Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 1/6/2009 17:2'(GMT+7)

Khẩn trương ngăn chặn dịch không lây lan và xâm nhập vào cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đang họp kín với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (ảnh: VNN)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đang họp kín với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (ảnh: VNN)

Ngay sau khi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận trường hợp đầu tiên tại Việt Nam dương tính với cúm A(H1N1) ngày 31/5/2009, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện giám sát và cách ly bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Cách ly và xử lý y tế cho gia đình bệnh nhân; đã lập danh sách và giám sát 189 trường hợp đi cùng chuyến bay với bệnh nhân có số hiệu UA 869 từ Hồng Kông về TP. Hồ Chí Minh lúc 22h00 ngày 26/5/2009.

Để ngăn chặn dịch không lây lan và xâm nhập vào cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu 24 tỉnh/thành phố có số hành khách đi cùng chuyến bay trên khẩn trương giám sát chặt chẽ các trường hợp đã được thông báo trong vòng 7 ngày, kể cả các thành viên trong gia đình đã tiếp xúc với hành khách, báo cáo hàng ngày về cơ quan thường trực Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) về diễn biến tình hình của những người đã tiếp xúc trên.

Trong số 188 hành khách đi trên chuyến bay số 869 của hãng United Airlines cùng bệnh nhân cúm A(H1N1) L.Q.T có 125 người tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai: 10 người, Thừa Thiên - Huế: 8 người, Tây Ninh: 7 người, Bình Định: 6 người, Bà Rịa Vũng Tàu - Đồng Tháp - Đà Nẵng - Trà Vinh: mỗi nơi 3 người.

Các địa phương còn lại, bao gồm: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắc Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long đều có từ 1 đến 2 người. Phía Bắc chỉ có Hà Nội: 1 người; Hải Phòng: 1 người.

Theo thông tin mới nhất, được biết, mẹ con 2 Việt kiều được xác nhận là 2 ca nhiễm cúm A/H1N1 mới là 2 trong số 188 hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân đầu tiên dương tính với cúm A/H1N1.

Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện 3 khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch tại cộng đồng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng mà đi từ vùng có dịch thì chủ động cách ly, không đến nơi tụ tập đông người để phòng cho người khác không bị mắc bệnh, thông báo ngay cho các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ biến chứng dễ dẫn đến tử vong.

Khi có hiện tượng nhiều người bị cúm hoặc viêm phổi nặng, nghi ngờ cúm A(H1N1) thì thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đồng thời thông báo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115).

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để theo dõi sát tình hình và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.

Về công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả ở người, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo:

Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 680/QĐ-TTg (28/5/2009) của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung dự toán ngân sách năm 2009 để phòng, chống dịch cúm A(H1N1) ở người.

Bộ Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thường xuyên việc bảo dưỡng và đề xuất bổ sung các loại máy móc, thiết bị y tế hiện có để sẵn sàng sử dụng, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch cả trước mắt và lâu dài.

Bộ Y tế chỉ đạo Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu Y sinh học quốc tế tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành.


TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất