Các đồng chí: Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Công Lý, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể chính trị xã hội liên quan, Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, Ban Tuyên giáo Thành ủy Vị Thanh và Trường THPT Vị Thanh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác; báo cáo về kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chủ trương của Trung ương về giáo dục và đào tạo.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (viết tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW), đã đạt một số kết quả nổi bật như:
Các mục tiêu về về giáo dục mầm non đều đã đạt theo nghị quyết về. Các trẻ học hết cấp mầm non đều được đánh giá đạt các lĩnh vực phát triển như: nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm - kỹ năng xã hội, thẩm mỹ, chuẩn bị tiền đề học đọc, học viết giúp trẻ sẵn sàng vào lớp 1. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, năm 2015 đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì đến thời điểm hiện tại, 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến trường, toàn tỉnh có 83/83 trường thực hiện bán trú tăng 16 trường so với năm 2013.
Các mục tiêu về giáo dục phổ thông đã đạt kết quả quan trọng như: Chất lượng giáo dục của các cấp học tiếp tục được duy trì ổn định và nâng lên, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học năm học 2021 - 2022 như sau: cấp tiểu học đạt trên 99,16% (so với năm học 2013-2014 tăng 0,31%); Tỷ lệ học sinh THCS lên lớp 99,86% (tăng 6,66% so năm 2013); THPT lên lớp 99.80% (tăng 13,53% so năm 2013). Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đạt tỷ lệ 98.35% (tăng 10,9% so năm 2013). Chất lượng giáo dục thường xuyên tính đến năm 2022: tỷ lệ học viên lên lớp là trên 75%, trong đó xếp loại khá giỏi đạt trên 26,95%.
Việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần tích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh và từng bước hoàn thành các mục tiêu về đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo của tỉnh Hậu Giang. Nhất là việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới giáo dục và đào tạo được tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch quan trọng như: từ Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 6/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh đã chỉ đạo và đang xây dựng Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
|
Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” (viết tắt là Kết luận số 49-KL/TW); Kết luận số 49-KL/TW của tỉnh được gắn với Đề án xây dựng Xã hội học tập 2012 - 2020 của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ cho công tác học tập cho nhân dân tại địa phương; toàn tỉnh có 2.066 tổ chức hội khuyến học tại cộng đồng dân cư với 255.130 hội viên, đạt tỷ lệ 34,95% dân số của tỉnh. Năm 2021, Tỉnh thành lập Quỹ Khuyến học - khuyến tài và được sử dụng với quan điểm bảo tồn và phát triển lâu dài, chỉ trích từ lãi xuất để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Năm 2022, từ nguồn quỹ này Hội khuyến học tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng cho hoạt động trao học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, hiếu học, học sinh giỏi, giáo viên giỏi đạt giải tại các cuộc thi. Ngoài ra, thông qua Tháng khuyến học, hội khuyến học các cấp đã vận động được 230.922.311.491 đồng, trao trên 53.000 suất học bổng và gần 290.000 suất quà cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự cường dân tộc, con người Việt Nam trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên và công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện và đạt một số kết quả tiêu biểu như: Hàng năm, công tác bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ, giáo viên, người lao động của ngành Giáo dục và Đào tạo, sinh hoạt chính trị đầu khóa cho học sinh, sinh viên đều đạt kế hoạch, số cán bộ, giáo viên tham gia học tập chính trị hè mỗi năm đạt từ 98% trở lên. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có tổ chức cơ sở đảng; tỷ lệ đảng viên trong cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành là 77,77% (7.642/9.600) tăng 19,17% so với năm 2013; từ năm 2004 đến quý I/2023, Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 516 đảng viên là học sinh, sinh viên (trong đó: học sinh 360, sinh viên 156).
Kết quả hơn 2 năm tổ chức triển khai thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt được một số kết quả khả quan như: Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư để đáp ứng cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Số lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên từng bước được nâng cao và đáp ứng được yêu cầu khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (học 2 buổi/ngày). Tỉnh đã hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục giáo dục địa phương tỉnh Hậu Giang và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy các lớp 1, 2, 3 lớp 6, 7, 10 (hiện đang hoàn thiện và trình chương trình của các lớp 4, 8, 11). Việc giảng dạy các bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh ở các lớp học 1,2,3,6,7,10 đang được tiến hành thuận lợi hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh: Một là, xuất phát điểm của tỉnh Hậu Giang vào 20 năm trước về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các yếu tố về điện, đường, trường trạm của tỉnh đều rất khó khăn. Thu ngân sách thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Đây là một điểm khó cho cả tỉnh cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng và phát triển.
Thứ hai, với sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị giai đoạn đầu tỉnh tập trung cho các hộ nghèo, từ năm 2008 tập trung cho chính sách, tiếp theo đầu tư cho trường học, xây dựng nhiều điểm lẽ tạm bợ tạo điều kiện cho học sinh vùng nông thôn có điều kiện học tập. Năm 2013, khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ra đời, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư quan tâm cho giáo dục và đào tạo để có nền tảng vững chắc, kết quả tỷ lệ 82,97% trường chuẩn quốc gia là một nỗ lực rất lớn của tỉnh. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nguồn nhân lực cho tỉnh, trong đó có ngành giáo dục.
Thứ ba, với khát vọng vươn lên đến năm 2045, kinh tế của tỉnh phải đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nên việc đầu tư cho nguồn nhân lực của tỉnh rất quan trọng. Tỉnh sẽ tập trung 4 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch để tăng nguồn thu cho tỉnh. Trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao rất cần thiết, do đó tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục và đào tạo. Trước hết, thể hiện bằng việc ban hành các nghị quyết, đề án dành riêng cho ngành Giáo dục và Đào tạo và sẽ cụ thể việc đầu tư cho nguồn nhân lực của ngành giáo dục theo lộ trình bài bản, căn cơ.
|
Quang cảnh buổi làm việc.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy Hậu Giang trong công tác tổ chức, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chủ trương của Trung ương về công tác giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, Hậu Giang cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29. Quan tâm, đầu tư cho con người, lấy con người làm trung tâm, là động lực cho sự phát triển. Phát triển con người Hậu Giang giàu chuyên môn, có văn hóa và bản sắc dân tộc. Triển khai có hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học. Triển khai hoạt động xã hội hóa để góp phần nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hậu Giang cần tiếp tục duy trì những kết quả đạt được trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầy xây dựng xã hội học tập theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Duy trì quyết tâm, năng lượng hiện có để đưa ngành giáo dục của tỉnh phát triển trong tương lai - Đồng chí Vũ Thanh Mai nhấn mạnh./.
Diễm Thúy-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang