Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 10/10/2019 18:58'(GMT+7)

Cùng nhìn lại “Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng nửa đầu thế kỷ 20”

Các đại biểu cắt băng khánh thành khai mạc triển lãm (Ảnh: TA)

Các đại biểu cắt băng khánh thành khai mạc triển lãm (Ảnh: TA)

Các tư liệu, hiện vật được chọn triển lãm đang lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội và nhiều tổ chức, cá nhân khác, trưng bày phục vụ công chúng nhân dịp chào mừng 65 năm giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954 – 10-10-2019). 

Triển lãm giới thiệu đến công chúng về một giai đoạn vàng son của mỹ thuật Việt Nam, sự chuyển mình từ nền mỹ thuật dân gian truyền thống sang nền mỹ thuật phương Tây hiện đại kết hợp với mỹ thuật truyền thống Việt. Dấu ấn của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 tại Hà Nội – nơi đào tạo ra nhiều tầng lớp họa sỹ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc góp phần làm rạng danh nền mỹ thuật Việt là điểm  nhấn quan trọng của triển lãm.

Triển lãm đã nêu bật thành tựu của mỹ thuật Việt Nam là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng, là một cuộc cách mạng thẩm mỹ quan trọng vào đầu thế kỷ XX. Những thay đổi về thẩm mỹ này không chỉ thể hiện trên các tác phẩm hội họa, mà còn thấy trên diện mạo ở kiến trúc và trên trang phục thời trang, quảng cáo…, cho thấy sự sáng tạo, cá tính của người nghệ sỹ và trên hết là sự giao lưu - tiếp biến văn hóa Đông - Tây. Trải qua thời gian, nền mỹ thuật đương đại của Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ tinh thần này. Điều đó khiến cho mỹ thuật luôn trở nên gần gũi với công chúng, với cuộc sống thường ngày của người dân nơi phố thị hay ở vùng thôn quê.

Đông đảo công chúng Thủ đô đã tới tham quan gian trưng bày triển lãm

Đông đảo công chúng Thủ đô đã tới tham quan gian trưng bày triển lãm

Điểm nhấn của buổi triển lãm về phần điêu khắc trang trí chính là hai bức phù điêu trên giảng đường của trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam (tiền thân là trường Mỹ thuật Đông Dương) của Georges Khánh và Vũ Cao Đàm; bức tranh bà đầm xòe của Victor Tardie, bộ sưu tập tem do các cựu học sin trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tác...

Triển lãm phục vụ công chúng tham quan từ 15h ngày 10/10/2019 đến hết ngày 15/3/2020.

* Cũng trong chiều cùng ngày, Bảo tàng Hà Nội cũng giới thiệu tới đông đảo công chúng hơn 100 bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái về các chủ đề: Phố Phái, Chèo Phái, Phái với bạn bè sẽ được trình chiếu bằng công nghệ mới, đưa đến người xem nhiều trải nghiệm thú vị.

Nhân Kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019),từ ngày 10-25/10, Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức triển lãm tranh “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”.

Với mục tiêu đưa nghệ thuật và công nghệ đến gần hơn với cộng đồng, Bảo tàng Hà Nội đã kết hợp cùng các đơn vị sử dụng công nghệ 3D mapping, và các công nghệ đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng đặc biệt trong triển lãm này, nhằm tái hiện một không gian mới đầy màu sắc nhưng cũng rất thú vị và ấn tượng.

Công nghệ 3D mapping là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim, sẽ dựng một mô hình có tỷ lệ kích thước giống hoàn toàn 100% so với vật thể thật. Sau đó từ mô hình trên máy tính, kỹ thuật sẽ tạo các hiệu ứng ánh sáng, âm thanh để tạo 3D, sau đó trình chiếu.

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội.

Tác phẩm trưng bày tại triển lãm Bùi Xuân Phái với Hà Nội.

Bên cạnh việc giới thiệu các tác phẩm của Bùi Xuân Phái, triển lãm còn giành một không gian trải nghiệm, giúp khách tham quan có điều kiện tương tác với tranh của danh họa, đắm mình vào tác phẩm. Không gian trưng bày được kết hợp giữa tả thực và sân khấu hóa tạo thị giác, thính giác cho người xem.

Triển lãm sẽ mở cửa tới hết ngày 25/10/2019./.

Một số hình ảnh diễn ra trong chiều 10/10 tại Bảo tàng Hà Nội:

Ban Tổ chức tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đóng góp cho buổi triển lãm

Ban Tổ chức tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đóng góp cho buổi triển lãm

Các hiện vật trưng bày

Các hiện vật trưng bày

Nhật Minh
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất