Lễ rước sẽ kéo dài hơn
Những năm trước, vào ngày 13 âm lịch, lễ rước bài vị tướng công Nguyễn Đình Diễn (người đặt nền móng cho Hội Lim vào cuối thế kỷ 18) từ đền Cả về đồi Lim thường được tổ chức từ 7h sáng và diễn ra khá nhanh gọn.
Năm nay, lễ rước sẽ được tiến hành vào 8h30 sáng và diễn ra trong một thời gian khá dài, đủ để khách thập phương tới chơi hội có thể chứng kiến. Hiện, theo thống kê ban đầu, đã có khoảng 1500 cư dân và các liền anh, liền chị quanh Hội Lim tham gia lễ rước, đồng thời có mặt tại buổi tế ở chùa Hồng Ân và dâng hương tại lăng Nguyễn Đình Diễn (hiện đang bước đầu được xây dựng lại).
Theo ông Phạm Duy Quang, Phó Ban Chỉ đạo Hội Lim, ước chừng hơn 10 điểm lớn hát quan họ sẽ được tổ chức tại khu vực hội. Cho tới chiều qua 6/2/2009, lượng khách đổ về hội Lim đã khá đông. Ngoài các trại quan họ mọc lên tại đồi Lim, cửa chùa Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim) Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh (Nội Duệ); Hoài Thượng, Hoài Trung, Hoài Thị (Liên Bão)… một số trò chơi dân gian cũng đã diễn ra như đu tiên, chọi gà, đập niêu, thi dệt cửi, tổ tôm điếm.
7 điểm chính hát quan họ tại nhà nghệ nhân
Cũng theo ông Quang, trong năm 2009, hình thức hát quan họ tại nhà riêng các gia đình nghệ nhân cũng đã được “quy hoạch” với 7 điểm hát chính trong gia đình các nghệ nhân tại 3 thôn Lũng Sơn, Lũng Giang, Duệ Đông. Đây là hình thức hát quan họ theo lối “mốc”, không có nhạc và diễn ra với đầy đủ các lớp lang, trình thức của một canh quan họ cổ - chứ không trình bày riêng lẻ từng bài quan họ như tại các điểm diễn ngoài trời.
Trước đây, chỉ có giới nghiên cứu là thật sự quan tâm và hào hứng với hình thức hát như vậy, tuy nhiên vài năm gần đây, không ít du khách thập phương sành sỏi cũng có nhu cầu thưởng thức. Các đoàn du khách tới có thể liên hệ qua chỉ dẫn của ban quan lý để tới nhà các nghệ nhân. “Xin nói luôn, chúng tôi đã có hỗ trợ cho gia đình các nghệ nhân, vì vậy các du khách tới không phải quá“nặng đầu” về chuyện bồi dưỡng cho một canh hát quan họ kéo dài vài ba tiếng đồng hồ” - ông Quang cho biết.
“Động viên các quán xá bán đúng giá”
Theo quan sát của phóng viên, vào sáng 6/2/2008, các điểm trông giữ xe quanh khu vực Hội Lim đã xuất hiện khá đầy đủ. Mức giá mà các chủ giữ xe đưa ra có thể tạm… thông cảm trong dịp lễ hội: 10.000 đồng/xe máy, 30.000 đồng/xe 12 chỗ. Cá biệt, một số điểm ngoài mặt đường nhận trong xe với mức giá 15.000 và 50.000 đồng/xe ôtô, còn gửi qua đêm là 150.000 đồng.
Nhìn chung việc sắp xếp, phân khu vực trung tâm lễ hội, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống trong hội Lim năm nay cách biệt, thoáng đãng và gọn hơn các năm trước – vốn hay bị phàn nàn là lộn xộn và ảnh hưởng tới sinh hoạt quan họ. Ông Phạm Thuyên – trưởng phòng văn hóa huyện Tiên Du, nơi diễn ra hội Lim cho biết: cơ quan quản lý địa phương cũng đã có biện pháp xử lý lượng hành khất có “truyền thống” vãng lai tới Hội Lim hàng năm. Chúng tôi có giúp đỡ họ một chút về kinh phí, rồi động viên họ về bản quán. Hiện, trước ngày hội chính, chúng tôi chưa thấy các đối tượng này quay trở lại, nhưng Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chuẩn bị một xe ôtô để làm công việc cưỡng chế các đối tượng này.
Điều đáng nói, với đầu tư của chính quyền đại phương, một giàn đèn cao áp đã được dựng lên tại Hội Lim để thắp sáng ban đêm. Đồng thời, các trại quan họ cũng đã được dựng lên bằng khung thép và vải bạt có họa tiết hình mái ngói - thay cho việc dùng tre và lá cọ để lợp lán cho những năm trước….
Một thành viên ban tổ chức cho biết: Thú thật, chúng tôi vẫn muốn làm hoành tráng và chuyên nghiệp hơn, nhưng kinh phí là chuyện “cái khó bó cái khôn”. Quả thật, các hàng quán kinh doanh ngoài trục đường được chúng tôi thu phí, nhưng số tiền đó lại dùng để bồi dưỡng với mức vài triệu cho mỗi gia đình nghệ nhân tổ chức hát tại nhà; hay 5 triệu/ thuyền quan họ./.
DT- theo Vietnam+