùng. Rồi khi những cháu bé ở miền núi phía Bắc vào thăm Đại tướng và khi Đại tướng nghe tiếng khèn lá của dân tộc H’Mông ở Cao Bằng, người lặng đi, mắt ông đỏ hoe và nước mắt ông chảy ra.
Thông qua những người giúp việc của ông, tôi được biết, những năm ông ở Hà Nội chỉ huy chiến đấu, đặc biệt là chiến dịch Mậu Thân 1968 và cuộc chiến ác liệt ở Quảng Trị năm 1972, gần như sáng nào các đồng chí phục vụ cũng phải thay gối cho ông, vì nó đầm đìa nước mắt.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khóc khi gặp nhà văn Sơn Tùng và các cựu chiến binh |
PV:
Ông có cho rằng, những bức ảnh là hình ảnh chân thực và không chấp nhận bất kỳ sự tác động nào của kỹ thuật?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Những bức ảnh của tôi được chụp hoàn toàn chân thực, không qua bất kỳ một khâu xử lý kỹ thuật nào. Những bức ảnh nhằm khắc hoạ phẩm chất thanh cao, sự giản dị của một vị tướng trong cuộc sống đời thường, một người luôn đau đáu vì nước, vì dân. Tôi vẫn chụp ảnh bằng một chiếc Nikon 801 loại thường và chụp bằng phim, chứ không chụp bằng kỹ thuật số. Tôi cũng vẫn giữ thói quen là sau khi đi chụp về rửa ngay thành ảnh, lưu giữ phim và ảnh cẩn thận bằng phương pháp thủ công...
PV: Trong số hàng nghìn bức ảnh chụp về Đại tướng, ông cảm thấy ưng ý nhất là những bức ảnh nào?
Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng: Tôi luôn luôn coi những cuốn phim và tấm ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một gia tài quí giá. Khắc họa chân dung của một vị tướng lỗi lạc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thách thức với tất cả những người cầm máy. Với những bức ảnh chân thực và xúc động về cuộc đời gần trăm xuân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cho rằng mình chụp phần nào đã may mắn.
Những bức ảnh mà tôi cảm thấy ưng ý nhất chính là những khoảnh khắc chụp Đại tướng trong sinh hoạt đời thường: khi ông về thăm quê, trò chuyện với bạn bè, khi đi mua sách, hay khi Đại tướng thiền… Một con người huyền thoại, một thiên tài, nhưng rất giản dị và gần gũi với tất cả chúng ta./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Đại tá Trần Hồng sinh ra ở Hà Tĩnh- chiến sĩ đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn, phóng viên ảnh Báo Quân đội Nhân dân từ năm 1973. Ông đã tốt nghiệp khoá 1- chuyên ngành nhiếp ảnh trường Đại học Báo chí (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP).
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp- những khoảnh khắc" là triển lãm cá nhân lần thứ 4 của Trần Hồng. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông trưng bày tại Hà Nội tháng 12/1992, với chân dung 78 ảnh, về những con người ông đã gặp, đã ghi vào ống kính. "Triển lãm ảnh Trần Hồng" khai thác nỗi lòng, thân phận của các đối tượng chụp ảnh.
Triển lãm lần thứ hai của ông có tên "Chân dung mẹ" trưng bày tháng 12/1995 là về các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và viết cảm tưởng. Sau đó nhà Xuất bản Quân đội nhân dân cũng xuất bản cuốn Chân dung ảnh và được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đánh giá là công trình ảnh xuất sắc năm 1997.
Triển lãm ảnh thứ ba của Trần Hồng tổ chức ở tại Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình năm 2006 với 50 bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chào mừng Đại tướng 95 tuổi, do Tỉnh uỷ HĐND tỉnh Quảng Bình đứng ra tổ chức./. |