Chủ Nhật, 8/12/2024

Khai thác “mỏ vàng” di sản văn hóa của Việt Nam

Lễ hội Đền Hùng - biểu tượng sinh động nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. (Ảnh: Thiện Văn)

Lễ hội Đền Hùng - biểu tượng sinh động nhất của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. (Ảnh: Thiện Văn)

DI SẢN VÔ GIÁ, “MỎ VÀNG” CỦA QUỐC GIA

Năm 2023 đánh dấu tròn 30 năm di sản của Việt Nam chính thức được vinh danh trên thế giới. Kể từ năm 1993, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đến nay, Việt Nam đã có 32 di sản được vinh danh. Quãng đường 30 năm so với chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc ta giống như một “tích tắc”, nhưng đã để lại những “vì sao sáng” trên bầu trời văn hóa của nhân loại. Bởi lẽ, trong số 32 di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh trong ba thập niên qua, chỉ có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, còn lại là 29 di sản văn hóa (5 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu). 

Có thể nói rằng, mỗi di sản thế giới của người Việt là sự chưng cất, hòa quyện của khí trời, hồn đất, lòng dân và tâm thế, hào khí, khát vọng của một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” như đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã khẳng định cách nay gần 8 thế kỷ. Di sản văn hóa của người Việt đã được thử thách, sàng lọc qua thời gian để chứng tỏ sự trường tồn bất tử của mình. Qua “lăng kính di sản”, bạn bè thế giới có thể nhận diện được diện mạo, tinh khí, tâm hồn và chiều sâu lịch sử, vị thế văn hóa của dân tộc Việt và người Việt cả trong quá khứ và đương đại.

Có được niềm kiêu hãnh ấy, hậu thế mãi mãi khắc cốt ghi xương những công lao to lớn của tổ tiên, ông cha ta từ đời này nối tiếp đời khác đã bền bỉ bảo vệ giang sơn, dệt thêu gấm vóc, neo giữ tâm hồn, cốt cách, bản sắc dân tộc Việt trước bao thử thách khắc nghiệt của thiên tai địch họa và bao sóng gió của thời cuộc. Bản sắc đó hiện diện đậm đà ở những tinh hoa di sản văn hóa thế giới đã được kết tụ từ trí tuệ, tình cảm, niềm tin, lẽ sống và cả mồ hôi, nước mắt, xương máu của bao thế hệ người Việt Nam trong hành trình dựng nước và giữ nước suốt hàng ngàn năm qua.

Không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, di sản văn hóa còn là “mỏ vàng” của quốc gia. Theo cách tính của UNESCO, mỗi thương hiệu di sản thế giới sẽ có giá trị khoảng 500 triệu USD/năm.

30 năm qua, Việt Nam đã được UNESCO vinh danh:

2 di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

5 di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế; Khu di tích Chăm Mỹ Sơn; Khu phố cổ Hội An; Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Thành Nhà Hồ.

1 di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình.

15 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, gồm: Nhã nhạc Cung đình triều Nguyễn; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ; Hát Ca trù; Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Gốm Bàu Trúc.

3 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn; Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Châu bản triều Nguyễn.

6 di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa); Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh.

LÀM GIÀU SỨC MẠNH QUỐC GIA TỪ DI SẢN VĂN HÓA

Dưới góc nhìn của ngành công nghiệp thương hiệu, sau khi di sản văn hóa và thiên nhiên của một quốc gia đã trở thành tài sản chung của nhân loại, đó là thứ tài sản vô hình nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị hữu hình, bởi nó đã được gắn với một thương hiệu đẳng cấp quốc tế nên có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách năm châu bốn biển. Số liệu thống kê của các địa phương thời gian qua cho thấy, các di sản thế giới sau khi được công nhận đều tăng nhanh số lượng du khách và năm sau tăng nhiều hơn năm trước. Điều này cũng phù hợp với con số thống kê mà Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra: Hơn 70% du khách nước ngoài mỗi khi đặt chân đến Việt Nam đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, khám phá những “vỉa quặng lấp lánh” chứa đựng trong mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt.

Trong đó, các di sản thế giới của người Việt như những “viên ngọc” lung linh, rực rỡ mà hầu như du khách ngoại quốc nào đến tham quan Việt Nam cũng ít nhất một lần muốn được tận mắt chiêm ngưỡng, thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của nó, mà khó có thể tìm thấy ở dân tộc khác, quốc gia khác. Như một lẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi di sản Việt Nam sau khi được dán “nhãn hiệu thế giới” cũng sẽ trở thành một thứ “nam châm” có sức hút mạnh mẽ đối với mọi người dân trong nước. Thế nên, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, giá trị thương hiệu di sản thế giới của người Việt đã, đang và sẽ ngày càng chiếm lĩnh một tỷ lệ quan trọng trong GDP của nền kinh tế quốc dân.

Hơn nữa, nhìn ở góc độ văn hóa học, hiểu theo nghĩa “văn hóa” có xuất phát điểm khởi nguyên là “gieo trồng”, thì mở rộng nội hàm khái niệm này ra, di sản văn hóa thế giới là một loại tài nguyên đặc biệt, tiềm năng vô hạn và có thể sinh sôi nảy nở theo cấp số nhân. Một khi chúng ta luôn có ý thức trân trọng nâng niu, bền bỉ chăm chút, vun trồng thì nhất định nó sẽ ngày càng đơm hoa kết trái và tỏa hương ngọt lành.

Sức sống, tiềm năng và lợi thế của di sản thế giới là rất to lớn. Nhưng nếu chúng ta thiếu quan tâm đúng mức hoặc chưa thực sự coi trọng ứng xử văn hóa trong quá trình làm giàu từ di sản, tức là chỉ biết khai thác phần nổi, bề ngoài, “phần thô” của di sản hay chỉ quan tâm đến yếu tố kinh tế nhất thời, lợi ích trước mắt mà giá trị di sản mang lại. Từng có bài học di sản thế giới của một số nước đã bị UNESCO tước danh hiệu vì khai thác quà đà, quá mức làm biến dạng, méo mó hình hài di sản gốc. Đó là biểu hiện tâm lý “say sưa với chiến thắng” sau khi di sản được vinh danh, mà không thường xuyên có những việc làm thiết thực, tương xứng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong xã hội hiện đại, hay vì muốn bảo tồn quá nôn nóng vì thiếu kiến thức, thiếu tâm huyết đã vô hình trung bôi trát một lớp “son phấn lòe loẹt” làm tổn thương di sản. Đó là những nguy cơ rất cần phòng tránh trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản thế giới ở Việt Nam.

Trong “thế giới phẳng” hiện nay, khi “cơn lốc” của toàn cầu hóa đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn, nhưng cũng dễ làm lung lay gốc rễ, xóa nhòa truyền thống, phai nhạt bản sắc văn hóa của các dân tộc, thì không có “phép mầu nhiệm” nào đáng quý hơn ngoài việc phải kiên tâm, bền chí bảo tồn, giữ vững cho được những di sản thế giới của người Việt đã được thế giới vinh danh. Đó là một lối ứng xử thông minh nhất, một cách tri sâu sắc nhất và cũng là một trong những cách làm giàu khôn ngoan nhất đối với những di sản của tổ tiên, ông cha ta đã dày công sáng tạo, vun đắp và trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau./.

ThS. NGUYỄN VĂN HẢI

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất