Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 8/6/2015 10:1'(GMT+7)

Khi các đơn vị nghệ thuật 'tự bơi'

Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ, một trong 5 đơn vị tự chủ một phần năm 2015.

Cảnh trong vở “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ, một trong 5 đơn vị tự chủ một phần năm 2015.

Thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 43), năm 2012, Bộ VHTTDL đã giao quyền tự chủ 100% cho 4 đơn vị nghệ thuật, gồm: Nhà hát Lớn, Nhà hát đương đại Việt Nam, Trung tâm chiếu phim Quốc gia và Khu liên hợp thể thao quốc gia. Trong năm 2015 này, Bộ VHTTDL tiếp tục chọn 5 đơn vị nghệ thuật để tiếp tục triển khai. Trong đó, ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là đơn vị sẽ tự chủ 100% (tức là là sẽ cắt toàn bộ ngân sách), 4 đơn vị còn lại là Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Trung tâm kỹ thuật Điện ảnh thì việc cắt giảm kinh phí thực hiện theo lộ trình. Cụ thể, năm 2015 cắt giảm 30%, năm 2016 cắt tiếp 30% và đến năm 2017, sẽ cắt toàn bộ 100%.
 
Theo đánh giá của nhiều người trong nghề, khi được trao quyền tự chủ, các đơn vị nghệ thuật sẽ chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính của đơn vị, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc… Đơn cử, nếu như trước đây, khi còn bao cấp, toàn bộ khoản chi tiền lương, tiền bồi dưỡng, thù lao biểu diễn, vận hành đơn vị, đi biểu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa… đều được Nhà nước cấp hàng năm, dù thu nhập không cao, nhưng cũng không phải lo lắng. Chính vì vậy mà không ít đơn vị nghệ thuật ỷ lại, không chịu tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, không cho ra đời được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nhiều nghệ sỹ cũng từ đó mà không chịu rèn luyện, phấn đấu, thậm chí từ chối thực hiện nhiệm vụ của đơn vị để đi “chạy sô” bên ngoài.
 
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ cắt giảm 30% ngân sách năm 2015 (khoảng hơn 3 tỷ), đây là khó khăn không nhỏ. Tuy nhiên, ông Quang cũng cho biết, dù bị cắt một khoản kinh phí không nhỏ, nhưng Nhà nước lại mở cơ chế đặt hàng các tác phẩm nghệ thuật đối với các đơn vị. Nghĩa là khi các đơn vị nghệ thuật xây dựng được kịch bản hay, được lãnh đạo Bộ VHTTDL duyệt, thì Nhà nước sẽ cấp kinh phí để xây dựng chương trình, trả lương cho diễn viên... “Với cơ chế đặt hàng này, lãnh đạo các đơn vị phải hết sức năng động, sáng tạo, chủ động xây dựng các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, để được cấp kinh phí thực hiện. Đối với các nghệ sỹ cũng vậy, nếu như trước đây, nhiều đơn vị nghệ thuật có một phần không nhỏ nghệ sỹ, diễn viên cả năm không làm gì, nhưng đến tháng vẫn lĩnh lương, lĩnh thưởng, thì nay chỉ những người tham gia luyện tập, biểu diễn thì mới được nhận lương, nhận tiền thù lao biểu diễn, không còn tình trạng “cào bằng” như trước kia”, ông Quang nhấn mạnh.
 
Hầu hết các nhà hát đều cho rằng, việc tự chủ là con đường tất yếu, tuy nhiên, những người “đứng mũi chịu sào” như lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Liên đoàn xiếc Việt Nam… không khỏi băn khoăn. Ngân sách giảm, các nhà hát phải tự “bơi”, nhưng các đơn vị đều có một số lượng không nhỏ nghệ sỹ ca, múa, nhạc công đã quá tuổi nghề mà chưa đến tuổi hưu, hưởng lương cao, nhưng không biểu diễn được, nếu tự chủ mà phải “nuôi” đội ngũ nghệ sỹ này là một gánh nặng. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng các chương trình nghệ thuật để tăng nguồn thu cho đơn vị, đảm bảo đời sống của anh em nghệ sỹ, hầu hết các nhà hát đều tìm cách tinh giản bộ máy, giảm bớt nhân lực dư thừa. Ông Quang cho biết, Liên đoàn Xiếc hiện có 260 nhân viên, trong đó gần 100 người hưởng lương cao, nhưng chỉ “ngồi không”. Sang 2016, ngân sách sẽ cắt thêm 30% nữa, việc co gọn là không thể tránh khỏi, vì “bộ máy cồng kềnh như thế này thì không thể trụ nổi nếu tự chủ”, ông Quang khẳng định.
 
Không chỉ riêng Liên đoàn Xiếc, mà hầu hết các đơn vị đều có chung quan điểm như vậy, bởi “những người không làm việc mà vẫn hưởng lương là vô lý”, một vị lãnh đạo nhà hát chia sẻ.
 
Một trong những vấn đề khác khiến giới trong nghề lo ngại là chất lượng các chương trình nghệ thuật. Khi tự hạch toán thu chi, các đơn vị phải xây dựng các chương trình đảm bảo doanh thu, sẽ không tránh khỏi việc nhiều vở diễn dễ được dàn dựng theo thị hiếu khán giả để bán được vé, nhưng có ít tính nghệ thuật. Mảng nghệ thuật chuyên phục vụ thiếu nhi, phục vụ mục đích tuyên truyền chính trị cũng sẽ ít được quan tâm, bởi khi làm những chương trình này dễ bị thua lỗ...
 
Có thể thấy, lộ trình tiến tới tự chủ của các nhà hát đầy chông gai, nhưng cũng chính là đòn bẩy để thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo trong nghệ thuật, bởi khi không còn đường lùi, các nhà hát sẽ phải tìm mọi cách để vượt lên.
 
Phương Hà - Khánh Ngọc/TTXVN
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất