Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 4/12/2008 13:39'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ VN sẽ tập trung chỉ đạo, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của các nhà tài trợ vốn ODA cho Việt Nam trong suốt 14 năm qua. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Nhờ có sự hỗ trợ bởi các khoản vốn và những kinh nghiệm phát triển quý báu từ nguồn ODA, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của Việt Nam đã được cải thiện và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xã hội, như y tế, giáo dục, tăng cường thể chế, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt là trong công tác xóa đói giảm nghèo...”.

Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010, cũng là năm Việt Nam gặp nhiều khó khăn như những tháng đầu năm lạm phát, giá cả tăng cao, nhập siêu lớn, đã tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với thiên tai dịch bệnh, gây nhiều thiệt hại và khó khăn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân. Trước tình hình này, Việt Nam đã chủ động đề ra và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đến nay, lạm phát đã được kiềm chế, xuất khẩu 11 tháng tăng hơn 34% so với cùng kỳ; nhập siêu giảm mạnh; đầu tư nước ngoài tăng cao, vốn đăng ký đạt trên 60 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay; kinh tế vĩ mô được ổn định; tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%; thu ngân sách vượt 23,5% kế hoạch năm; các lĩnh vực xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông báo với các nhà tài trợ 5 nhóm giải pháp lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm hạn chế tối đa những tác động bất lợi của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế trong nước và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn năm 2006-2010.

Thủ tướng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới chưa có khả năng kết thúc sớm, đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009 đối với Việt Nam là rất nặng nề, được thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao nội dung thảo luận của Hội nghị lần này tập trung vào các chủ đề về tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách của Chính phủ; hài hòa hóa thủ tục và hiệu quả viện trợ; quản trị công và cải cách thể chế; biến đổi khí hậu; cam kết ODA và các hỗ trợ của cộng đồng tài trợ. Thủ tướng cũng tin tưởng Hội nghị lần này sẽ trao đổi, thảo luận thẳng thắn với tinh thần tin cậy lẫn nhau, cùng hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc phát triển của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong rằng Việt Nam sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và tiếp tục nhận được nguồn tài trợ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng tôi luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các Nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA”.

Hội nghị CG lần này đánh dấu 15 năm tổ chức và nối lại quan hệ giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế (1993-2008). Đây là dịp để Việt Nam và các nhà tài trợ nhìn lại những thành tựu đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng, đổi mới trong thời gian tới.

Hội nghị CG 2008 có sự tham gia của đại diện các định chế tài chính và tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Liên hợp quốc..., đại diện chính phủ các nước viện trợ.

Tại Hội nghị CG năm 2007, các nhà tài trợ cam đã kết ủng hộ mức kỷ lục hơn 5,4 tỷ USD, để hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.Cho đến nay, sau 14 Hội nghị CG được tổ chức, Việt Nam có 51 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương có các chương trình ODA thường xuyên. Mức cam kết ODA hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong thời kỳ 1993-2007, tổng giá trị ODA cam kết đạt 42,438 tỷ USD, tổng vốn ODA ký kết đạt 32,109 tỷ USD, tương đương 75,66% tổng lượng ODA cam kết cùng kỳ; tổng vốn ODA giải ngân đạt 19,865 tỷ USD, tương đương 61,86% tổng lượng ODA ký kết cùng kỳ. Nguồn vốn ODA đã bổ sung một nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, chiếm 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong thời kỳ này.


TG- VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất