Hội nghị đã giới thiệu nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định ban hành
Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và giới
thiệu Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc
tăng cường công tác triển khai thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi
tiết hướng dẫn thi hành.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận và kiểm điểm một số công tác pháp chế trọng tâm trong năm qua.
Trong đó có công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh; xây
dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kiểm soát thủ tục hành chính;
phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là kiểm điểm việc kiện toàn tổ
chức pháp chế và đội ngũ làm công tác pháp chế theo Nghị định 55.
Đây là những công việc đòi hỏi phải triển khai với quyết tâm cao, tạo điểm nhấn để triển khai các mặt công tác khác.
Năm 2013, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được xác định là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác chỉ đạo,
điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được các Bộ, cơ quan, địa
phương triển khai quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực.
Triển khai kế hoạch sửa đổi Hiến pháp 1992, các tổ chức pháp chế đã giúp
lãnh đạo các Bộ, cơ quan, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tham gia đề
xuất, góp ý trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được
thực hiện bài bản, nền nếp và từng bước đi vào chiều sâu, có sự gắn kết
hơn giữa xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.
Việc triển khai một số nhiệm vụ mới như theo dõi tình hình ban hành văn
bản quy định chi tiết, kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành
chính đã có những kết quả bước đầu…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp chế ở Bộ, cơ
quan ngang Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong việc ban hành văn bản
quy phạm chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các
Thông tư liên tịch.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn mang tính hình thức, hiệu quả
chưa cao. Một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của
Bộ, cơ quan ngang Bộ chậm đi vào cuộc sống, thủ tục hành chính rườm rà…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương,
đánh giá cao nỗ lực và các kết quả đạt được của pháp chế các Bộ, ngành
trong năm qua. Những kết quả này của công tác pháp chế đã đóng góp thiết
thực vào thành tựu chung của cả nước và từng địa phương.
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác pháp chế, Phó Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ công tác pháp chế ở các Bộ, ngành chưa được quan
tâm đúng mức; chưa thể hiện đúng vai trò quản lý nhà nước, quản lý xã
hội.
Công tác pháp chế còn mang tính hình thức; chính sách, chế độ cho cán bộ
làm công tác pháp chế chưa được quan tâm tương xứng; phản ứng chính
sách pháp luật chưa nhanh nhạy, chưa phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển
kinh tế-xã hội…
Về phương hướng triển khai công tác pháp chế thời gian tới, Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tăng cường
công tác pháp chế, có các giải pháp, kế hoạch cụ thể, phù hợp để khắc
phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác pháp chế thời gian
qua.
Đánh giá Hiến pháp năm 2013 đã mở ra không gian pháp lý rộng lớn cho
việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tập trung hoàn thiện thể
chế, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành có kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị
quyết của Quốc hội, kế hoạch của Chính phủ về tổ chức thi hành Hiến
pháp; quán triệt nội dung, kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết
của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh.
Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành tập trung cho công tác ban hành văn
bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đặc biệt là triển khai Kế hoạch
73 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường triển
khai Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành
văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, không để tình trạng Luật
chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ
tục hành chính, đảm bảo công tác này đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện
dứt điểm việc kiện toàn, ổn định tổ chức pháp chế theo quy định tại
Nghị định 55 của Chính phủ, trong đó chú ý bố trí nguồn lực phù hợp cho
công tác này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, các cơ quan nhận thức hơn
nữa tầm quan trọng của công tác pháp chế trong quản lý, điều hành; nâng
cao năng lực, tinh thần, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ
pháp chế. Cán bộ pháp chế phải là những chuyên gia giỏi, am tường pháp
luật, có kiến thức kinh tế-xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần
phục vụ cao.
Về công tác pháp chế ở các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đề nghị Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương có Đề án cụ thể về xây
dựng, kiện toàn các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, bảo vệ tài sản
của nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng sau hội nghị, công tác pháp chế
sẽ có bước đột phá, đổi mới, khẳng định đúng vị trí, vai trò trong quản
lý nhà nước, xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã
hội của đất nước, của từng ngành, địa phương thời gian tới./.
(Vietnam+)