Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 21/8/2013 23:2'(GMT+7)

Khai thông thủ tục hành chính tiết kiệm 570 tỷ đồng

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Hội thảo lấy ý kiến về đề án thiết lập hệ thống thông tin này đã được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/8, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn, tính toán sơ bộ mỗi ngày có 600.000 giao dịch thủ tục hành chính được thực hiện giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp chính quyền.

Với gần 400 vụ, cục; 1.300 sở, gần 7.000 cơ quan chuyên môn, số lượng giao dịch giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước là rất nhiều và cũng phát sinh nhiều vấn đề về đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Một trong những hạn chế đó là sự thiếu minh bạch, kịp thời, thuận lợi của các thủ tục hành chính.

Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề chưa ổn định, cần điều chỉnh, văn bản quy phạm pháp luật phải bổ sung nhiều làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận của người dân, gây tốn kém tiền của khi phải tìm hiểu các quy định tuân thủ. Bên cạnh đó, những phản ánh kiến nghị và tình hình giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân chưa được quan tâm giải quyết thấu đáo.

Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính chính là lời giải cho các vấn đề trên.

Đề án hướng đến mục tiêu thiết lập hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền với đầy đủ các tính năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính; công khai hóa, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin trực tuyến về tình hình, kết quả giải quyết; lưu trữ toàn bộ nội dung các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức.

Đề án thiết lập các công cụ hỗ trợ cần thiết để tạo thuận lợi và giảm thời gian cho việc tra cứu, tìm hiểu nội dung chính sách, quy định, thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, tổ chức; chi phí hành chính cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết thủ tục cũng như việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động trên; đồng thời tạo nguồn cơ sở dữ liệu chính xác đầy đủ và liên tục phục vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là việc báo cáo thống kê, đánh giá xếp hạng về chất lượng của công tác này tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước; tạo cơ chế kiểm soát một cách đồng bộ, tập trung và xử lý thông tin nhanh nhất trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp.

Với mô hình quản lý dữ liệu tập trung, hệ thống dự kiến có khoảng 50.000 người sử dụng để nhập số liệu trực tiếp, 10 triệu người dân, tổ chức tham gia truy cập để tìm kiếm, tra cứu thông tin.

Hệ thống cần đáp ứng được tối thiểu 600.000 giao dịch hồ sơ thụ lý dịch vụ công hàng ngày và việc cập nhập hồ sơ thủ tục hành chính, hồ sơ văn bản có quy định về thủ tục hành chính của khoảng 600 cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Đề án được thực hiện trong ba năm, từ 2014-2016, thí điểm ở 5 thành phố lớn và một số bộ ngành.

Lý giải về con số tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục cho người dân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước lên tới 570 tỷ đồng mỗi năm, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết số liệu này được tính toán dựa trên cơ sở giảm thời gian tìm hiểu tra cứu, thông tin về thủ tục hành chính, thời gian đi lại, chi phí đi lại của người dân, tổ chức để nắm bắt tình hình giải quyết thủ tục hành chính.

Lợi ích cho cơ quan nhà nước được thể hiện qua việc tất cả thông tin được cập nhật tự động từ các nơi có hệ thống thông tin một cửa điện tử, thay vì công văn, thư từ được chuyển đi chuyển lại giữa các cơ quan, nay mọi việc được làm online, loại bỏ được tình trạng hàng kỳ, hàng quý, hàng năm người người làm báo cáo, nhà nhà làm báo cáo, giảm chi phí hành chính.

Nhiều ý kiến tán thành với đề án, song cũng còn những ý kiến băn khoăn về vấn đề cơ sở hạ tầng khi số kinh phí dành cho thiết lập hệ thống quá thấp (dự kiến 77,8 tỷ đồng), phạm vi đề tài sơ lược, chưa có cơ chế đảm bảo quyền giám sát của người dân khi thực hiện quyền kiến nghị của mình.

Các ý kiến đề nghị để đề án có tính thuyết phục cao cần đánh giá sâu hơn thực trạng tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của công dân, tăng cường tuyền truyền về cơ chế phản ánh của người dân, về việc giám sát đối với thực hiện chức trách nhiệm vụ của người giải quyết thủ tục hành chính cho dân./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất