Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 8/5/2009 11:3'(GMT+7)

Khẩn trương xử lý nguồn gây ô nhiễm sông Nhuệ

Sông Tô Lịch, đoạn qua nội đô đã được chỉnh trang góp phần cải tạo môi trường.

Sông Tô Lịch, đoạn qua nội đô đã được chỉnh trang góp phần cải tạo môi trường.

Chiều 7-5, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã chủ trì cuộc làm việc với sở, ban, ngành đánh giá kết quả bước đầu kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất và khu, cụm công nghiệp đóng trên địa bàn TP Hà Đông, huyện Từ Liêm gây ô nhiễm môi trường sông Nhuệ.

… Cùng gây ô nhiễm!

Trong tháng 4-2009, các đoàn thanh tra đã kiểm tra, rà soát tại 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện hầu hết đều gây ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Kết quả này khẳng định thực trạng đáng sợ là "mọi nhà cùng gây ô nhiễm". Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, Đoàn của Sở kiểm tra 46 cơ sở thì cả 46 đều thấy vi phạm. Trong đó, có 40 cơ sở thuộc diện phải xử phạt, 6 cơ sở còn lại vừa bị phạt hồi cuối năm 2008. Đoàn của Bộ Quốc phòng kiểm tra 3 đơn vị thì cả 3 đều chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn. Đoàn của UBND TP Hà Đông kiểm tra 16 cơ sở thì hầu hết đều có nước thải không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường xả trực tiếp ra sông. Đáng lưu ý, cơ sở dệt nhuộm Hải Đăng và Đăng Cường làng nghề Vạn Phúc có lượng nước thải lớn chứa chất độc hại, không có hệ thống xử lý, xả ra sông Nhuệ. Vạn Phúc còn 15 hộ dệt nhuộm đang ở trong tình trạng như 2 cơ sở trên.

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng cảnh sát môi trường đã kiểm tra, xử lý 44 cơ sở, trong đó chỉ có 13 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải nhưng hầu hết đều không đạt tiêu chuẩn. Những đơn vị gây ô nhiễm nặng là Công ty CP Sơn Hà Nội nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép gấp 4 lần, Công ty Dệt Hà Đông nước thải vượt từ 3 đến 5 lần. Dọc sông Nhuệ có hơn 600 cơ sở sản xuất, 100 làng nghề, 35 miệng cống lớn xả nước thải vào sông.

Quyết liệt xử lý những nguồn gây ô nhiễm chính

Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT) Hà Nội cho biết, hiện hai nguồn gây ô nhiễm lớn cho sông Nhuệ phải kể đến là Cụm công nghiệp (CCN) Phú Minh (xã Cổ Nhuế) do Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hà làm chủ đầu tư và Khu công nghiệp (KCN) Từ Liêm. Hiện tại, hạ tầng ở CCN Phú Minh chưa được đầu tư theo quy hoạch và không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải ô nhiễm chảy thẳng ra sông Pheo rồi đổ ra sông Nhuệ. Khi đoàn kiểm tra tới làm việc, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Hà cố tình không tiếp. Trong khi đó, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Từ Liêm đã có đất, đã được phê duyệt, đã đấu thầu nhưng chủ đầu tư chưa khởi công với lý do giá thầu quá thấp! Chi cục BVMT đã kiến nghị với UBND TP, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, cần chặn ngay nguồn gây ô nhiễm chính từ CCN Phú Minh và KCN Từ Liêm…

Ông Nguyễn Đức Nghi cho rằng, sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng ngoài lý do lịch sử còn do nhận thức chưa đồng nhất, đầu tư BVMT thiếu và yếu, quan trọng nhất là do hình thức và biện pháp xử lý chưa nghiêm. Ông đề xuất, những điểm vi phạm nghiêm trọng nhiều lần như Công ty Dệt Hà Đông, Công ty CP Sơn Hà Nội sẽ xem xét đến khả năng điều tra hình sự.

Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu Sở TN&MT cùng sở, ngành liên quan cần rà soát và phân loại rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nặng nhất cho sông Nhuệ để tập trung sức lực, kinh phí xử lý. UBND TP ưu tiên giải quyết, tháo gỡ những nguồn gây ô nhiễm thuộc thẩm quyền như KCN Từ Liêm. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm như Việt Hà, Sơn Hà Nội, Dệt Hà Đông… sẽ kiểm tra, yêu cầu thực hiện đúng luật pháp, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì điều tra ngay. Các địa phương có trách nhiệm xử lý nghiêm cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình có cấp độ gây ô nhiễm và yêu cầu ký cam kết bảo vệ môi trường. Các địa phương tổng rà soát những vi phạm về môi trường toàn tuyến sông và có trách nhiệm xử lý ngay những vi phạm theo đúng thẩm quyền. Sở TN&MT có trách nhiệm hoàn thành đề án cải tạo sông Nhuệ trước 30-5, trình UBND TP trong tháng 6-2009.

Đức Trường

Chuẩn bị lập đề án cải tạo sông Tô Lịch

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh đã họp xem xét đề án cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước, ô nhiễm môi trường và cảnh quan. Theo đề xuất của Sở TN&MT Hà Nội, sẽ xây dựng nhiều trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ trên từng đoạn sông để làm sạch nước; đồng thời, xây dựng hệ thống cống bao dọc sông để thu gom nước thải về trạm xử lý tại cuối nguồn. Theo Sở TN&MT, mặc dù đã được nạo vét và kè toàn bộ chiều dài 14,6km nhưng sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nghiêm trọng do phải gánh toàn bộ nước thải đô thị và công nghiệp chưa qua xử lý. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh yêu cầu, trong tháng 5-2009, phải hoàn chỉnh đề án để trình UBND TP xem xét vào đầu tháng 6-2009.

(Theo HNM)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất