(TG) - Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2024 với chủ đề là “ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO”, như một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ với thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống Lao, đồng thời chủ đề năm nay tiếp tục khẳng định mục tiêu chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Sáng ngày 22/3/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2024 và kêu gọi nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB (Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao) trong toàn quốc.
Tới dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Bà Aler Grubbs - Trưởng Đại diện Phái đoàn USAID Việt Nam. Cùng dự còn có đại diện của các Bộ, Ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các đối tác trong nước và quốc tế, các đơn vị CTCL các tỉnh, thành phố, các đồng chí, đồng nghiệp, đại diện các cơ quan báo chí.
Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đồng chí Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh Lao và bệnh Lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu. Năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc Lao và khoảng 13.000 người tử vong do Lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân Lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ Lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400 đến 500 ca Lao trên 100.000 dân.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao.
Mặc dù tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề như vậy, số bệnh nhân Lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân Lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân Lao các thể). Như vậy, có gần 40% bệnh nhân Lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo.
Đồng chí Đinh Văn Lượng nhấn mạnh: Để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, cũng như đảm bảo tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh Lao có chất lượng, Chương trình Chống lao Quốc gia cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ban/ ngành/ đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các can thiệp cải tiến, đưa đến chất lượng chẩn đoán và điều trị thân thiện, nhanh chóng, ưu tiên phát hiện bệnh Lao bằng việc kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm thụ động, chủ động, tích cực, phối hợp y tế công - tư, mở rộng tiếp cận chẩn đoán Lao ở các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa ngoài hệ thống chuyên khoa lao.
Đồng chí Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.
Năm 2023, Bệnh viện Phổi Trung ương đã biên soạn và hoàn thành cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh Lao và một số bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống Lao.
Cuốn tài liệu sau khi được Bộ Y tế phê duyệt và sử dụng rộng rãi trên toàn quốc sẽ cung cấp kiến thức và kỹ năng cho cán bộ y tế các cơ sở khám, chữa bệnh và cán bộ chống lao các tuyến trong triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Đồng thời, Chương trình Chống lao Quốc gia cũng đề xuất Bộ Y tế ban hành các chính sách, thông tư, hướng dẫn phù hợp nhằm huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban/ngành đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân Lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam vào năm 2035.
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm nhắn tin ủng hộ quỹ PASTB.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Bệnh Lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chủ đề năm nay như một lời cam kết, thể hiện quyết tâm cao của mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức, chính quyền, các cơ quan bộ ngành, của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc phòng chống và đẩy lùi bệnh lao tại Việt Nam.
Việt Nam cam kết cùng với thế giới chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Đây là một mục tiêu rất tham vọng nhưng hết sức có ý nghĩa vì cứu sống hàng chục ngàn người dân Việt Nam mỗi năm, đồng thời vừa là động lực lớn với các nước trên thế giới về mô hình tốt đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống lao những năm gần đây. Để đạt được cam kết của thế giới chấm dứt bệnh lao năm 2035, ngành y tế Việt Nam đã nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng chống lao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, đây là thời điểm cần đánh giá, tổng kết 10 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp mà chúng ta đã đề ra trong Quyết định số 374/QĐ-TTg ngày 17/3/2014 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Cùng với mục tiêu của thế giới, ngành y tế sẽ có những giải pháp, điều chỉnh, bổ sung để Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Các hình thức ủng hộ Quỹ PASTB.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh đến công tác phát hiện bệnh lao từ cơ sở. Với cuốn tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" do Chương trình Chống lao quốc gia xây dựng sẽ giúp nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, giúp phát hiện sớm bệnh lao ngay tại địa phương. Làm sao để đưa cuốn sách này tới hơn 11.000 trạm y tế xã, các trung tâm y tế huyện và tới tận cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
Ngoài ra, chú trọng vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá./.
Ngày 24 tháng 3 được Tổ chức y tế thế giới chọn là ngày Thế giới Phòng chống Lao để nhắc nhở mọi người về mối nguy hại của căn bệnh này đối với con người, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, đến sự phát triển của kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu. Vào ngày 24 Tháng 3 năm 1882 tại Berlin, Robert Koch đã công bố việc phát hiện ra vi khuẩn lao, mở ra con đường chẩn đoán và chữa khỏi căn bệnh này. Tuy nhiên, cho đến nay, đã 142 năm, bệnh lao vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu. |
Tin và ảnh: DUY PHONG