"Bà Triệu" - Tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai
Là một hoạ sĩ, chuyên sâu vẽ chân dung những anh hùng, nhà văn hóa lớn trong lịch sử dân tộc, trong đó có Bà Triệu, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, đọc sách lịch sử, truyện dân gian và tham khảo ý kiến của nhiều người làm sử, hoạ sĩ ở trung ương và địa phương để tìm tư liệu, cách thức tiếp cận sát thực nhất cho việc sáng tác chân dung Bà Triệu.
Trong sử sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Tục biên hay Tiền biên cũng vậy thôi, nói chung các vị hoàng đế, anh hùng, nhà văn hóa mà cách đây hằng vài ba thế kỷ sử liệu rất ít ỏi huống chi sử sách nói về hình hài Bà Triệu càng hiếm hoi hơn nhiều. Non hai thiên niên kỷ đã qua những truyền thuyết dân gian nói về dáng vóc, dung nhan, tính cách của bà có thể nói là vừa nửa huyền thoại, vừa nửa thực, khó mà phán đoán miêu tả một cách sát đúng.
Trong lần chắp nối các tư liệu hiện có nói về Bà Triệu mà trong tâm tưởng tôi mường tượng trong tư duy ẩn hiện một nữ tướng với gương mặt khác thường vừa đôn hậu, mắt to sáng, dáng vóc cao lớn, có khuôn mặt xinh đẹp như truyền thuyết đã miêu tả, song đó cũng chỉ là tưởng tượng trong đầu, chưa có cơ sở khoa học cho việc dựng hình chân dung bà một cách sát thực.
Theo sử sách và những lời truyền miệng dân gian thì Bà Triệu, một nữ tướng có đôi mắt sáng tinh anh, mũi cao, có đôi môi huyền bí, hấp dẫn, giọng nói sang sảng, khuôn mặt của bà không hoàn toàn trái xoan và cũng không phải là chữ điền mà trung hòa giữa chữ điền và trái xoan. Thông thường nếu thanh nữ có khuôn mặt trái xoan, là người có nữ tính mềm mại, dịu dàng khác với khuôn mặt chữ điền thường là những thiếu nữ mạnh mẽ, cứng rắn hơn. Khái quát lại, những tư liệu sử sách và các truyền thuyết dân gian về Triệu Thị Trinh là một thiếu nữ xinh đẹp, đôn hậu, khỏe mạnh có dáng vóc cao lớn với khí phách anh hùng có lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, quyết chiến chống ngoại xâm đến cùng để giành lại độc lập dân tộc, quyết không làm nô lệ cho ngoại bang. Miêu tả chân dung đã khó, việc biểu đạt phục trang còn khó khăn hơn nhiều. Trong nhiều tài liệu có ghi, mỗi khi ra trận Bà Triệu mặc áo giáp đồng, đầu đội nón ngà, chân đi guốc bằng ngà, lại có sách ghi bà đội nón ngà, đi guốc, thắt khăn hồng,… Như vậy về phục trang theo truyền thuyết dân gian và sử sách ghi chép là có cơ sở vì ở thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, việc chế tác đồ đồng đã phát triển, như trang sức bằng đồng làm mũ chiến, áo chiến, vũ khí, mỹ nghệ thông dụng, thờ cúng bằng đồng khá phổ biến, hơn nữa đồ đồng Đông Sơn ở thời điểm này cũng khá phát triển. Do đó có thể mũ và áo giáp bằng đồng là phù hợp với trang phục nhà binh thời bấy giờ. Song bức tranh tôi miêu tả là thời điểm Bà Triệu không mặc áo giáp ra trận mà là thời điểm chỉ huy luyện binh. Cách vẽ này là ý đồ của tác giả xây dựng nhân vật nhằm tôn vinh nữ anh hùng dân tộc mà nhân dân thường gọi là “Vua Bà” còn giặc Ngô phải thốt lên:
“Hoành qua đương hổ dị/ Đối diện Bà Vương nan”
Nghĩa là:“Vung giáo chống hổ dễ/ Giáp mặt Vua Bà khó”
(Lịch sử Việt Nam, NXB Văn hóa-Thông tin 2005)
Cách biểu đạt Bà Triệu ở đây ở thế điều binh khiển tướng, luyện quân, tay nắm chắc gươm, khoác áo bào đỏ, áo màu vàng, mũ đồng có biểu tượng mặt trời và ba tia sáng, theo triết lý vững bền, chiến thắng, được khai thác từ chất liệu ở hoạ tiết trống đồng, đồ đồng Đông Sơn và kiếm đồng thời đó.
Trong tranh gương mặt anh minh hùng dũng, khí phách, oai phong, dung nhan rạng rỡ xinh đẹp của bà vẫn tỏa sáng như đang thúc giục đoàn quân dưới rừng cờ, người và voi đang xông pha chiến trận, được bố cục một cách chặt chẽ với khí thế hào hùng trong tranh. Bà Triệu trong tư thế của thủ lĩnh nghĩa quân ung dung nhìn thẳng về phía trước, luyện quân võ nghệ tinh thông để chuẩn bị giáp mặt với quân thù, dưới cơn gió mạnh như cổ vũ sức chiến đấu của nghĩa quân thừa thắng xông lên.
Vẽ nhiều tranh về chân dung lịch sử như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Hoàn, Hồ Quý Ly, Lê Văn Hưu,… càng vẽ càng thấy khó, khi vẽ đến Bà Triệu lại càng khó hơn nhiều. Đã hơn 50 năm trăn trở và có hằng nhiều chục phác thảo, in xuất bản, công bố báo chí để tiếp nhận dư luận góp ý song đến nay mới có thể chỉnh sửa cơ bản hoàn thành.
Đối với chân dung một con người đã cách đây 1700 năm, non hai thiên niên kỷ, việc tìm tư liệu có liên quan đến một con người nữ tướng kể cả về dung quang, hình thể, phục trang, binh khí chuyên dụng để biểu đạt tạo hình là hết sức khó khăn vì thế chỉ có cách áp dụng những tư liệu có thể suy lý ở những khía cạnh lịch sử và đặc trưng của giải phẫu nhân chủng học để xây dựng tác phẩm. Yếu tố còn lại kiểm nghiệm của tác giả là phương pháp tâm linh theo linh cảm của giác quan thứ 6, cách làm này là không thể thiếu được, áp dụng mang tính phổ biến cho họa sĩ xây dựng chân dung người đã khuất.
Để tri ân đối với vị nữ tướng tài ba Triệu Thị Trinh, tôi đã dày công nghiên cứu, tìm tòi cách biểu đạt để hôm nay cảm thấy mãn nguyện được miêu tả lại chân dung bà, một nhân cách vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt.
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai