Giải thưởng Sáng tạo khoa học, công nghệ (VIFOTEC) 2008 vừa được trao cho 35 công trình nghiên cứu xuất sắc thuộc 6 lĩnh vực. Nhìn nhận về giá trị của những sản phẩm này, Ban tổ chức cho rằng đã tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng và đem lại việc làm cho hàng nghìn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn là người Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ hiện đại.
Giải nhất "Xây dựng hệ thống thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sát hạch lái xe tự động" của TS Phạm Hồng Quang (CTCP Phần mềm tự động hóa điều khiển Cadpro) không gây bất ngờ với giới khoa học. Bởi trên thực tiễn, công nghệ này đã được ứng dụng tại 16 cơ sở sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô, trong khoảng 50% số cơ sở đào tạo lái xe của cả nước. Đề tài được thực hiện trên cơ sở thiết kế hệ thống tự động hóa dựa trên cảm biến từ trường và máy tính nhúng hoàn toàn tự làm tại Việt Nam. Việc đưa các công nghệ cảm biến hiện đại trên thế giới giúp cho công nghệ này khắc phục nhược điểm của công nghệ cùng tính năng do Hàn Quốc sản xuất vốn đang được sử dụng tại một số điểm sát hạch cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam.
Theo TS Phạm Hồng Quang, với 16 điểm sát hạch ứng dụng công nghệ nêu trên, công trình khoa học đã tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng so với nhập thiết bị và hàng tỉ đồng tiền bảo dưỡng mỗi năm. Nền tảng hệ thống nhúng còn có thể được ứng dụng trong nhiều hệ thống khác như giám sát tốc độ tàu hỏa, xe khách đường dài... bảo đảm an toàn giao thông.
Cũng đồng giải nhất, đề tài "Dây chuyền công nghệ chế biến tro bay Nhiệt điện Phả Lại công suất 25.000 tấn/tháng" của kỹ sư Lê Tuấn Minh (Viện Khoa học vật liệu) và cộng sự đã giải quyết được bài toán khó trong ngành nhiệt điện than là xử lý tro xỉ phế thải. Theo nhóm nghiên cứu, khi Việt Nam đang xây dựng nhiều nhà máy điện than thì việc áp dụng thành công công nghệ nêu trên là thiết thực. Đề tài đồng thời xử lý được mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường do bụi, giảm diện tích kho bãi trữ xỉ than mà còn "biến'' chúng thành phụ gia bê tông, xi măng, gạch nhẹ, tấm panen, than tái chế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là lần đầu tiên trong nước đã đưa ra một giải pháp như trên. Hiện CTCP Sông Ðà 12 - Cao Cường đang là nhà cung cấp tro bay đầu tiên và chủ lực cho công trình Thủy điện Sơn La và công trình Thủy điện Bản Chác, dây chuyền công nghệ này hứa hẹn sẽ được ứng dụng tại nhiều nhà máy điện than khác.
Với công trình "Nghiên cứu, thiết kế, công nghệ đóng tàu kéo, cứu nạn, cứu hộ 3.500 CV trong mọi điều kiện thời tiết phục vụ cho cảnh sát biển Việt Nam và xuất khẩu" của tác giả Hà Sơn Hải và cộng sự thuộc Công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất được tàu đạt tiêu chuẩn châu Âu.
PGS-TS Hồ Uy Liêm, quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho biết, đây là loại tàu chuyên dụng lớn nhất, thuộc loại DST 4612 lần đầu được đóng tại Việt Nam, con tàu được thiết kế là mẫu tàu kéo - cứu nạn - cứu hộ hiện đại, được coi là chuẩn mực mới nhất trong ngành hàng hải hiện đại và có tốc độ lớn nhất khi không kéo là 12,5 hải lý/giờ, chịu được sóng gió cao trên cấp 12. Loại tàu này có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại được đóng tại Hà Lan, nhưng giá thành giảm được khoảng 50 tỷ đồng so với mua mới. Nếu đóng bốn con tàu kéo cứu nạn 3.500 CV cho cảnh sát biển theo công nghệ này, Công ty Sông Thu đã tiết kiệm được cho đất nước khoảng 200 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi triển khai đóng đến khi đưa tàu vào hoạt động chỉ là 18 tháng, thời gian ít hơn so với đặt hàng từ nước ngoài.
Khác với các công trình trên, đề tài của GS-TS Nguyễn Quang Thạch và các cộng sự thuộc Viện Sinh học nông nghiệp làm chủ "Quy trình sản xuất khoai tây giống sạch bệnh bằng nguồn nuôi cấy mô". Ròng rã trong gần 20 năm, các nhà khoa học đã phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan để có thể tạo ra được củ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn quốc gia có chất lượng sạch bệnh tương đương củ giống nhập nội nhưng có giá thành giảm 50%. Quy trình kỹ thuật này hiện đã được áp dụng tại Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, trong đó riêng Lạng Sơn đã có thể sản xuất đủ trồng cho 60% diện tích khoai tây của tỉnh. Hàng chục nghìn hộ nông dân đã và sẽ được hưởng lợi từ đề tài nghiên cứu khoa học nêu trên.
Giải thưởng VIFOTEC được trao hằng năm ngoài ý nghĩa tôn vinh các công trình KHCN xuất sắc còn là dịp để giới khoa học nước nhà khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
(Theo HNM)