Chủ Nhật, 6/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 12/3/2012 17:21'(GMT+7)

Khai mạc Hội nghị khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc

An ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo là chủ đề của hội nghị lần này. Ảnh: VT

An ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo là chủ đề của hội nghị lần này. Ảnh: VT

 

Tham dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu gồm các đại diện đến từ 38 quốc gia thành viên của FAO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các quan sát viên là đại diện của 7 tổ chức thuộc Liên hợp quốc, 6 tổ chức liên chính phủ, 28 nhóm xã hội dân sự, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển và các quan sát viên đặc biệt đến từ Singapore, Brunei và Tòa Thánh. Cuộc họp tại Hà Nội lần này cũng là Hội nghị thượng đỉnh khu vực đầu tiên của FAO có sự tham dự của ông Jose Graziano da Silva kể từ khi ông được bầu giữ chức Tổng Giám đốc FAO. Đây là sự kiện quan trọng trong các hoạt động nông nghiệp của khu vực và được tổ chức hai năm một lần. Việt Nam vinh dự được FAO và các nước thành viên khu vực lựa chọn tổ chức Hội nghị tại Hà Nội trong thời gian từ ngày 12 đến 16/03/2012.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới tháng trước đã tăng 1%, đây là lần tăng giá đầu tiên trong sáu tháng vừa qua. FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, giá các hàng hóa chủ yếu trên thế giới sẽ tăng ở mức chóng mặt vào cuối thập kỷ này như giá gạo được dự báo sẽ tăng 40%, ngô tăng 48%, lúa mỳ tăng 27% và hạt có dầu tăng 36%.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát bày tỏ vui mừng khi “Việt Nam vinh dự được FAO và các nước thành viên khu vực lựa chọn tổ chức Hội nghị FAO Khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chủ đề chính của Hội nghị FAO khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 là: An ninh lương thực và Giảm đói nghèo ở nông thôn. Đây là những vấn đề rất thiết thực và cấp bách hiện nay, bởi hiện vẫn còn gần một tỷ người trên thế giới đang phải chịu đói, trong đó 65% sống ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi các yếu tố tiêu cực như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, suy giảm đất nông nghiệp và tài nguyên nước, cũng nhưu giảm đầu tư cho nông nghiệp đang làm trầm trọng thêm tình hình. Do đó, việc đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là giảm một nửa số người đói và nghèo cùng cực đến năm 2015 hiện đang là một thách thức vô cùng lớn đối với cả thế giới và khu vực nói riêng. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu chúng ta tập trung được nhiều nỗ lực ở cả cấp khu vực và quốc tế, có sự phối hợp và bổ sung cho nhau một cách chặt chẽ, trong cuộc chiến chống lại nghèo đói”.

Theo ông Hiroyuki Konuma, Đại diện FAO tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù được đánh giá là vùng tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của thế giới, song năm 2010, vẫn có 578 triệu người nghèo đói, chiếm 62% trong tổng số 925 triệu người nghèo đói trên thế giới. Mục tiêu đầu tiên của các Mục tiên Phát triển Thiên niên kỷ - giảm một nửa tỷ lệ người sống trong đói nghèo, từ 20% vào năm 1990 xuống còn 10% năm 2015 - đã trở thành một thử thách lớn khi vào năm 2010, tỷ lệ này vẫn còn ở mức 16%. Ông Hiroyuki Konuma nhấn mạnh: tình trạng dân số tăng, đất canh tác có thể mở rộng hẹp, giá dầu thô tăng có thể tác động nghiêm trọng hơn tới đói nghèo và suy dinh dưỡng ở châu Á. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh lương thực và sự ổn định về chính trị - xã hội.

Trong hai ngày 12 - 13/3, các quan chức cấp cao của các nước thành viên FAO trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ thảo luận về các vấn đề như an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, tập trung vào chính sách khu vực và toàn cầu; các vấn đề pháp lý như tình trạng nông nghiệp và thực phẩm ở châu Á - Thái Bình Dương, các sáng kiến của Ủy ban An ninh Lương thực Thế giới (CFS), các chương trình và các vấn đề ngân sách… Từ đó, tư vấn cho các Trưởng đoàn về các chiến lược và biện pháp để thông qua trong Phiên họp toàn thể của Hội nghị vào hai ngày 15 - 16/3.

Sự kiện quan trọng này được FAO tổ chức hai năm một lần để xem xét và đưa ra các khuyến nghị đối với các vấn đề then chốt về thực phẩm và nông nghiệp ảnh hưởng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Tuấn Đạt
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất