Thứ Sáu, 15/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 21/2/2010 10:15'(GMT+7)

Khi các cường quốc hết kiên nhẫn với Iran

“Dao” đã mài nhưng....

"Điều chúng tôi sẽ làm trong vài tuần sắp tới là sẽ đưa ra một cơ chế trừng phạt mới nghiêm khắc hơn và điều đó sẽ chỉ cho họ thấy họ đang bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế như thế nào," Tổng thống Barack Obama mới đây đã nói như vậy với các phóng viên quốc tế.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu: “Con đường duy nhất còn lại đối với chúng ta trong việc ứng xử với Iran dường như là con đuờng gây áp lực nhưng điều này đòi hỏi sự hợp tác của toàn bộ cộng đồng quốc tế".

Quan điểm trên của bà Hillary đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Tại một cuộc họp báo hồi giữa tháng này với người đồng nhiệm Pháp Herve Morin ở thủ đô Paris, ông Gates đã tuyên bố trừng phạt là sự lựa chọn duy nhất trong việc giải quyết các tham vọng hạt nhân của Iran. Nhưng nếu Iran thay đổi ở phút cuối và sẵn sàng nhân nhượng trước các yêu cầu của phương Tây thì Mỹ và các đồng minh vẫn để ngỏ “cách tiếp cận hoà bình trong việc xử lý vấn đề này,” ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định.

Bộ trưởng Herve Morin đã bày tỏ sự “ủng hộ hoàn toàn” với ý kiến của người đồng nhiệm Mỹ.

Những tuyên bố của các quan chức trên cho thấy việc Iran bị trừng phạt thêm nữa chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu một gói biện pháp trừng phạt mới có thành công hơn những gói lệnh trừng phạt được đưa ra trước đó dưới thời Tổng thống Bush.

Trong suốt 6 tháng qua, Mỹ đã dẫn đầu 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức (còn gọi là nhóm P5+1) trong các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Iran ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Washington và các cường quốc Châu Âu tin rằng Iran muốn sản xuất bom hạt nhân nhưng Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hoà bình.

Năm ngoái, nhóm P5+1 đã đưa ra một đề xuất cho Iran theo đó nước này sẽ chuyển hầu hết số uranium đã làm giàu ở mức độ thấp của mình ra nước ngoài để làm giàu thêm.

Iran đã chấp nhận, chần chừ sau đó là bác bỏ đề xuất trên. Không những thế, ngay sau đó, Tổng thống Iran còn tuyên bố sẽ làm giàu uranium lên cấp độ cao hơn nữa. Trên thực tế, theo thông tin từ nhiều nguồn tin đáng tin cậy, Tehran đã bắt đầu thực hiện việc làm giàu uramium lên mức độ cao hơn

Trước những động thái này của Iran, Mỹ càng thêm quyết tâm trừng phạt nước này. Mỹ đã bắt đầu gửi cho các đồng minh phương Tây của mình những đề xuất về các biện pháp trừng phạt Iran. Lần này, Washington hướng mũi nhọn vào Lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran – đây là lực lượng chịu trách nhiệm quản lý chương trình hạt nhân của Iran. Nếu bị trừng phạt, Lực lượng này sẽ bị phong tỏa tài sản và các quan chức trong lực lượng này sẽ bị cấm ra nước ngoài.

Theo lời Washington, mục tiêu của những biện pháp trừng phạt trên vẫn là để đưa Iran quay trở lại bàn đàm phán. "Các biện pháp mà chúng tôi đưa ra là nhằm gây áp lực tối đa đến những người đưa ra chính sách để họ có thể thấy cái giá về kinh tế và chính trị mà họ phải trả cho chương trình hạt nhân là quá đắt. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt đó cũng cho họ thấy vẫn còn một lối thoát," một nhà ngoại giao phương Tây tuyên bố.

Chưa đủ sắc?

Như lời Ngoại trưởng Hillary từng nói, để các biện pháp trừng phạt thực sự đủ sắc, đủ gây áp lực với Iran thì cần phải có sự đồng lòng của cộng đồng quốc tế. Cụ thể, đó là sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, có ít khả năng xảy ra điều này.

Sự thực, Moscow gần đây nhiều lần ám chỉ họ đã từ bỏ quan điểm chống đối các biện pháp trừng phạt truyền thống sau khi Iran từ chối chuyển uranium đã làm giàu ở mức độ thấp sang nước này để làm giàu thêm. Tuy nhiên, Nga vẫn còn tỏ ra rất dè dặt với phương pháp tiếp cận trừng phạt. Trong khi đó, phía Trung Quốc hoàn toàn phản đối áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sở dĩ Bắc Kinh kiên quyết phản đối trừng phạt Tehran là do mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Iran đang ngày càng phát triển. Theo một báo cáo của tờ Thời báo Tài chính gần đây, Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại số một của Iran, vượt qua cả Liên minh Châu Âu (EU).

Năm 2008, giao dịch thương mại của Iran với Trung Quốc đã đạt 36,5 tỉ USD trong khi giao dịch giữa EU và Iran là 35 tỉ USD. Ngoài ra, Iran cung cấp 11% nhu cầu năng lượng cho Trung Quốc. Đây là con số do Phòng Thương mại Iran-Trung Quốc cung cấp.

"Tôi tin rằng những biện pháp trừng phạt mới sẽ không có hiệu quả. Rất khó để trừng phạt một quốc gia giàu dầu mỏ - một thứ mà phần còn lại của thế giới luôn rất cần," ông Mehrzad Boroujerdi, một chuyên gia về Iran tại trường Đại học Syracuse ở New York, nhận định. Ngoài ra, ông Boroujerdi cũng cho rằng việc các hoạt động buôn lậu vẫn tiếp dẫn qua đường biên giới của Iran là một nhân tố khác khiến cho sự thành công của các biện pháp trừng phạt mới bị thách thức.

Nhiều chuyên gia tỏ ra cực kỳ hoài nghi về tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt mà các cường quốc đang nhăm nhe áp dụng cho Iran. Họ coi đó lại là một thất bại. Mặc dù Mỹ và các đồng minh đang liên tục nói đến “những biện pháp trừng phạt khôn ngoan” hầu như là nhằm vào các cơ quan quân sự của Iran như Lực lượng Bảo vệ cách mạng Iran và các chi nhánh của lực lượng này. Người ta đặc biệt nghi ngờ về việc liệu một chính sách trừng phạt có thể đem đến một sự chấm dứt cho chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ đã áp đặt một lệnh cấm lên các công ty của nước này trong việc giao dịch, làm ăn với Iran trong suốt 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, trên thực tế, những lệnh trừng phạt đó được xem là chẳng có hiệu quả gì bởi nước CH Hồi giáo Iran lại tìm đến nơi khác để làm ăn.

Có lối thoát khác?

Trong khi các cường quốc dường như rơi về tình thế bế tắc trong cách xử lý vấn đề hạt nhân Iran thì nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi mục đích của các biện pháp trừng phạt. Thay vì trừng phạt để gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách thì các cường quốc nên đưa ra các biện pháp trừng phạt có khả năng làm thay đổi chính quyền Iran.

Đằng sau gợi ý trên là niềm tin cho rằng chính phủ Iran đang bị suy yếu nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ nước này kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi hồi tháng 6 năm ngoái. Theo những người ủng hộ việc thay đổi chính quyền ở Iran, những biện pháp trừng phạt hà khắc sẽ buộc Iran phải quỳ gối. "Chính quyền Iran phải được trao cho một lựa chọn: hoặc bom hạt nhân hoặc là sự tồn tại," Phó Thủ tướng Israel Moshe Yaalon gần đây đã nói như vậy.

Đồng ý với quan điểm của ông Yaalon, ông Robert Kagan, một nhà phân tích thuộc Carnegie Endowment for International Peace, phát biểu: "Thay đổi chính quyền ở Tehran là chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tốt nhất".

Theo ông Kagan, "trong vài tháng tới, Tổng thống Obama sẽ có cơ hội ngàn năm mới có một lần để làm cho thế giới trở thành một nơi an toàn hơn bằng cách giúp người dân Iran có một chính phủ mới."

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng ý nghĩ cho rằng chính quyền Iran sắp nỗ tung từ bên trong là hoàn toàn sai lầm. Cũng theo ý kiến này, Tổng thống Obama nên theo đuổi chính sách can dự với Iran. Thay vì chỉ tập trung vào các vấn đề hạt nhân, ông Obama nên xây dựng một mối quan hệ chiến lược với Iran trên một loạt vấn đề, đối xử với Iran như một cường quốc khu vực thay vì là một nước thuộc trục ma quỷ./.

Theo VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất