Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 19/9/2008 16:42'(GMT+7)

Khai mạc diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2

Tiếp nối những thành công của Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Hội nhập khu vực và Tiến trình hiện đại hoá Việt Nam” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2007, Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần này được tổ chức với chủ đề chính là phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tài chính và phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là những nội dung có ý nghĩa thiết thực không chỉ cho sự phát triển trong giai đoạn trước mắt mà còn cho tương lai lâu dài.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Diễn đàn được tổ chức vào thời gian này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, các nhà đầu tư cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức trong ngắn hạn, hướng tới mục tiêu phấn đấu duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững trong trung hạn và dài hạn.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu, giá lương thực tăng cao đã làm lạm phát gia tăng và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tại các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Để hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tập trung ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới tăng trưởng nhanh bền vững trong trung và dài hạn. Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kiểm soát tỉ lệ nhập siêu, cắt giảm chi tiêu công, tăng cường hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo. Những biện pháp đúng đắn của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Trong phiên thảo luận đầu tiên tại diễn đàn “Lựa chọn tài chính cho sự phát triển”, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ kết quả kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được mới chỉ là bước đầu. Để giải quyết hài hoà các mục tiêu kiềm chế lạm phát và tiếp tục tăng trưởng kinh tế cần xác định rõ các công cụ chính sách, thời điểm, mức độ và qui mô, phạm vi, đối tượng áp dụng phù hợp”.

Theo ông Ninh, từ nay đến cuối năm, Việt Nam tập trung vào các giải pháp tài chính chủ yếu: tiếp tục thực hiện chính sách tài chính-tiền tệ thắt chặt; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính để tránh rủi ro hệ thống; tập trung nâng cao tín dụng bất động sản; đẩy mạnh cải cách hành chính…

Tại diễn đàn, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành của Trung ương, địa phương và các đại biểu quốc tế cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đối phó với tình hình lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đưa ra những giải pháp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.

PV (theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất