Ngày 22/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục xem xét, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2010.
Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng xem xét hai Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Khẳng định hiệu quả của gói giải pháp kích cầu năm 2009
Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009; tình hình quản lý, sử dụng và đánh giá tác động, hiệu quả của gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.
Các thành viên Ủy ban cho rằng năm 2009, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu Quốc hội đề ra về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Điều này đã tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Các thành viên Ủy ban cũng khẳng định các giải pháp chính sách được đề ra trong năm 2009 đã giúp nền kinh tế Việt Nam mặc dù chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính thế giới nhưng chỉ bị suy giảm, không rơi vào tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban cũng băn khoăn về những hạn chế trong thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn…
Nhiều ý kiến cho rằng không nên kéo dài gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn tới năm 2010 và cho rằng thủ tục hành chính hiện nay vẫn là mối băn khoăn của nhiều doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Cũng có ý kiến lo ngại về tính bền vững của sự ổn định trong phát triển nền kinh tế.
Các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá thêm về mặt được và chưa được trong việc ban hành văn bản pháp luật; cần phân tích cơ cấu nguồn vốn đầu tư FDI để thấy được chất lượng đầu tư.
Về kế hoạch năm 2010, nhiều thành viên nhấn mạnh mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, yêu cầu có sự thống nhất cao trong cân đối, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển…
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)
Các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Luật này được ban hành năm 1997, có hiệu lực từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2003.
Trên 10 năm thực hiện, luật đã góp phần thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia và thanh tra, giám sát có hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy một số quy định của Luật chưa thật sự đáp ứng yêu cầu xây dựng một Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện mới.
Về đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh (Điều 1), nhiều thành viên Ủy ban đề nghị làm rõ thêm khái niệm về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về Quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia (Điều 5) còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành như trong Dự thảo Luật là “Quốc hội quyết định mức lạm phát…” và “Chính phủ quyết định chỉ tiêu lạm phát…”. Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng Hiến pháp quy định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia nên để Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy việc thực hiện điều này không đơn giản do vậy có thể quy định việc Chính phủ báo cáo chỉ tiêu lạm phát để Quốc hội quyết định.
Về Hội đồng chính sách tiền tệ, có nhiều loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với ban soạn thảo là chưa nên nêu điều này trong quy định của Luật. Loại ý kiến khác lại đồng tình với việc cần có Hội đồng điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, còn không ít ý kiến băn khoăn về chức năng và mô hình tổ chức này.
Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Các thành viên Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Các tổ chức tín dụng bởi cùng với sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Luật các tổ chức tín dụng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cản trở việc tiếp tục đổi mới và phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng, cũng như yêu cầu nâng cao khả năng quản lý an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban cũng còn băn khoăn rằng một số điều khoản trong Dự thảo Luật còn chưa thật phù hợp với thực tiễn và nên cụ thể hóa các quy định, hạn chế việc giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, đa số các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng có liên quan đến tín dụng như ngân hàng chính sách, ngân hàng đầu tư…
Về phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng (Điều 90), có hai loại ý kiến khác nhau. Đa số các thành viên tán thành quy định các tổ chức tín dụng chỉ được phép hoạt động trong phạm vi luật pháp cho phép. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện được kinh doanh để các tổ chức tín dụng có thể đăng ký hoạt động đối với những nội dung nằm ngoài giấy phép./.
(TTXVN)