Trong năm, HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ
đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 7 cuộc giám sát chuyên đề
việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời triển khai 32
cuộc giám sát, khảo sát thường xuyên, đột xuất có trọng tâm, trọng điểm,
kịp thời cung cấp thông tin cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
chung của tỉnh phục vụ công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp.
"Tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia đa chiều; xây dựng,
triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh cao gấp 1,4 so mức chuẩn nghèo theo
quy định của Trung ương về tiêu chí thu nhập. Chỉ số niềm tin của người
dân đối với đảng, chính quyền Quảng Ninh qua điều tra xã hội học đạt
trên 96%", đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
ĐẶT QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CỦA NHÂN DÂN VÀ DOANH NGHIỆP LÀ TRỌNG TÂM
Trình bày về "Một số kết quả nổi bật của HĐND tỉnh Hậu Giang trong năm
2023, nhất là vai trò của HĐND trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội ở địa phương", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh
Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng
đoàn HĐND tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về
việc tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Hội
đồng nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm chỉ đạo các cấp
ủy đảng thường xuyên quan tâm, định hướng đổi mới, cải tiến và nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh mang
tính đồng bộ, thống nhất, toàn diện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 18 kỳ họp, ban hành 224
nghị quyết, với nhiều nghị quyết quan trọng, thể chế hóa chỉ đạo và
chính sách mới của Trung ương, chính sách đặc thù của tỉnh, các vấn đề
phát sinh trong điều hành của chính quyền, có tác động lan tỏa trong
phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong
chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.
Các nghị quyết được ban hành kịp thời
cụ thể hóa các chính sách mới theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ phù
hợp tình hình thực tế của địa phương; đồng thời ban hành đồng bộ các
chính sách đặc thù trên các lĩnh vực, nhất là 4 trụ cột phát triển của
tỉnh nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế -
xã hội của tỉnh…
Đồng chí Trần Văn Huyến cho rằng, những đổi mới trong thời gian qua đã tạo sự
chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
của HĐND các cấp tỉnh Hậu Giang, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng
trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
của chính quyền các cấp. Qua đó, trong chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đạt một số kết quả
quan trọng, nổi bật và toàn diện.
Thời gian tới, HĐND tỉnh Hậu Giang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất
lượng, hiệu quả hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở
địa phương. Trong đó tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh thể chế,
cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Quốc hội,
Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, pháp luật của Nhà nước và triển khai
có hiệu quả vào cuộc sống, nhất là thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh
gắn với quy hoạch vùng, đẩy mạnh liên kết vùng bảo đảm đồng bộ, thống
nhất. Song hành với đó, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát,
kiên trì cải cách hành chính; xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh theo
hướng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công
khai, minh bạch, đột phá, đổi mới, sáng tạo, đặt quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp là trọng tâm; triển khai
thực hiện có kết quả thực chất 3 nhiệm vụ đột phá là: Phát huy vai trò,
trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh; Đưa nghị quyết HĐND tỉnh vào cuộc
sống; Nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
HIỆU QUẢ TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết,
năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân Thành
phố và sự điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố, sự phối hợp tham mưu
của các sở, ngành, địa phương, các chính sách của Thành phố thích nghi
với sự thay đổi, tận dụng cơ hội mới của nền kinh tế thế giới đang đi
đúng hướng và phát huy tác dụng. Nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang
hồi phục một cách ổn định, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Năm 2023 là năm có dấu ấn quan trọng đối với Thành phố khi Quốc hội
ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ
chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố xác
định việc triển khai thực hiện Nghị quyết là nhiệm vụ trọng yếu của toàn
hệ thống chính trị. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã chủ động
tham mưu chuẩn bị trước các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết
ngay khi Quốc hội vừa thông qua, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Hội
đồng nhân dân Thành phố ban hành các Nghị quyết chuyên đề nhằm thể chế
hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền và nhiệm
vụ được giao, đồng thời tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị
quyết…
Năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp và thảo
luận, thông qua 249 Nghị quyết, trong đó có 6 Nghị quyết về tổ chức bộ
máy chính quyền Thành phố; hai Nghị quyết về tổ chức bộ máy chính quyền
của thành phố Thủ Đức nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phát triển kinh tế -
xã hội của Thành phố và tăng tốc triển khai thực hiện Nghị quyết số
98 của Quốc hội.
"Việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân
Thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để
Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Nhiều Nghị quyết
đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai", đồng chí Huỳnh Thanh
Nhân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, các cơ chế, chính sách đặc thù đang dần
phát huy giá trị thực tiễn. Lãnh đạo Thành phố đã, đang tiếp tục tập
trung triển khai các nội dung để đưa cơ chế chính sách vào cuộc sống
phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tới đây, Thường trực Hội đồng nhân
dân Thành phố sẽ tiếp tục cùng đồng hành với Ủy ban nhân dân Thành phố
tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan đẩy nhanh công tác
tham mưu ban hành nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn
thực hiện Nghị quyết số 98 nhằm sớm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách mà
Quốc hội giao cho Chính phủ, bộ ngành quy định...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương
Thành, bước vào những tháng đầu tiên của năm 2023, Bắc Giang cũng như
các địa phương khác trong cả nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn,
thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy
nhiên, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo
điều hành, bước vào quý II, tỉnh đã chủ động tập trung các nguồn lực,
tháo gỡ nhiều "nút thắt", "điểm nghẽn". Do đó, kinh tế Bắc Giang đã có
sự phục hồi kể từ quý II với mức tăng trưởng cả năm đạt 13,45%, đứng đầu
cả nước.
Năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ
chuyên đề, đã quyết nghị ban hành 88 nghị quyết quan trọng, sát với tình
hình thực tiễn của địa phương, đúng quy định của pháp luật, giúp khơi
thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho thúc đẩy phục hồi,
phát triển kinh tế, đồng thời, tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng,
tình hình thi hành pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh
vực nổi cộm thông qua hoạt động giám sát, kịp thời đề ra các giải pháp
thiết thực, hiệu quả để đồng hành cùng UBND tỉnh khắc phục những khó
khăn, tồn tại, hạn chế…
TẠO NIỀM TIN CỦA CỬ TRI
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang
Lâm Thị Hương Thành cho biết, trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức,
có được những kết quả nổi bật như vậy là do HĐND tỉnh luôn xác định
đúng vai trò, chức năng và vị thế trong việc quyết định những vấn đề
quan trọng tại địa phương.
Các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
hàng năm, 5 năm phát triển kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh cũng như
quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển của từng ngành, lĩnh vực
đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành triển khai
thực hiện. Các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh được ban hành sát với
tình hình thực tiễn, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên
đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời
sống xã hội...
Một trong những nguyên nhân đưa tới thành công là công tác tổ chức và
điều hành kỳ họp có nhiều đổi mới. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp
thường lệ của HĐND tỉnh được tiếp tục đổi mới, nghiêm túc, thực chất,
nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả. Cùng với đó, hoạt động tiếp
xúc cử tri có nhiều đổi mới, ngoài tiếp xúc cử tri thường lệ trước, sau
các kỳ họp, tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề để lấy ý kiến rộng
rãi đến các đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách dự kiến ban hành,
góp phần tăng tính hiệu lực, hiệu quả của các nghị quyết do HĐND tỉnh
ban hành, nhất là nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù...
Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao vai trò của HĐND tỉnh, thành phố, Phó
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho
biết, từ thực trạng tình hình hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn, để
tăng cường hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, phát rằng cần tăng cường
kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến
nghị qua giám sát; tiếp tục tái giám sát hoặc đưa những nội dung đó ra
chất vấn tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm, để vấn đề
được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân
cử. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức giám sát theo
hướng chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng đổi mới từ việc xây dựng
đề cương giám sát và báo cáo; quản lý, theo dõi có hiệu quả các kiến
nghị sau giám sát.
Đặc biệt, cần rà soát, tổng hợp kỹ việc thực hiện các kết luận chất
vấn, giải trình trước đó để làm rõ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn
vị, việc thực hiện chức trách của các cơ quan có liên quan; nâng cao kỹ
năng chất vấn cho đại biểu HĐND; thường xuyên tổ chức tập huấn, trao đổi
kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức về quyền hạn, trách nhiệm của đại
biểu HĐND, chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thảo luận, chất vấn, giải
trình cho đại biểu HĐND, tránh tâm lý ngại va chạm của đại biểu…/.