Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 24/7/2009 23:40'(GMT+7)

Khánh Hoà: Tạo sức mạnh đồng bộ trong việc chăm sóc Thương binh, Liệt sĩ

Đại tá Trần Văn Hạnh trao Quyết định tặng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ  Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa

Đại tá Trần Văn Hạnh trao Quyết định tặng nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Diên Khánh - tỉnh Khánh Hòa

Nhân kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2009), tỉnh Khánh Hòa có 203 đối tượng được nhận quà của Chủ tịch nước. Trong đó, mức quà 400.000 đồng/suất; có 30 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống), 32 thương bệnh binh, 42 thân nhân liệt sĩ già yếu, cô đơn không nơi nương tựa, thân nhân của 03 liệt sĩ trở lên, con liệt sĩ mồ côi cả cha lẫn mẹ; mức quà 200.000 đồng/suất; có 97 đối tượng là thân nhân của 02 liệt sĩ đang hưởng trợ cấp, 02 đối tượng là thương bệnh binh. UBND tỉnh Khánh Hòa tặng quà cho 11.944 đối tượng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh với mức 100 nghìn đồng; sửa chữa, xây mới 23 căn nhà với mức 405 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh đã đi thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách nhân ngày 27/7.

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, tỉnh Khánh Hòa đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa được 1.356 triệu đồng, xây mới 27 nhà và sửa chữa 38 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách; tổ chức điều dưỡng cho 1.564 lượt và trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 7.192 người có công với cách mạng từ nguồn kinh phí Trung ương là hơn 5 tỷ đồng; chi trả cho 988 người hưởng chế độ chính sách đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg, ngày 08/11/205 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền là 3,5 4tỷ đồng.

Quán triệt những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta: Thương binh, bệnh binh, liệt sĩ đã vì tổ quốc, vì nhân dân, vì cuộc sống của mỗi chúng ta hy xương máu. Sự hy sinh này là vô giá, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân biết ơn và báo đáp. Nhận thức được trách nhiệm và tình cảm đó, trong 20 năm qua, từ khi tái lập tỉnh Khánh Hoà đến nay (1989 - 2009), công tác thương binh, liệt sĩ và người có công tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách vươn lên, tự khắc phục khó khăn, cải thiện và ổn định cuộc sống.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang quản lý 40.814 hồ sơ các loại. Đối tượng đang chi trả trợ cấp hàng tháng là 7.216 người, với mức kinh phí là 4.830.635.000 đồng/tháng. Trong đó, gồm: 404 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 11 anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng lao động trong kháng chiến; 324 người hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945; 8.485 liệt sĩ; 3.399 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 521 bệnh binh; 4.029 người có công giúp đỡ cách mạng; 898 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 370 người hoạt động kháng chiến và có con bị nhiễm chất độc hóa học; 20.237 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc. Ngoài chế độ trợ cấp theo quy định, UBND tỉnh Khánh Hòa trích ngân sách hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/người cho hộ gia đình người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc diện hộ nghèo là 429 hộ, hỗ trợ thêm 120.000 đồng/tháng cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố, mẹ hoặc chồng liệt sĩ có tuổi thọ từ 80 tuổi trở lên là 834 người. Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc Người có công hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 13 đối tượng già yếu cô đơn là cha, mẹ liệt sĩ và người cố công với cách mạng của tỉnh.

Bằng những việc làm thiết thực, từ năm 1999 tỉnh Khánh Hòa đã phát động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” theo Nghị định 91/1999/NĐ-CP, đến nay, Khánh Hòa đã huy động được 43,7 tỷ đồng bổ sung vào nguồn “Đền ơn đáp nghĩa” để ủng hộ sửa chữa và xây dựng nhà tình nghĩa. Tính đến nay, tổng số nhà tình nghĩa được xây mới và sửa chữa là 890 nhà, với kinh phí 9,18 tỷ đồng; tặng trên 2.580 sổ tiết kiệm cho thương binh nặng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ 2 liệt sĩ, giá trị mỗi sổ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; 100% các mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng đến cuối đời; điều dưỡng cho 4.400 lượt; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 6.240 người. Ngoài ra còn tạo điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần ổn định kinh tế gia đình cho các đối tượng chính sách với các hình thức như: xây 459 giếng nước tình nghĩa, 35 vườn cây tình nghĩa…

Trong các ngày lễ tết hàng năm, UBND tỉnh Khánh Hoà đều tổ chức thăm, tặng quà cho đối tượng chính sách, với kinh phí hơn 35 tỷ đồng trong 05 năm; tổ chức cho hơn 200 đối tượng chính sách đi thăm viếng lăng Bác, tham quan các danh lam thắng cảnh trong tỉnh…Ngoài ra, còn trích ngân sách hỗ trợ thêm 80.000 đồng/tháng/người cho 927 người thuộc các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ, vợ (chồng) liệt sĩ có tuổi thọ từ 80 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hoà còn thực hiện một số ưu đãi khác như: chi trả trợ cấp hàng tháng cho 7.789 người, với mức kinh phí trên 3,7 tỷ đồng/tháng; đã giải quyết theo Quyết định 20/QĐ-TTg, ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ cho những người hoạt động trước cách mạng tháng 8/1945 là 155 đối tượng, với kinh phí gần 3 tỷ đồng; cấp 1.707 sổ ưu đãi cho học sinh-sinh viên …

Song song, với việc triển khai thực hiện 5 chương trình chăm sóc người có công, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt 6 tiêu chuẩn về công tác thương binh liệt sĩ. Điều này có ý nghĩa tạo điều kiện góp phần ổn định nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân cùng địa bàn cư trú. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, tiêu biểu như Nha Trang, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh, Vạn Ninh…

Ngành lao động -thương binh và xã hội cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc báo tin, tiếp đón và hướng dẫn thân nhân đến thăm viếng mộ liệt sĩ. Số mộ liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh là trên là 5.000 mộ. Từ năm 2003 -2009, tổng kinh phí Trung ương và địa phương đầu tư gần 11 tỷ đồng cho việc nâng cấp và sửa chữa, tôn tạo một, nghĩa trang liệt sĩ toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 06 nghĩa trang liệt sĩ, 04 đài tưởng niệm liệt sĩ do cấp huyện và tỉnh quản lý; 94 nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ do xã, phường quản lý.

Công tác quản lý, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên liệt sĩ, quản lý danh sách phần mộ liệt sĩ được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn. Danh sách mộ liệt sĩ có tên đã được lập danh sách, gửi báo cáo cho Bộ và thông báo đến 64 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giúp thân nhân biết và thăm viếng mộ liệt sĩ thuận lợi.

Có được những thành tích trên, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, gắn liền với phong trào của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng của nhân dân tỉnh Khánh Hoà. Tạo nên sức mạnh đồng bộ trong việc chăm sóc ưu đãi người có công, góp phần ổn định nâng cao đời sống cho các đối tượng. Bản thân và gia đình các đối tượng chính sách an tâm, luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Nguyễn Thị Thanh Hải - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất