Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 20/10/2021 10:24'(GMT+7)

Khẳng định trí tuệ giới nữ trong phát triển khoa học, công nghệ

Các tập thể và cá nhân nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. (Ảnh: TTXVN)

Các tập thể và cá nhân nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020. (Ảnh: TTXVN)

Trong những năm qua các nhà khoa học trẻ là nữ giới đã đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghnệ đất nước, góp phần khẳng định uy tín, chất lượng các công trình khoa học của người Việt Nam, được thế giới đánh giá.

BÀI BÁO KHOA HỌC ĐƯỢC QUAN TÂM NHẤT

Giải thưởng "Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021" do Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái Đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội Địa vật lý Nhật Bản (JPGU) thực hiện được trao vào tháng 6/2021 cho TS. Nguyễn Kim Anh (sinh ngày 2/5/1984), làm việc tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bài báo đăng tải "Công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Kim Anh và các cộng sự về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mekong, khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh của Việt Nam, nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học, kế hoạch và giải pháp ứng phó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Bài viết đã vượt qua 398.780 bài báo trên nhiều tạp chí khác nhau, trong đó có 66 bài báo chất lượng được đăng tải trên Tạp chí PEPS.

Sau hơn một năm được đăng tải, bài báo của Kim Anh đã có 20.000 lượt truy cập và 26 lượt trích dẫn theo Google Scholar (16 lượt trích dẫn theo danh mục SCI-chỉ số về uy tín của các tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ).

Khang dinh tri tue gioi nu trong phat trien khoa hoc, cong nghe hinh anh 2Nữ TS. Nguyễn Kim Anh, Viện Địa lý.

Ngoài ra, Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ từ các tổ chức quốc tế: Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất châu Á, châu Đại Dương (AOGS)...

Hiện tại, nữ TS. Kim Anh được chọn là gương mặt làm Đại sứ truyền thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).

Nguyễn Kim Anh cho biết cô chọn học ngành trắc địa của Trường Đại học Mỏ - Địa chất theo sở thích rồi học thạc sĩ ngành địa lý, sau khi hoàn thành luận án tiến sỹ, Kim Anh làm nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Trung tâm Nghiên cứu không gian và Viễn thám thuộc Trường Đại học Trung ương Quốc gia, Đài Loan (Trung Quốc).

Trong 5 năm gần đây, cô là tác giả của ba cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI (danh sách khoảng 10.000 tạp chí khoa học có chất lượng cao trên thế giới), 10 bài báo về kỹ thuật điện và điện tử, hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế...

Nghiên cứu của Kim Anh là đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, hiện tượng đô thị đảo nhiệt liên quan đến thay đổi sử dụng đất, chuyển đổi lớp phủ bị tổn thương do bão.

Ngoài ra, Kim Anh còn nghiên cứu các đánh giá không gian xanh đô thị nhằm cung cấp thông tin chiến lược về nền sinh thái và môi trường để đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp nhằm cải thiện và phục hồi môi trường; nâng cao hiểu biết về các thảm họa thiên nhiên để hỗ trợ giảm thiểu, thích ứng và quản lý để ứng phó với các rủi ro và tối ưu hóa việc quản lý không gian xanh đô thị để tạo ra môi trường sống tốt hơn và chất lượng cao hơn cho con người.

Kim Anh cho biết việc nhận được giải thưởng "Bài báo được quan tâm nhất của tạp chí PEPS" là sự đánh dấu một chặng đường phấn đấu trong khoa học của cá nhân mình.

Cô mong muốn góp phần cung cấp thông tin về hiện trạng môi trường Việt Nam, sự phân bố ảnh hưởng do thiên tai để nhà quản lý có được một bức tranh tổng thể và bằng các phương pháp đánh giá mới, tư liệu có thể tiết kiệm được chi phí từ đó có thể giúp quản lý môi trường tốt hơn và giảm thiểu ảnh hưởng do thiên tai để tiến tới phát triển bền vững.

NHIỀU THÀNH TỰU TỪ CÁC NHÀ KHOA HỌC NỮ TRẺ TUỔI

Tháng 7/2021, TS. Đỗ Thị Hoài (sinh năm 1987), làm việc tại Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đã đoạt giải "Nhà Vật lý trẻ triển vọng" - Giải thưởng của Hội Vật lý Việt Nam được trao 2 năm một lần cho các nhà vật lý Việt Nam dưới 40 tuổi.

Giải thưởng nhằm "khích lệ và tôn vinh các nhà vật lý trẻ có thành tích nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, phát triển và ứng dụng công nghệ, đào tạo và giảng dạy vật lý".

Khang dinh tri tue gioi nu trong phat trien khoa hoc, cong nghe hinh anh 3TS. Đỗ Thị Hoài. (Nguồn: vnsc.org.vn)

TS. Đỗ Thị Hoài nhận giải thưởng về một chuỗi công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí SCI uy tín của lĩnh vực thiên văn học về hình thái và động học lớp vỏ những ngôi sao già.

TS. Đỗ Thị Hoài và các cộng sự nghiên cứu về những ngôi sao già được công bố trên 30 bài báo quốc tế, các bài báo đều được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín như tạp chí Monthly Notice of Royal Astronomical Society (MNRAS) và tạp chí Astronomy and astrophysics (AnA). Các kết quả nghiên cứu của cô và đồng nghiệp góp phần làm sáng tỏ dần cơ chế phá vỡ cấu trúc đối xứng của sao.

Cũng trong năm 2021, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBIGDATA) đã công bố danh sách 30 nhà khoa học ưu tú nhận được học bổng sau tiến sỹ tại Việt Nam năm 2021, trong đó có 3 nhà khoa học nữ trẻ tuổi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS. Dương Thị Giang (sinh năm 1985), làm việc tại Phòng Cooperman, Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được nhận học bổng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup với đề tài "Nghiên cứu tác động của môi trường ánh sáng đến phản xạ đồng tử và thị lực".

Chia sẻ về các công trình nghiên cứu, TS. Dương Thị Giang cho biết chị cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín như Applied Science, IEEE Photomic Journal....

Chị hiểu để đạt được thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học thì chị em phải có sức chịu đựng, bền bỉ và kiên nhẫn. Khi làm nghiên cứu khoa học, phụ nữ gặp phải rất nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn so với nam giới nên sự cố gắng và quyết tâm của họ phải cao hơn rất nhiều lần, đặc biệt là đối với các nhà khoa học nữ trẻ khi bên cạnh việc nghiên cứu còn là trách nhiệm với gia đình, con cái.

TS. Nguyễn Thúy Vân (sinh năm 1987), làm việc tại Phòng Vật liệu và Ứng dụng quang sợi, Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được nhận học bổng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup với đề tài "Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh-hóa dựa trên nền silic được định dạng hóa bằng ăn mòn điện hóa có phủ kim loại quý".

Cô cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình khoa học và công nghệ được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín cao, nhiều bằng độc quyền sáng chế được cấp bằng, đã làm chủ nhiệm và tham gia hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học trong nước.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác nghiên cứu, nhà khoa học Nguyễn Thuý Vân cho biết: "Làm nghiên cứu khoa học, phụ nữ luôn thiệt thòi hơn so với nam giới bởi ngoài công việc, phụ nữ còn phải lo chăm sóc gia đình và con cái. Công việc nghiên cứu đòi hỏi thời gian, tính tỉ mỉ, sáng tạo, tìm tòi và luôn phải trau dồi kiến thức. Để có thể tiếp tục phát triển trên con đường khoa học, người phụ nữ rất cần sự ủng hộ của gia đình".

TS. Mai Thị Phương Nga (sinh năm 1987), làm việc tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, được nhận học bổng từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup với đề tài "Nghiên cứu tương tác cây lúa Việt Nam (Oryza sativa L.) với các vi khuẩn có hại và có lợi trong điều kiện môi trường thiếu hụt phốt phát ở mức độ sinh hóa và phân tử".

Chị Nga đã tham gia 3 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc nhóm uy tín nhất (Q1) theo phân loại của SCImago - tổ chức quốc tế chuyên đánh giá mức độ uy tín của các tạp chí khoa học trên thế giới); đồng tác giả của 5 công trình nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học Việt Nam uy tín.

Tháng 3/2021, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 được trao cho tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cơ quan đầu ngành của cả nước về nghiên cứu, điều tra cơ bản các chất thiên nhiên từ tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật; phát hiện, nghiên cứu khai thác hợp lý các chất có hoạt tính sinh học trong các tài nguyên sinh vật ở đất liền, dưới biển và vi sinh vật, chuyển hóa và tổng hợp thành những chất có giá trị cao phục vụ cho công nghiệp dược, nông nghiệp và xuất khẩu.

Viện cũng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn được hình thành từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và lưu hành rộng rãi trên thị trường phục vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng như: khương thảo đan, đông trùng hạ thảo, các loại tinh dầu...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhận định các nhà khoa học nữ Việt Nam có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học, khẳng định được tài năng, sức sáng tạo và trí tuệ trên con đường chinh phục nhiều đỉnh cao khoa học.

Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay, các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ thế hệ trẻ ngay trong môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình./.

Hoàng Nam (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất