1. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, năm 2014, việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, rất nhiều vấn đề bất cập về con người và văn hóa đã bộc lộ ra. Ngày 4/6/2020 Bộ Chính trị đã ra kết luận đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết này. Kết luận chỉ rõ, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó, “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại”(1).
Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình, trong tương quan với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Trong nội dung thứ VII của Báo cáo chính trị “Xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam”, Đảng ta xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới… Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam đã tồn tại trong lịch sử; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(2).
Nội dung này có phần khác trước, khi về mặt lý luận, chủ trương xây dựng chuẩn mực con người được thay thế cho việc xác định hệ giá trị con người Việt Nam.
Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, ngày 24/11/2021, về các giá trị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi một trong những “nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá dân tộc” là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”(3).
2. Chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ mình anh ta thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng động, thì trên thực tế, những chuẩn mực mà anh ta tự xác định cũng vẫn là chuẩn mực xã hội - chuẩn mực theo những quan niệm xã hội nào đó, mà anh ta thu nhận từ cộng đồng và tự áp dụng cho mình. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiệm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ xã hội.
Về mặt lý thuyết, toàn bộ những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ, những quan niệm theo lẽ phải thông thường về nghĩa vụ và trách nhiệm, về những điều cấm kỵ và những hành vi được phép, thậm chí những hành vi được xem là phản cảm hay cần noi theo… đều là những khuôn thước của xã hội, tức là thuộc phạm vi của những chuẩn mực xã hội.
Đời sống con người từ xưa đến nay đều diễn ra trong và thông qua sự kiểm định của thế giới các các chuẩn mực. Tất cả những gì con người suy nghĩ, mong muốn, tỏ thái độ hay hành động… đều được mỗi cá nhân tự đặt bản thân mình trước sự “đo đạc” và phán xét” của những chuẩn mực. Trên cơ sở đó, con người sẽ lựa chọn thực hiện thái độ và hành vi, tuân thủ nhiều hay ít chuẩn mực cộng đồng.
Con người thường khao khát có một cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc. Khi chuẩn mực xã hội được cho là tốt đẹp, hợp lý, thậm chí là thiêng liêng, thì những chuẩn mực ấy trở thành quỹ đạo của những hành vi và thái độ lý tưởng, đến mức đôi khi con người sẵn sàng hy sinh cho những mục đích nào đó mà họ cho là cao cả.
Do vậy, chuẩn mực xã hội là những nguyên tắc, quy tắc, khuôn mẫu hành vi và thái độ, những lề thói đám đông, thậm chí định kiến…, được thiết kế hoặc tự hình thành, được thừa nhận ngầm định hoặc công khai… dùng để “đo đạc” và phán xét” hành vi và hoạt động, tác phong và thói ứng xử, quan niệm và thái độ… của cá nhân hoặc cộng đồng.
Về phương diện khoa học, có những bí ẩn của chuẩn mực xã hội, mà ngay trong các tài liệu khoa học uy tín cũng không thấy được giải đáp thỏa đáng.
Chẳng hạn, chuẩn mực xã hội có thành phần gồm những gì? - chủ yếu là lý tính, lý trí gắn liền với logic, hay chủ yếu là thái độ, tình cảm gắn liền với thói quen cảm tính? Tại sao không một quyền lực nào có thể “sai khiến” được chuẩn mực xã hội, mà ngược lại chính nó lại sai khiến con người, từ người có quyền lực đến người bình thường? Bằng sức mạnh nào mà chuẩn mực xã hội có thể lan tỏa trong đời sống một cách tự nhiên và được mọi người tỏ thái độ (chấp nhận hoặc phản đối) như vậy?
Chuẩn mực xã hội nào cũng đều không tách rời quan niệm thông thường về Chân - Thiện - Mỹ. Đây là một trong những bí ẩn của chuẩn mực xã hội và là vấn đề rất nan giải đối với thực tiễn xã hội.
Rất nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam hiện nay đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. Chính vì thế mà vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Kỳ vọng được giả định là, nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội… thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn.
Tuy nhiên, kỳ vọng này vô tình lãng quên một thực tế rằng, chính các “lề thói và quan niệm ứng xử thông thường” tự phát, đang được thực hiện trong đời sống xã hội lại tự cho mình là những “chuẩn mực xã hội”, tự ngầm định về Chân - Thiện - Mỹ (làm theo lề thói của đám đông, ứng xử như cộng đồng đang ứng xử thông thường, được coi là hợp lý, thậm chí là đúng, là tốt, là đẹp).
Chẳng hạn trong xã hội Việt Nam hiện nay, rất nhiều chuẩn mực được quy định thành văn bản một cách hợp pháp, kể cả những quy định, quy tắc, nội quy của một số đoàn thể, tổ chức xã hội. Nhưng trong thực tế, lại không nhiều người tự thấy mình phải căn cứ vào đó để suy nghĩ và hành động, hoặc thực sự tuân thủ chấp hành. Trong khi đó, có những thói quen giao tiếp, cách thức hoạt động, lề thói ứng xử… phải nói là thói xấu, là tệ nạn, thậm chí là cái đáng lên án, nhưng sau nhiều năm tồn tại trong đời sống, chúng đã trở thành gần như là “chuẩn mực xã hội”. Đến mức, nếu ai đó không tuân thủ, không hành động hay tỏ thái độ theo quan niệm thông thường, thì người đó khó tránh khỏi sẽ cảm thấy “lạc lõng”, thậm chí đôi khi còn tự phán xét mình. Hiện nay, không ít người sẵn sàng không tuân thủ những chuẩn mực thành văn hay những chuẩn mực được quy định của xã hội, mà lại tuân thủ những chuẩn mực bất thành văn, các lề thói lệch chuẩn của một nhóm xã hội nào đó.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao con người lại tuân thủ những “lệch chuẩn” không đúng đắn, xấu, thậm chí là bất lương… đang ngầm tồn tại trong đời sống xã hội.
Cố nhiên là vì lợi ích. Những người có bản lĩnh, dũng cảm sống lương thiện, không chấp nhận các lề thói mà họ cho là không phải, là xấu, để giữ được phẩm cách, nhân cách, không nhiều. Số còn lại, vì mưu cầu lợi ích cá nhân, đảm bảo cho đời sống được diễn ra một cách bình thường, đôi khi phải chấp nhận thực hiện những hành vi, hoạt động mà người ta không muốn làm.
Vấn đề là ở chỗ, chính các “lệch chuẩn” nếu tồn tại quá lâu, nếu được phần lớn cộng đồng xã hội chấp thuận, thì trong thực tế, chúng lại tự ngầm định cho mình những giá trị về Chân - Thiện - Mỹ. Nghĩa là, việc thực hiện những hoạt động, hành vi lệch chuẩn theo lề thói của quan niệm thông thường, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ đến lúc có thể được coi là đúng, là tốt, là đẹp.
3. Trong việc xác định chuẩn mực con người Việt Nam, vấn đề đầu tiên là phải phân loại: chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực về lĩnh vực nào, về mặt nào của đời sống con người, hay về các nhóm người nào thuộc cộng đồng các dân tộc, các tầng lớp cư dân Việt Nam.
Chỉ riêng trong các tài liệu khoa học và thống kê hiện có, người ta đã có thể thấy có nhiều cách phân loại và theo đó có quá nhiều chuẩn mực về con người.
Theo cách phân loại sơ đẳng nhất của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), thì đối với con người, trước hết, sự phát triển con người cần phải đạt tới những chuẩn mực về mặt sinh thể và những chuẩn mực về mặt tinh thần. Trong các báo cáo phát triển con người mà UNDP công bố hằng năm, hàng trăm loại chỉ số đã được UNDP thiết kế để đo đạc. Chẳng hạn, về phương diện sinh thể, những chỉ số về tuổi thọ, về thu nhập và dinh dưỡng, về chăm sóc sức khỏe, về sử dụng nước sạch, về phụ nữ và trẻ em… trên thực tế, là những cụm chỉ số gồm nhiều chỉ số thành phần chi tiết khác. Về phương diện tinh thần, các chỉ số như số năm đi học trung bình, số năm đi học kỳ vọng, người lớn từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, về các dạng bất bình đẳng… thực sự đã là những chuẩn mực có ý nghĩa về con người và đời sống con người mà UNDP đã dùng để đánh giá sự phát triển con người của gần 200 quốc gia suốt từ năm 1990 đến nay.
Ấy là chưa kể đến các chuẩn mực cụ thể mà các ngành có trách nhiệm trực tiếp đánh giá các mặt cụ thể của đời sống con người như giáo dục, y tế, lao động xã hội, an sinh xã hội, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông… Đó chính là các chuẩn mực xã hội của con người.
Nghiên cứu chuẩn mực con người Việt Nam, chắc chắn không phải là sự thống kê tất cả những thành tựu mà các ngành kinh tế - xã hội cụ thể đã theo dõi, đo đạc, đánh giá về đời sống con người trong các báo cáo chuyên ngành hằng năm.
Thực ra, về phương diện khoa học, nghiên cứu chuẩn mực con người, quan trọng nhất (và cũng thú vị nhất) là nghiên cứu những chuẩn mực không thành văn - những chuẩn mực ngầm định về đời sống, những lề thói xã hội đã tồn tại thực trong xã hội. Phần lớn những chuẩn mực này lại thuộc lĩnh vực chuẩn đạo đức, chuẩn mực văn hóa. Tuy nhiên các chuẩn mực thành văn trong các lĩnh vực như pháp lý, kinh tế, chính trị hay y tế, giáo dục… cũng là những chuẩn mực không thể không tính đến khi kết luận về các chuẩn mực con người.
Về phương diện pháp lý, vấn đề là ở chỗ khi vi phạm pháp luật hay thậm chí vi phạm các chuẩn mực pháp lý, kể cả các quy tắc, quy định… của Nhà nước hay của các đơn vị kinh tế - xã hội cụ thể, thì người vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài được quy định rõ trong các văn bản quản lý của các cấp chính quyền có trách nhiệm. Do vậy, việc xác định các chuẩn mực xã hội của con người về phương diện pháp lý, ở đây là không có ý nghĩa. Cũng tương tự như vậy, trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, giao thông hay trật tự an toàn xã hội… rất nhiều chuẩn mực thành văn đã được quy định buộc con người phải chấp hành hay tuân thủ. Không có lý do gì để những chuẩn mực này bị coi là nằm ngoài những chuẩn mực con người. Nhưng nếu phải xử lý các chuẩn mực cụ thể này coi chúng như những thành tố trong việc xây dựng mực con người Việt Nam, thì vấn đề trở nên quá phức tạp.
Với lĩnh vực đạo đức, bản thân đạo đức đã là tổ hợp phức tạp của các chuẩn mực có chức năng điều khiển hành vi, dẫn dắt thái độ, đánh thức lương tâm của con người. Các chuẩn mực đạo đức, bằng một phương thức rất đặc thù là thông qua tâm thức cộng đồng, thái độ cộng đồng, dư luận cộng đồng và xã hội… để điều khiển hành vi con người. Đánh thức lương tâm và khơi dậy thái độ biết xấu hổ trước sai phạm, các chuẩn mực đạo đức là cái đã tồn tại sẵn trong mỗi con người, tất nhiên ở các trình độ sâu nông khác nhau, nhất là ở những con người được giáo dục, có nhân cách, có trách nhiệm xã hội. Do vậy, khó có thể bổ sung hay xác định thêm cho lĩnh vực đạo đức những “chuẩn mực con người” nào khác, ngoài những chuẩn mực của chính nó.
Gần đây, có ý kiến đề xuất Nhà nước cần phải xây dựng bộ “luật đạo đức”. Ý kiến này trong khi cũng nhận được ít ỏi sự ủng hộ, thì đã bị phê phán khá nặng nề. Những lý lẽ phản bác cho rằng, từ rất sớm trong các xã hội phương Tây, đạo đức và pháp luật đã được giảng dạy như là những hình thái ý thức xã hội mà con người không thể sống được thành xã hội nếu thiếu chúng. Đạo đức và pháp luật, trước hết đều là các chuẩn mực điều chỉnh hành vi của con người - “pháp luật là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là pháp luật tối đa”(4), nhưng đạo đức điều chỉnh hành vi bằng dư luận xã hội, bằng tâm thức xã hội, còn pháp luật điều chỉnh hành vi bằng các chế tài pháp lý, cưỡng chế công dân vi phạm buộc phải thực hiện. Pháp luật trừng trị những hành động phạm pháp căn cứ vào hậu quả của nó, nhưng thường coi là vô tội đối với những hành vi mới chỉ là ý đồ của thành viên xã hội. Ý thức đạo đức cùng với các chuẩn mực của nó đã có sẵn trong con người, nên có khả năng đánh thức hoặc khiến con người phải “tự trừng phạt” mình ngay từ khi người đó mới chỉ nghĩ đến hành vi lệch chuẩn. Khi đạo đức của người nào đó đã đạt đến một trình độ cao, thì pháp luật đối với anh ta sẽ trở thành thừa, bởi đạo đức của cá nhân đó không cho phép họ lệch chuẩn hoặc phạm pháp.
Đạo đức và đạo đức học xưa nay vẫn tồn tại độc lập bên cạnh luật pháp như là một phương thức sống của con người trong xã hội. Đạo đức không thể “luật hóa” hay trở thành luật, vì chuẩn mực đạo đức không thể là kết quả của sự cưỡng chế. Cũng như vậy, luật pháp không thể “đạo đức hóa” mà bỏ qua các công cụ cưỡng chế. Lời khuyên đạo đức đối với kẻ vi pháp pháp luật chính là sản phẩm của sự cưỡng chế như tòa án và nhà tù. Việc đề xuất “Luật đạo đức” cho thấy một nhận thức rất có vấn đề về mối quan hệ giữa đạo đức và luật pháp.
4. Đành rằng đối với con người nói chung, thậm chí con người ở trình độ toàn nhân loại, vẫn cần có (và đã có) những chuẩn mực xã hội cho những quan niệm, hoạt động và hành vi của họ. Tuy nhiên, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, trên thực tế, lại đòi hỏi phải xây dựng cho được những chuẩn mực cụ thể cho những con người hoạt động trong những lĩnh vực cụ thể, với những nghề nghiệp cụ thể, ở những trình độ lao động cụ thể... Chuẩn mực xã hội đối với một bác sĩ chắc chắn phải khác với chuẩn mực của một người thợ trong dây chuyền sản xuất công nghiệp. Đây là một đòi hỏi khá phức tạp đặt ra đối với giới nghiên cứu. Nếu chuẩn mực con người chỉ được xác định ở những phẩm chất chung nhất, phổ biến nhất, thì ý nghĩa của việc xác định có thể sẽ là không nhiều. Còn nếu xác định chuẩn mực con người cho từng tầng lớp xã hội cụ thể, từng nhóm người cụ thể, hay cho từng loại hoạt động người cụ thể, thì khách thể và đối tượng của việc xác định lại quá lớn và quá chi tiết.
Chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực của các cư dân trong toàn xã hội Việt Nam, gồm tất cả các nhóm xã hội, các tầng lớp dân tư, các công dân gốc Việt.
Theo lý thuyết về chuẩn mực thì chuẩn mực xã hội chỉ thực sự là chuẩn mực khi áp dụng đối với các nhóm nhỏ. Còn đối với các nhóm lớn, đặc biệt đối với toàn xã hội, chuẩn mực xã hội không thể vẫn là các thiết chế có tính chất quy tắc, quy phạm, quy ước, hay các chế tài có ý nghĩa cấm kỵ hoặc trừng phạt. Ở những phạm vi này, chuẩn mực xã hội dần nhường chỗ cho luật pháp.
Như vậy, chuẩn mực con người Việt Nam nếu được xây dựng một cách hợp lý thì cũng mới chỉ là những nguyên tắc kỳ vọng có tính chất lý tưởng, chủ yếu về phương diện đạo đức hay nhân sinh quan. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ, nếu chỉ mang tính quy ước, chỉ là những nguyên tắc lý tưởng, giống như những lời khuyên về phương diện đạo đức, thì tính chuẩn mực của các chuẩn mực xã hội đối với con người sẽ có ý nghĩa như thế nào.
Tóm lại, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hoá, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao./.
GS. TS. HỒ SĨ QUÝ
Viện Thông tin Khoa học Xã hội,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
________________________
(1) Kết luận 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. H, 2021, t.I, tr.143.
(3) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021.
(4) Mooney, Christopher F: Public Morality and Law. Journal of Law and Religion. Vol. 1, No. 1 (Summer,1983), pp. 45-58 (14 pages). Cambridge University Press. https://www.jstor.org/stable/1051072.