Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 10/6/2011 14:47'(GMT+7)

Khát vọng biển khơi

Sau tết Đoan Ngọ (mùng 5-5), ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển

Sau tết Đoan Ngọ (mùng 5-5), ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển

Khí thế ra khơi!

Chiều 8-6, con tàu mang số QNg 95821 TS (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) do ông Nguyễn Tuấn làm thuyền trưởng đã rời bến. “Chúng tôi quyết tâm hướng về ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt hải sâm và thủy sản!” - Thuyền trưởng Nguyễn Tuấn khẳng định chắc nịch. Những thành viên trên tàu QNg 95821 TS như ngư dân Trần Văn Công, Trần Văn Á, Nguyễn Đức Danh... tỏ ra rất phấn khởi. “Ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là của cha ông để lại cho chúng ta. Chúng tôi mưu sinh trên vùng biển này. Do vậy, ngư dân chúng tôi quyết tâm bám biển, không sợ tàu lạ và những chiêu hù dọa của Trung Quốc. Tại Lý Sơn và các xã ven biển Quảng Ngãi, sau Tết Đoan Ngọ mỗi ngày đã có hàng trăm tàu, thuyền ra khơi, trong số đó có rất nhiều tàu thuyền nhắm thẳng hướng ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Xã Bình Chánh huyện Bình Sơn có gần 3.470 hộ và trên 12.600 nhân khẩu, thì số hộ sống bằng ngư nghiệp chiếm tới 40%. Chủ tịch UBND xã Trần Quang Tâm cho biết: Bình Chánh hiện có 102 chiếc thuyền, trong đó có 21 chiếc hành nghề mành đèn, còn lại làm nghề mực khơi. Ngư dân ở đây luôn gắn bó với nghề và đã trang bị những tàu thuyền công suất lớn sẵn sàng ra khơi.

Trong khi đó tại Quảng Nam, thời điểm này cũng hừng hực khí thế ra khơi. Ông Huỳnh Kim Nhựt, một ngư dân kỳ cựu của xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết: “Hàng ngày Tam Tiến có hàng trăm tàu ra khơi. Đáng mừng là giá xăng dầu và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác được bình ổn là một cách tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi!”. Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt thủy hải sản trên biển khá hùng hậu. Hiện nay nghề câu mực phát triển với đội tàu trên 100 chiếc, chiếm trên 90% số tàu câu mực của tỉnh, tổng công suất trên 15.000CV, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Bình quân mỗi tàu câu mực khơi được ngư dân đầu tư trên dưới 1 tỷ đồng. Nhờ tàu có công suất lớn, thời gian đánh bắt trên biển kéo dài và được trang bị các phương tiện hiện đại nên ngư dân hành nghề khơi xa ở Núi Thành thường thắng lớn.

Hiện nay các xã ven biển của miền Trung, khí thế ra khơi đang diễn ra rầm rộ, dù biết rằng những chuyến ra khơi sẽ còn gặp không ít khó khăn nhưng tất cả các ngư dân - những hùng binh trên biển - vẫn một lòng quyết tâm không rời biển.

Tại Đà Nẵng, Thiếu tá Trần Hữu Thanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 248 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng), cho biết: Thời gian gần đây, ngư dân liên tục bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cướp hải sản và ngư cụ trên tàu. Thậm chí, họ còn dùng cả máy bay lượn tầm thấp uy hiếp tàu của ta. Thiếu tá Thanh kể: Lúc 15 giờ 20 phút ngày 3-6, tàu ĐNa 90095 TS do ông Trương Văn Chín, ở phường Thanh Khê Đông (QuậnThanh Khê) làm thuyền trưởng, cùng các tàu đánh cá khác của ngư dân Đà Nẵng đang hành nghề lưới cản trên vùng biển Việt Nam, có khoảng 15-20 tàu quân sự của TQ có trang bị súng pháo, cố tình chạy vào khu vực đang đánh bắt của ngư dân, uy hiếp, cản trở việc sản xuất bình thường của các tàu này. Cũng tại thời điểm này, một số máy bay của TQ bay lượn tầm thấp tại khu vực đó nhằm trấn áp tinh thần ngư dân của ta. Song, ngư dân Đà Nẵng vẫn một lòng bám biển. Hàng ngày những đoàn thuyền vẫn ra khơi tới ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Các thuyền viên trên tàu QNg 95821 TS chuẩn bị đồ nghề
lặn bắt hải sâm tại biển Hoàng Sa

Tiếp tục đồng hành cùng ngư dân

“Đồng hành” cùng bà con ngư dân, thời gian qua Chính phủ và các cấp chính quyền, cùng các cơ quan chức năng liên quan đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân bằng những việc làm cụ thể. Điều đó đã làm an lòng các ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi.

Hiện nay tất cả các tàu cá đều được trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM) và máy thông tin tầm gần trên các thúng câu để liên lạc thường xuyên về đất liền. Chính nhờ hệ thống này mà công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển được thuận lợi, góp phần hạn chế thấp nhất những rủi ro.

Tại 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi chính quyền đã hỗ trợ kinh phí để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; tổ chức tập huấn cách ứng phó khi gặp bão, các quy định về trang thiết bị an toàn tàu cá, kiến thức sử dụng tần số máy thông tin liên lạc phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển; kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người bị nạn... Vận động các chủ tàu tham gia thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm tập hợp các tàu lại với nhau để phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển...

Còn theo đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ” đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, từ năm 2010-2015, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu cá là ngư dân, tổ hợp tác, HTX thực hiện đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, hoặc nâng cấp tàu cá đang sử dụng có công suất dưới 90CV thành tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Đối với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi tàu 1 năm, từ 250CV đến dưới 400CV hỗ trợ 100 triệu đồng, từ 400CV trở lên hỗ trợ 120 triệu đồng... Xã Bình Chánh của huyện Bình Sơn làm các thủ tục giúp ngư dân được nhận gần 4 tỷ đồng tiền hỗ trợ theo Quyết định 289 của Chính phủ, hỗ trợ rất thiết thực cho ngư dân bám biển.

Chính nhờ những sự “đồng hành” này mà ngày ngày tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn hiện diện trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đã có những chuyến đánh bắt thủy hải sản thắng lớn. Tại nhiều xã ven biển đã khai thác từ 3.500 tấn đến 3.900 tấn hải sản/năm. Nhiều hộ đánh bắt xa bờ dôi dư 50-100 triệu đồng/năm. Nhiều ngư dân có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/người/chuyến biển khơi xa. Anh Nguyễn Đức Hà - chủ chiếc tàu QNg 95474 công suất 125 CV cho biết: “Có chuyến tàu tui khai thác trên 32 tấn, bán được hơn 1 tỷ đồng”. Hay như mới đây, chỉ một chuyến lặn bắt hải sâm ở quần đảo Trường Sa vừa rồi, tàu lặn hải sâm QNg 66 029 TS của ông Lê Túc (44 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải – Lý Sơn, làm thuyền trưởng đã trúng 2,3 tỉ đồng.

Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nơi gắn liền nghề biển bao đời nay của bà con ngư dân Việt Nam. “Biển Hoàng Sa, Trường Sa là của cha ông để lại. Chúng tôi sẵn sàng bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Được nhà nước hỗ trợ giúp đỡ và song hành cùng chúng tôi bằng nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, bảo vệ ngư dân trên ngư trường chúng tôi sẽ không ngại đối mặt với bất cứ tàu lạ nào” - ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ tàu QNg 95821 TS khẳng định./.

(Tấn Thành - Bảo Thư/ĐĐK)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất