Tác phẩm "Kỹ thuật của người An Nam", hoàn thành vào năm 1909, khi tác giả 24 tuổi, là tác phẩm duy nhất trong số một chục công trình đượcông thông báo sẽ xuất bản. Dưới con mắt của các tổ chức khoa học uy tín lúc bấy giờ, sự khởi đầu thái quá ấy là thiếu khiêm tốn. Điều đó khiến ông bị thù địch, đôi khi phải chịu cả sự chống đối từ phía những người nghiên cứu và trí thức hoạt động đơn lẻ. Bộ hình vẽ của ông được in với số lượng rất ít, chỉ có 60 bản in trên giấy dó theo phương pháp in ván khắc. Điều đó không chuyển tải hết tầm quan trọng của công việc mà ông đã làm. Và công trình nghiên cứu sâu rộng ấy cùng tác giả của nó bị rơi vào quên lãng.
Mãi đến năm 1970, trong một bài tóm tắt tiểu sử đăng ở niên san của Trường Viễn đông Bác cổ (BEFEO), ông Pierre Huard đã đánh giá lại chất lượng công trình của Henri Oger cho đúng với giá trị của nó, đồng thời nhấn mạnh tính tiên phong của công trình này đối với việc nghiên cứu các ngành nghề của Việt Nam.
Vượt ra ngoài lĩnh vực khoa học, cách tiếp cận của Henri Oger ngầm nhắc nhở rằng sự đối sánh giữa xã hội thực dân và xã hội thuộc địa, mặc dù có khập khiễng, đôi khi khơi gợi hứng thú và sự tò mò thực sự đối với nền văn hoá khác, và như vậy, góp phần tạo ra cầu nối giữa hai thế giới vốn bị ngăn cách nhau bởi chính bản chất của chế độ thuộc địa.
4.000 hình vẽ và ký họa, có kèm chú thích bằng chữ Hán Nôm của Pierre Huard, được khắc trên các tấm ván bằng gỗ do một nhóm thợ thực hiện. Nhóm thợ khắc thủ công gồm 30 người làm việc trong vòng 2 tháng. Các hình vẽ này phải sử dụng kỹ thuật in rập, nghĩa là rập những tờ giấy dó đặt trên các tấm ván khắc.
Xuất bản với số lượng rất hạn chế, không quá 60 bản, cuốn sách của Henri Oger thực sự hiếm. Ở Việt Nam, người ta chỉ còn biết đến 2 bản: bản thứ nhất, không hoàn chỉnh, được lưu tại Thư viện Quốc gia Hà Nội; bản thứ hai được bảo quản tương đối tốt tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Chính bộ sách này đã được số hóa trong khuôn khổ dự án “Phát huy giá trị tư liệu thành văn ở Đông Nam Á” (VALEASE / Bộ Ngoại giao Pháp) và được tái bản lần này, có bổ sung phần chú thích. |