Chủ Nhật, 24/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 29/6/2013 22:45'(GMT+7)

Khách quốc tế tăng trở lại

Tầm quan trọng của khách quốc tế đến Việt Nam được thể hiện trên nhiều mặt. Lượng ngoại tệ mạnh mà khách quốc tế thông qua chi tiêu khi đến Việt Nam là khá lớn. Chi tiêu bình quân một ngày khách quốc tế đến Việt Nam nếu năm 2003 mới đạt 74,6 USD, thì năm 2011 đạt 105,7 USD. Chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, nếu năm 2005 đạt 661,4 USD, thì năm 2011 đạt 913 USD và năm 2012 đạt 1002,5 USD! Nếu chia theo các khoản chi, thì cao nhất là chi thuê phòng chiếm 26,7%, chi ăn uống chiếm 20,2%, chi đi lại chiếm 17,6%, chi mua hàng hoá chiếm 14,7%, chi khác chiếm 12,3%, thăm quan chiếm 7,5%, y tế chiếm 1%. Theo đó, chi mua hàng hóa, vật lưu  niệm còn thấp.

Thống kê chi tiết cũng cho thấy, chi tiêu bình quân 1 ngày khách của 14 nước và vùng lãnh thổ chi tiêu cao hơn mức bình quân chung, trong đó cao nhất là khách đến từ Nhật Bản 167,8 USD, tiếp đến là khách đến từ Indonesia 160,2 USD, khách đến từ Malaysia 142,2 USD, khách đến từ Singapore 140,2 USD, khách đến từ Hàn Quốc 131,6  USD, khách đến từ Thái Lan 130 USD, khách đến từ Thuỵ Điển 123,6 USD, khách đến từ Philippines 116,9 USD...

Số ngày khách đến Việt Nam bình quân một lượt khách khoảng 9 ngày. Ước tính chuyên gia cho thấy, có khoảng trên 1/5 lượng khách đến lần thứ hai. Tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam mà Việt Nam thu được, nếu năm 2005 mới đạt 2.300 triệu USD, thì năm 2010 đạt 4.450 triệu USD, năm 2011 đạt 5.710 triệu USD, năm 2012 đạt 6.830 triệu USD- cao gấp đôi lượng vốn ODA giải ngân, bằng gần 70% lượng vốn FDI thực hiện và bằng khoảng 70% lượng tiền kiều hối gửi về Việt Nam. Lượng tiền này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá...

Du lịch không chỉ mang lại một số tiền khá lớn, mà còn là ngành công nghiệp không khói, là xuất khẩu tại chỗ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Quan trọng hơn, đây là kết quả của quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập với thế giới. Đây cũng là hình thức quảng bá hình ảnh của đất nước một cách trực tiếp, hiệu quả. Hình ảnh của đất nước không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng được thế giới xếp hạng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, mà còn là sự ổn định, là sự thông thoáng của cơ chế nói chung và cơ chế về du lịch cũng như sự thân thiện của con người Việt Nam...


Theo đó, do tháng 6 tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, nên tính chung 6 tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 3,54 triệu lượt người, tăng trở lại so với cùng kỳ năm trước.

Theo mục đích đến, lượng khách quốc tế đến để du lịch, nghỉ dưỡng đông nhất (2169,4 nghìn lượt người, chiếm 61,3% tổng số) và tăng cao nhất (4,9%). Đông thứ hai là khách đến vì công việc (592,5 nghìn lượt người) và tăng 1,8%. Đây là tín hiệu tích cực vì đầu tư (cả FDI, ODA, FII) và thương mại có dấu hiệu phục hồi. Đông thứ ba là lượng người về thăm thân nhân (590  nghìn lượt người, chiếm 16,7%), giảm 1%. Lượng khách đến vì mục đích khác đạt 188,5 nghìn lượt người, giảm 8,4%.

Theo nước và vùng lãnh thổ có khách đến Việt Nam, có 18 nước và vùng lãnh thổ có lượng khách đến Việt Nam đông nhất trong 6 tháng (đạt trên 35 nghìn lượt người), có 9 nước và vùng lãnh thổ tăng. Tăng cao nhất là Liên bang Nga lên đến 57,8%, tiếp đến Thái Lan tăng 24,3%, Indonesia tăng 21,5%, CHND Trung Hoa đông nhất tăng 21%, Malaysia 12,2%, Australia 7,3%, Hàn Quốc 4,3%.

Theo phương tiện đến, khách đến bằng đường hàng không đông nhất (80,7%), tăng 0,8%; đến bằng đường bộ chiếm 15,9%, tăng 12,5%; đến bằng đường biển chiếm 3,4%, tăng 2,7%.

Mặc dù đã tăng trở lại, nhưng tốc độ tăng thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (16,9%). Tình hình trên được các chuyên gia lý giải bằng hai nhóm nguyên nhân. Nhóm nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ tình hình quốc tế. Du lịch nước ngoài là nhu cầu chi tiêu cao cấp, trong khi người dân của nhiều nước và vùng lãnh thổ vẫn còn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, do tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi, thậm chí còn bị suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao. Một số nước giảm giá đồng nội tệ, làm cho việc đi du lịch nước ngoài bị đắt lên... Nhóm nguyên nhân thứ hai thuộc về chủ quan ở trong nước. Trong đó có một số hạn chế bất cập tồn tại khá lâu nhưng khắc phục còn chậm. Hạn chế, bất cập về quảng bá, tiếp thị vừa ít, vừa không phong phú, đa dạng, liên tục thiếu linh hoạt. Việc bảo tồn cải thiện, nâng cấp các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, cơ sở vật chất ngành du lịch còn hạn chế. Giá cả dịch vụ du lịch của Việt Nam còn cao. Việc nâng cao chất lượng phục vụ và tính chuyên nghiệp của công tác du lịch còn chậm, việc bảo đảm an toàn giao thông, tránh ùn tắc làm chưa được nhiều. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được tốt. Việc khắc phục tình trạng đeo bám chèo kéo ở không ít điểm du lịch vẫn còn xảy ra...

Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất