Thứ Ba, 5/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 5/4/2014 16:0'(GMT+7)

Khi hòa bình gắn với may rủi

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Từ danh sách hơn chục người đăng ký tranh cử, đến nay danh sách này đã được rút gọn, nhưng vẫn còn 8 người. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, có 3 ứng cử viên nhiều khả năng đăng quang nhất, là cựu Ngoại trưởng Áp-đu-la Áp-đu-la (Abdullah Abdullah), cựu viên chức Ngân hàng Thế giới (WB) A-sráp Ga-ni A-ma-dai (Ashraf Ghani Ahmadzai) và ông Dan-mai Rát-xun (Zalmai Rassoul), một nhân vật thân tín của đương kim Tổng thống H. Ca-dai. Để chiến thắng ngay trong vòng đầu, ứng cử viên phải nhận được hơn 50% số phiếu. Nhưng trong một cuộc bầu cử có nhiều ứng cử viên, lại ở một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi các lằn ranh sắc tộc như Áp-ga-ni-xtan, khả năng kẻ thắng người thua được quyết định ngay trong ván đấu đầu tiên là rất nhỏ. Thế nên, không ngoại trừ khả năng tên của vị tân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan sẽ chỉ được xướng lên trong vòng tiếp theo, khi hai ứng cử viên có nhiều phiếu nhất tại vòng đầu phải bước vào một cuộc song đấu.

Tất nhiên, vẫn có một điều chắc chắn là cho dù ai chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm kỳ đầy cam go. 10 năm dưới thời ê-kíp cầm quyền do Tổng thống H.Ca-dai đứng đầu, Áp-ga-ni-xtan chưa lúc nào hết bất ổn với hàng loạt nghi vấn tham nhũng trong giới lãnh đạo, kinh tế bấp bênh, thường xuyên phải ngóng chờ viện trợ nước ngoài. Trong khi Ta-li-ban liên tục “giằng xé” từng tấc đất với quân chính phủ, “sức mạnh dân tộc” của Áp-ga-ni-xtan cũng chẳng thể hiện được là bao.

Không chỉ có vậy, sau khi hai cuộc bầu cử vào các năm 2004 và 2009 kết thúc mang theo những ám ảnh gian lận, Áp-ga-ni-xtan giờ đây lại bước vào một ngày bầu cử quan trọng khác với không ít hoài nghi về sự trong sạch của các lá phiếu. Song song với đó là nỗi lo từ các cuộc tấn công của Ta-li-ban. Lấy lý do Mỹ can thiệp để sắp đặt kết quả bầu cử, lực lượng này luôn lựa chọn thời điểm bầu cử để xả đạn vào các điểm bỏ phiếu, lực lượng an ninh và thậm chí vào cả cử tri Áp-ga-ni-xtan. Còn nhớ trong ngày bầu cử năm 2009, hàng chục dân thường và binh sĩ đã tử nạn vì các cuộc tấn công như vậy của quân Ta-li-ban.

Chính vì thế, khi mà chưa có ứng cử viên nào nổi lên rõ ràng, mối quan tâm lớn nhất đối với Áp-ga-ni-xtan lúc này không phải là đoán già đoán non xem ai sẽ là người thay thế ông H.Ca-dai, mà là làm sao để có được một cuộc bầu cử không tì vết. Có tổ chức được các cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ mà không cần tới sự hỗ trợ từ phía cộng đồng quốc tế thì mới có thể nghĩ đến triển vọng mở nút thắt cho “nền hòa bình bị bóp nghẹt” ở Áp-ga-ni-xtan bấy lâu nay.

Dù không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3, song bằng quyết tâm “nói không” với Hiệp ước An ninh song phương (BSA) giữa Áp-ga-ni-xtan và Mỹ, Tổng thống H.Ca-dai đã vẽ sẵn một nước cờ đáng để cho người kế nhiệm ông phải suy xét. Nếu được ký, BSA sẽ cho phép sự có mặt có giới hạn của các lực lượng Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan nhằm giúp đội quân an ninh sở tại tiếp tục cuộc chiến với Ta-li-ban, song hiệp ước này lại có những ưu tiên đặc biệt cho lính Mỹ, chẳng hạn như quyền miễn trừ hoàn toàn trước luật pháp Áp-ga-ni-xtan, được thỏa sức tiến hành tấn công các mục tiêu khủng bố và tự do khám xét các nhà thờ, nhà dân.

Nên nhớ rằng, không ít dân thường Áp-ga-ni-xtan, trong đó có cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự, các cuộc oanh kích do lính Mỹ tiến hành nhằm vào Ta-li-ban. Những thảm kịch tương tự hoàn toàn có thể lặp lại nếu BSA trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy những năm qua, dù có sự “giúp đỡ đầy nhiệt huyết” của lực lượng Mỹ và NATO, cuộc sống của người dân Áp-ga-ni-xtan vẫn luôn ngộp thở vì mùi thuốc súng. Các cuộc truy kích “tàn quân Ta-li-ban” diễn ra với mật độ lớn dần nhưng khó hiểu thay, lực lượng này như ngày càng lớn mạnh, hung hăng và “cắm rễ” sâu hơn ở Áp-ga-ni-xtan. Ai dám chắc rằng khi có BSA, Áp-ga-ni-xtan sẽ yên ổn hơn, còn Ta-li-ban sẽ suy yếu? Ai dám khẳng định rằng, các gia đình ở Ca-bun hay nhiều nơi khác trên khắp Áp-ga-ni-xtan sẽ hạnh phúc hơn khi cứ nửa đêm ngon giấc phải mở cửa... đón lính Mỹ vào nhà “tìm khủng bố”?

Dẫu sao, nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Không ký BSA với Mỹ chắc chắn cũng sẽ để lại những thiệt thòi cho Áp-ga-ni-xtan, bởi khi ấy quốc gia này sẽ phải “một mình chống lại phiến quân”, đồng thời mất hẳn các khoản viện trợ từ Oa-sinh-tơn trong khi kinh tế vẫn ảm đạm còn lực lượng an ninh thì lỏng lẻo, rệu rã và thiếu sức chiến đấu.

Áp-ga-ni-xtan buộc phải chuẩn bị một lối đi khác cho riêng mình trong trường hợp năm 2014 kết thúc mà không có BSA với Mỹ. Với việc đề nghị Ấn Độ cung cấp các gói viện trợ quân sự và ký hiệp ước hợp tác và quan hệ hữu nghị dài hạn với I-ran, Tổng thống H.Ca-dai dường như muốn chứng tỏ Áp-ga-ni-xtan dưới thời của ông hoàn toàn không phải là một “con rối” trong tay Nhà Trắng. Và, Áp-ga-ni-xtan đã tính tới khả năng tranh thủ sự trợ giúp của “láng giềng gần” để bù đắp cho những mất mát một khi đã quyết tâm “xóa dấu giày của lính Mỹ” bên ngoài bậc cửa.

Dù đến nay tất cả các ứng cử viên đều tuyên bố sẽ ký BSA với Mỹ nếu giành chiến thắng, nhưng mọi việc hoàn toàn có thể đổi chiều khi chiếc ghế tổng thống đã tìm ra chủ mới.

Các cử tri Áp-ga-ni-xtan và ngay cả tổng thống tương lai của nước này đều đang đứng trước sự lựa chọn vô cùng khó khăn, giữa một bên là “rước hổ về nhà” để đổi lấy hy vọng hòa bình, một bên là tạm thời "đơn thương độc mã" chiến đấu với đám phiến quân đang ngày càng hung hãn. Những giải pháp không hoàn hảo ấy khiến hai chữ “hòa bình” ở Áp-ga-ni-xtan chưa bao giờ mong manh và gắn liền với “may rủi” như lúc này./.

Vũ Hùng (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất