Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 18/9/2008 22:47'(GMT+7)

Việt Nam không nên có cảm giác bị thua thiệt khi hạ mức tăng trưởng

"Việt Nam vẫn được đánh giá là địa chỉ đầu tư hấp dẫn" - TS Supachai Panitchpakdi nói

"Việt Nam vẫn được đánh giá là địa chỉ đầu tư hấp dẫn" - TS Supachai Panitchpakdi nói

 Bên lề “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam” lần thứ 2 (VEF2), Tiến sĩ Supachai Panitchpakdi, Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nguyên Phó Thủ tướng Thái Lan cho biết: Việc hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không tác động nhiều đến thành quả mà Chính phủ Việt Nam sẽ đạt được. Hạ tốc độ tăng trưởng hiện là vấn đề chung của toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Ngay cả nền kinh tế Mỹ cũng phải hạ mức độ tăng trưởng: Năm 2008 được dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng trên 1% nhưng những ngày gần đây khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra thì mức tăng trưởng này giảm xuống còn 0,8%, thậm chí còn thấp hơn nữa.

PV: Năm 2009, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng như năm 2008 là 7%. Theo ông, mục tiêu này liệu có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay hay không?

TS Supachai Panitchpakdi: Châu Á được dự báo tăng trưởng trung bình năm nay ở mức 6% và theo tôi mức dự báo 7% tăng trưởng là không khả thi. Duy trì được mức 6% từ nay đến cuối năm đã là tốt lắm rồi.

 Năm 2009 nếu giữ được mức tăng trưởng 6% cũng là thành công rất lớn. Việt Nam không nên có cảm giác bị thua thiệt khi hạ mức tăng trưởng vì đây là vấn đề chung của các nền kinh tế trên thế giới.

Điều Chính phủ Việt Nam nên làm hiện nay là củng cố các nền tảng cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục thâm hụt tài khoản vãng lai, ổn định tỉ giá hối đoái.

Tôi cũng cho rằng Việt Nam không cần quá lo về nguồn vốn đầu tư do có khá nhiều nguồn vốn từ bên ngoài.

Thực hiện tốt những việc này thì tốc độ tăng trưởng mới ổn định.

PV: Với tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan hơn như hiện nay, ông có cho rằng Việt Nam nên hạ thấp lãi suất cơ bản để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy nền kinh tế phát triển?

TS Supachai Panitchpakdi: Tôi nghĩ việc hạ lãi suất là việc cần phải tính và trước sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải tiến hành việc này. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ không nên thực hiện một cách thái quá vì thị trường trong nước cũng như trên thế giới, việc giảm cầu đã bắt đầu xuất hiện. Việc thực hiện các chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát phải được thực hiện song song với các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách tăng thu nhập cho người dân. Điều này là do hiện tượng lạm phát của Việt Nam xuất phát từ lạm phát về giá, về lương. Giá và lương liên tục tăng sẽ có tác động xấu đối với việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

PV: Vậy theo ông cần làm những gì để hỗ trợ các doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân phát triển?

TS Supachai Panitchpakdi: Theo tôi, thắt chặt một cách thái quá chính sách tiền tệ là không tốt. Nó sẽ giết chết các sáng kiến của khu vực kinh tế tư nhân. Khi thực hiện chính sách tài khoá kèm theo thì cũng phải cân bằng được việc thúc đẩy đầu tư trong khu vực tư nhân.

Chính sách áp dụng với khu vực tư nhân, theo tôi là có thể cắt giảm một số hạng mục thuế để thúc đẩy khu vực này phát triển. Cùng với đó khu vực tư nhân phải có trách nhiệm đa dạng hóa hình thức kinh doanh cũng như cơ cấu hàng xuất khẩu của mình. Tôi nghĩ các sản phẩm của châu Á và của Việt Nam có đầy đủ khả năng tiếp cận các thị trường trên thế giới.

Một điểm nữa là không nên để cho lương tăng theo giá. Chúng ta có thể gắn chính sách lương với việc tăng năng suất của doanh nghiệp cũng như gắn với chính sách kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Chính phủ cũng có trách nhiệm hướng dẫn và điều tiết trong lĩnh vực này.

PV: Theo ông Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để tiến hành các cuộc cải cách sâu rộng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính hay áp dụng các biện pháp từng bước để giải quyết những khó khăn trước mắt?

TS Supachai Panitchpakdi: Tôi đã từng phát biểu, trong tình hình hiện nay, thế giới cần làm thế nào để cải thiện sâu rộng hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là dịp các cơ quan tài chính, các nền kinh tế ở châu Á phối hợp với nhau để hành động, cải tổ hệ thống tài chính của châu Á.

Cách đây 10 năm cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Thái Lan được đánh giá là cuộc khủng hoảng mang tính cơ cấu, hệ thống. Tôi nghĩ, chúng ta cần rút ra những bài học từ các cuộc khủng hoảng.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát của Việt Nam giúp duy trì sự ổn định và tăng cường khả năng giám sát, tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tôi thấy Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và giảm dần phụ thuộc vào đầu tư công của các doanh nghiệp Nhà nước. Và điều đáng mừng là trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam vẫn được đánh giá là địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

PV: Xin cảm ơn ông./.

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất