Thứ Tư, 9/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 4/9/2009 21:13'(GMT+7)

Vẽ như một sự trả nợ chính mình

Một tác phẩm tại trại sáng tác

Một tác phẩm tại trại sáng tác

Bên cạnh những tác phẩm chất lượng của các lão tướng trong làng mỹ thuật là những tác phẩm thể hiện sự đột phá trong sáng tạo của thế hệ hoạ sĩ trẻ ở mảng đề tài được xem là khó – “Chiến tranh cách mạng”  và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ niệm về cuộc chiến có thể nói vẫn còn hiện về trong ký ức của những người trong cuộc, với các tác giả tạm gọi là thế hệ chống Mỹ,  năm nay đã ngoại lục tuần nhưng vẫn say mê trong sáng tác không kể ngày hay đêm, có thể những kỷ niệm năm nào lại ào  về ngay ở trong khi tìm tòi, xây dựng hình tượng tác phẩm  có khi ngay ở  trong giấc ngủ. Có thể thấy  các anh như  muốn trả nợ chính mình, day dứt lắm, ưu tư lắm  với những năm tháng của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc, bằng những tư liệu chân thực, những tình cảm  sâu sắc, những ký ức khó quên,  như:  Trước giờ chiến thắng, Vượt Trường Sơn của họa sĩ CCB Võ Xưởng, Vườn Bách thú xuân 1973 của  hoạ sĩ Nguyễn Đức Thọ. Anh đã lột tả một sự kiện mà anh được chứng kiến và đã kịp thời ghi chép đoàn xe vận chuyển xác máy bay B52 tới triển lãm tại vườn Bách thú Hà Nội để minh chứng cho sự kiện quân và dân Thủ đô bắn hạ máy bay B52 ngay trên bầu trời Thủ đô, một sự kiện khó tin nhưng đó lại là điều  có thật;   Hay Trong lòng đất,  Những cô du kích tam giác sắt của Thế Hữu;  Gia tài người lính, Dũng sĩ Rừng Sác, Trở về căn cứ Xẻo Quýt của Dương Sen, và Đường chiến dịch của họa sĩ người địa phương Vũng Tàu Cao Văn Khánh thật bình dị, mộc mạc như chính cuộc đời của những người lính nhưng mang trong họ một tình yêu Tổ quốc bao la.

Với họa sĩ Phan Oánh đã có hơn 40  năm trong quân ngũ, từng vượt đường Trường Sơn huyền thoại,  chiến đấu và lao động  sáng tạo ở  các chiến trường miền Nam, có dịp đi nhiều, vẽ nhiều, chứng kiến sự mất mát hi sinh cao cả của đồng đội, tranh của anh là nỗi ám ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh:  Ảo ảnh Rừng Sác, Âm  bản Rừng Sác. Đề tài “Lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” rất rộng, không những phản ánh trực diện cuộc chiến, sáng tác về  những căn cứ địa cách mạng, những địa danh lịch sử, những trận đánh, những chiến dịch lớn mà trong trại sáng tác lần này còn có những sáng tác quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc như:   Trao đổi phương án tuần tra của Xuân Chiểu  hay  Những người lính thợ  của Trịnh Bá Quát...

Riêng chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” -  một đề tài quá khó với bất cứ loại hình nghệ thuật nào nhưng ở trại lần này đã có 2 tác phẩm của 2 tác giả đã chuẩn bị rất công phu từ tìm tư liệu đến xây dựng hình tượng của Bác với LLVTND. Có thể coi đây là những thành công tốt cho chủ đề mà trong giới mỹ thuật đang quan tâm như tác phẩm: Suối nguồn Việt Bắc của Phan Thăng và Theo chân Bác của tác giả trẻ Nguyễn Trường Linh.

Trong trại sáng tác lần này có các tác giả trẻ với mong muốn của BTC sẽ có sự đột phá, cách đặt vấn đề, những suy tư, hồi ức về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc của lớp người hậu sinh, kế tục các thế hệ được tham gia trực tiếp trong các cuộc kháng chiến. Với trách nhiệm nặng nề ấy các tác giả đã cố gắng thể hiện mình và đã bước đầu thành công như:  Đồng khởi  (tượng tròn) của Nguyễn Văn Lên,  Hà Nội năm 1972 của Nguyễn Trường Linh,  1972,   Huyền thoại  của Bùi Anh Hùng,  Căn cứ Rừng Sác  của Trần Thanh Sơn. Tuy thời gian không dài, đề tài “Lực lượng vũ trang- chiến tranh cách mạng” lại quá lớn, vì vậy nhiều góc độ đẹp về người lính, về cuộc chiến tranh  chưa được khai thác, đề cập đến để ngang tầm với lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Họa sĩ Trịnh Bá Quát-VanHoa

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất