Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành viễn thông Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Thành công bắt đầu từ việc phá bỏ độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ, phát triển dịch vụ công nghệ mới. Các dịch vụ viễn thông như điện thoại di động, in-tơ-nét đã trở thành một công cụ hữu ích trong đời sống của mọi người dân.
Bước vào thời kỳ mở cửa, viễn thông là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, góp phần đắc lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành tập trung xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại từ cơ sở hết sức lạc hậu. Trước năm 2000, nhiều chuyên gia đều cho rằng, ngành viễn thông Việt Nam vẫn chưa có những bước phát triển tương xứng với tiềm năng. Thị trường mới chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), các dịch vụ viễn thông vẫn được xem như là một 'món hàng' xa xỉ, chỉ dành cho những người có thu nhập khá. Mạng lưới viễn thông chưa vươn tới được những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tính đến năm 2000, cả nước mới có khoảng ba triệu thuê bao điện thoại (đạt mật độ 3,5 máy/100 dân). Như vậy, khi bước sang thế kỷ 21, ở Việt Nam vẫn có tới hơn 70 triệu người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ viễn thông - một công cụ rất cần thiết cho cuộc sống, một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội. Còn trên các bảng xếp hạng các chỉ số phát triển công nghệ thông tin và viễn thông thế giới, Việt Nam luôn đứng ở tốp cuối.
Tháng 10-2000, lần đầu tiên có một dịch vụ viễn thông được cung cấp ngoài VNPT. Ðó là dịch vụ điện thoại đường dài VoIP do Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) cung cấp với mã số 178. Lần đầu tiên, người dân Việt Nam được lựa chọn và có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông với cước phí thấp hơn tới 40% so với trước đây. Sự kiện này đánh dấu thế độc quyền trong viễn thông bắt đầu được dỡ bỏ, mở đường cho giai đoạn cạnh tranh, là một khái niệm viễn thông mới được hình thành.
Nếu như trước kia, viễn thông gần như chỉ có ở những khu vực thành thị, thì Viettel lại quan niệm thông tin liên lạc, kết nối là nhu cầu tất yếu của mọi người trong xã hội. Xuất phát từ một cách quan niệm ấy, Viettel đưa ra mục tiêu 'bình dân hóa' các dịch vụ viễn thông, mong muốn mang đến cho mỗi người dân Việt Nam một chiếc điện thoại. Nhiều người cho rằng đây là mục tiêu quá ảo tưởng bởi hơn 70% dân số Việt Nam sống tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thu nhập thấp. Muốn đạt được mục tiêu 'bình dân hóa' các dịch vụ viễn thông thì yếu tố quan trọng nhất là mạng phải rộng và giá phải rẻ. Chính thức cung cấp dịch vụ di động vào tháng 10- 2004, Viettel đã tạo dấu ấn trên thị trường viễn thông bằng một mạng lưới rộng lớn phủ sóng khắp 64/64 tỉnh, thành trên cả nước và một chính sách giá cước rẻ hơn rất nhiều so với các nhà mạng khác. Số lượng thuê bao của Viettel tăng trưởng ở mức 'không tưởng'khi chỉ chưa đầy một năm đã có một triệu thuê bao và sáu năm sau con số này đã tăng lên hơn 40 triệu (gấp mười lần tổng số thuê bao di động toàn quốc vào năm 2004). Cách quan niệm về viễn thông cũng như sự phát triển của Viettel đã góp phần tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp cùng ngành - sân chơi mà ở đó sự cạnh tranh lành mạnh đã thúc đẩy thị trường bùng nổ, mang đến cơ hội sử dụng dịch vụ cho tất cả mọi người.
Từ một mong muốn dần được hiện thực hóa, bức tranh viễn thông của Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Hiện nay thị trường đã có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước với 114 triệu thuê bao (đạt mật độ 132 máy/100 dân). Từ một đất nước lạc hậu về công nghệ, giờ đây Việt Nam đã là trở thành một điểm sáng trên bản đồ viễn thông quốc tế với tốc độ phát triển nhanh thứ hai thế giới. Theo báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index - IDI) được Liên minh viễn thông thế giới (ITU) công bố năm 2010 xếp hạng 159 quốc gia, vùng lãnh thổ theo mức độ phát triển của ICT, Việt Nam đã được xếp vị trí 86, cao hơn nhiều nước ở trong khu vực. Việt Nam cũng được đánh giá là nước có sự phát triển vượt bậc của chỉ số truy nhập và sử dụng, điều đó phản ánh sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực điện thoại, băng thông in-tơ- nét quốc tế và số gia đình có truy cập in-tơ- nét. Chỉ số sẵn sàng kết nối (NIR) của Việt Nam năm 2010 cũng được xếp hạng 54, tăng 16 bậc so với năm 2009 (70), và tăng 19 bậc so với năm 2008 (73).
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu viễn thông tăng trưởng 10% thì sẽ góp phần tăng GDP tăng trưởng 1%. Viễn thông đóng vai trò như những mạch máu giao thông của một quốc gia, giúp thông tin trong xã hội có thể được lưu thông, giúp mọi người kết nối được với nhau. Viễn thông còn là đầu tàu kích thích các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần không nhỏ vào việc rút ngắn khoảng cách số, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo Nhân Dân