Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 26/10/2020 9:6'(GMT+7)

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới với chủ đề COVID-19

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác dã chiến ở New York, Mỹ ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tới nhà xác dã chiến ở New York, Mỹ ngày 9/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 25/10 theo giờ Berlin, Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Do tình hình dịch bệnh, hội nghị năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19.

Ông nhấn mạnh "không ai an toàn trước COVID-19 cho tới khi tất cả đều an toàn trước đại dịch," kêu gọi thế giới vượt qua đại dịch bằng tinh thần hợp tác thay vì cái gọi là "chủ nghĩa dân tộc vắcxin."

Theo Tổng thống Đức, chính phủ các nước một mặt có nghĩa vụ trước hết đối với người dân nước mình, song sự đảm bảo có vắcxin sớm của một số nước sẽ đồng nghĩa với sự phải trả giá của các nước khác.

Ông kêu gọi ủng hộ sáng kiến Cơ chế tiếp cận vắcxin COVID-19 toàn cầu (COVAX), đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ tham gia sáng kiến này.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại.

Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh hợp tác là cách duy nhất để cộng đồng thế giới thoát khỏi bệnh dịch hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 có thể là hình mẫu cho việc hợp tác y tế toàn cầu, đòi hỏi một vai trò lãnh đạo rõ ràng và Liên minh châu Âu (EU) có thể đảm nhận trách nhiệm này.

Chủ tịch và người sáng lập Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới Detlev Ganten nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa chính trị, khoa học, kinh tế và xã hội xuyên biên giới, trong đó sự hợp tác và đoàn kết quốc tế là vấn đề quan trọng nhất.

Ông nhấn mạnh đại dịch COVID-19 cho thấy chỉ có thể có được giải pháp nếu vượt qua được các lợi ích cá nhân, lợi ích thể chế và lợi ích quốc gia.

Dự kiến, trong 3 ngày diễn ra hội nghị, khoảng 300 đại biểu là các chính trị gia và nhà khoa học sẽ thảo luận trực tuyến về các biện pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Ban đầu, hội nghị dự kiến diễn ra ở Berlin với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu.

Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới là một trong những hội nghị quan trọng mang tính chiến lược của thế giới đối với sức khỏe toàn cầu, tập hợp các nhà khoa học, chính trị gia hàng đầu thế giới.

Diễn đàn được thành lập năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charité Berlin và được Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch EC von der Leyen và Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus bảo trợ./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất