Nhà báo Trần Thanh Phương, sinh năm 1940 ở Cà Mau. Năm 15 tuổi, ông tập
kết ra Bắc. Tốt nghiệp đại học, ông được phân công về ban Miền Nam của
báo Nhân Dân, chuyên viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân
dân miền Nam.
Vì xa quê hương từ thuở nhỏ nên những ký ức về nơi chôn nhau cắt rốn ông
không còn lưu giữ được nhiều. Đồng thời, nhận thấy báo chí là “Một thứ
biên niên sử” quý giá nên ông đã sưu tầm, góp nhặt các bài báo của các
phóng viên đi trước để học tập và làm tài liệu cho bài viết của mình.
Cô gái Phan Thu Hương quê ở Nghệ An, nhỏ hơn ông 4 tuổi và học sau một
lớp. Với mộng giáo viên nên cô cũng thích sưu tập sách báo để làm tài
liệu cho việc giảng dạy. Từ sở thích chung đặc biệt đó, họ quen biết,
cảm mến nhau mà nên duyên vợ chồng. Từ đó, trong quá trình đi viết báo
cũng như dạy học của hai ông bà, hay những lúc rảnh rỗi, với cây kéo,
hai người cùng đọc, cắt, dán để rồi đến bây giờ các tài liệu sưu tầm đã
trở thành một gia tài tinh thần quý hiếm.
Hàng ngày ông Trần Thanh Phương đến các sạp báo tìm mua những tờ báo để đọc và sưu tầm.
Quyển
sưu tập có kích thước 80x120cm, dày 970 trang, nặng 87kg, lưu trữ các
bài báo của các tờ báo được xuất bản trong nước, sắp xếp theo trình tự
thời gian, sự kiện cụ thể.
Bằng
xác lập kỷ lục ông bà Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương “Người sưu
tầm chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam nhiều nhất”.
Chân dung Nhà báo Trần Thanh Phương trên cuốn lịch Kỷ lục gia Việt Nam năm 2013.
Hiện tại, ông bà được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục:
Quyển sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam (Công nhận
14/05/2006); Người sưu tầm chân dung và bút tích các nhà văn Việt Nam
nhiều nhất (Công nhận 30/10/2011). Riêng ông Trần Thanh Phương trước đó
đã được xác lập kỷ lục: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt
Nam” (Công nhận 02/02/2005).
Từ hàng nghìn bài báo sưu tầm được trong hơn 40 năm, ông bà phân loại và
sắp xếp một cách khoa học rồi đóng thành những cuốn sách có kích thước
lớn nhỏ khác nhau, phân chia thành 100 đầu mục gồm một số chủ đề lớn
như: Đất nước tôi (11.500 bài); Bác Hồ của chúng ta (5 tập); Hoàng Sa và
Trường Sa là của Việt Nam (2.500 bài); Nhà văn nước ta (3040 bài); Nhạc
sỹ và ca sỹ (3.540 bài); Nghệ thuật tạo hình và tranh biếm họa (3.700
bài); Sân khấu và nghệ sỹ cải lương (790 bài)... Ngoài ra, những chủ đề
khác về cổ vật, hát xẩm, múa rối, phong cảnh đất nước và con người Việt
Nam cũng được ông bà sưu tầm lên đến con số hàng trăm bài.
Trong đó, quyển sưu tập được xác lập kỷ lục có tên “Đất nước tôi” được
ông bà thực hiện trong vòng 2 năm mới hoàn thành. Quyển sưu tập có kích
thước 80x120 cm, dày 970 trang, nặng 87kg, lưu trữ các bài báo của các
tờ báo được xuất bản trong nước, sắp xếp theo trình tự thời gian, sự
kiện cụ thể và chia thành 4 chủ đề chính: danh lam thắng cảnh, di tích
lịch sử đất nước; phong tục tập quán lễ hội; ẩm thực; trang phục người
Việt. Đây là quyển sưu tập có một không hai trên đất nước ta.
Song song với sở thích sưu tầm các bài báo, ông Phương và bà Hương còn
sưu tầm chân dung và bút tích của các nhà thơ, nhà văn trong nước.
Ông Phương tâm sự: ngay từ những năm học ở nhà trường, ông đã rất cảm
phục và tò mò muốn biết nhà văn có điều kỳ diệu nào mà viết ra hàng
ngàn, hàng vạn trang sách? Chữ của họ viết có gì đặc biệt?
Ông cảm nhận: “Phần hồn của những nét bút viết ra từ bàn tay chắc hẳn
nói lên nhiều điều lý thú”. Thế là trong quá trình công tác, trong các
dịp gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ, ông bà đều tìm mọi cách “xin chữ” và
chân dung của họ.
Hiện tại ông bà đã sưu tầm được gần 700 chân dung và bút tích của các
nhà thơ, nhà văn trong nước. Trong số đó có rất nhiều nhà văn không còn
nữa. Để xin được bút tích của các nhà thơ nhà văn rất khó khăn, ông bà
thường dùng ba cách: đến tận nhà để xin, viết thư gửi đến họ và nhờ bạn
bè, anh em thân quen với tác giả xin giúp cho ông. Qua đó mới thấy được
sự kiên trì và bền bỉ của ông bà trong việc sưu tầm.
Chân dung và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà thơ Tố Hữu đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà thơ Hoàng Cầm đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhạc sỹ Văn Cao đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà văn Nam Cao đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà văn Ngô Tất Tố đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà văn Đoàn Giỏi đã được in thành sách.
Chân dung và bút tích của nhà thơ Xuân Quỳnh đã được in thành sách.
Ngoài ra, hơn 40 năm sưu tầm báo chí đã giúp nhà báo Trần Thanh Phương
có kinh nghiệm, vốn sống để viết được hơn 1.000 bài báo và 30 cuốn sách
về các thể loại bút ký, truyện, sưu khảo như: San hô đỏ, Quán phương
Đông, Minh Hải địa chí…
Gần đây nhất, tháng 6/2013, ông ra mắt cuốn sách
“Còn là tinh anh” tập hợp, giới thiệu về những giây phút cuối đời của 50 nhà thơ, nhà văn mà hai ông bà sưu tầm được.
Nhận thấy đây là những tài liệu quý hiếm còn sót lại theo thời gian nên
ông bà đã nhiều lần mở các cuộc triển lãm, giới thiệu đến các công chúng
gần xa. Lần gần đây nhất, ông bà tổ chức triển lãm tư liệu vào tháng
6/2013 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút
đông đảo các bạn trẻ cũng như những ai có nhu cầu tìm kiếm tư liệu có
liên quan.
Nhà của hai ông bà hiện giờ như một kho tài liệu mở miễn phí, đã giúp
rất nhiều lượt bạn đọc có nhu cầu. Ông bà có tâm nguyện sẽ hiến toàn bộ
tài sản quý giá này cho Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
sau khi ông bà qua đời.
Hiện tại, dù ông đã 74 tuổi nhưng ông bà vẫn miệt mài với niềm vui chung
của hai người. Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét dí dỏm:
“Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài
liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết nhưng Phương có tài liệu”.
Và kho tài liệu đó ngày càng nhiều hơn nữa../.
TheoSơn Nghĩa-Minh Lê/Vietnam+