Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 19/8/2013 9:1'(GMT+7)

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Để người dân biết và hiểu luật trước khi thi hành

Trao đổi về tình trạng một bộ phận người dân thiếu thông tin về pháp luật, không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành thị, thậm chí ở Thủ đô, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã phân tích, làm rõ vấn đề liên quan đến quy định xử phạt chủ phương tiện là xe môtô, ôtô... “không chuyển quyền sở hữu” theo quy định trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đối với chủ phương tiện không phải là quy định mới. Nội dung này đã được quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và đã được thi hành 2 năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu rõ: Theo Nghị định mới, mức phạt được đưa lên gấp 5-8 lần. Xử phạt cao như vậy, người dân bắt đầu chú ý.

Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận công tác phổ biến, tuyên truyền tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với quy định mới của pháp luật trước khi có hiệu lực chưa tốt.

Bộ trưởng khẳng định: Để pháp luật đi vào cuộc sống, có được sự tự giác chấp hành của nhân dân, việc phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho dân biết, hiểu về quy định của pháp luật trước khi chính thức được thi hành là rất quan trọng.

Triển khai hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Trả lời câu hỏi: Bộ Tư pháp sẽ làm gì để Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả trên thực tế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có Luật về phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai thi hành Luật. Về hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật. Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành.

Để tăng cường các điều kiện bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai trên diện rộng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2014... Đối với các tỉnh chưa đảm bảo được nguồn thu, Luật quy định rõ ngân sách Trung ương sẽ bổ sung. Luật quy định Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, huyện. Lần này không tổ chức Hội đồng ở cấp xã mà có sự chỉ đạo của Hội đồng từ Trung ương tới cấp huyện.

Luật quy định trách nhiệm của nhà nước và hệ thống chính trị đảm bảo để người dân được quyền thông tin pháp luật. Luật cũng quy định người dân có trách nhiệm phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về pháp luật; trong đó trách nhiệm của gia đình có vai trò đặc biệt trong việc rèn luyện con cháu có ý thức pháp luật từ khi còn bé - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tổ chức Ngày Pháp luật thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Thực hiện quy định tại Điều 8 của Luật, Bộ Tư pháp đang xây dựng hướng dẫn việc tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên vào ngày 9/11/2013. Chọn ngày 9/11 là ngày Pháp luật bởi đây là ngày Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta được thông qua. Với ý nghĩa đó, Luật quy định Ngày pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Các ngày còn lại trong năm, xét trên nhiều khía cạnh cũng đều là ngày pháp luật trong một nhà nước pháp quyền - Bộ trưởng nêu rõ.

Để tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên trong năm nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và vừa qua đã lấy ý kiến các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương hướng dẫn về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đồng thời phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện, do đó, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Lễ míttinh quốc gia để khởi đầu cho một ngày mang ý nghĩa lịch sử này./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất