Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt khi ông là Chủ tịch nước đầu tiên của Trung
Quốc đặt chân đến vùng Caribe nói tiếng Anh. Khi đến 3 quốc gia này, ông Tập Cận
Bình muốn chứng tỏ rằng Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng quan hệ với những nước nhỏ bên
cạnh các cường quốc như Mỹ.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại và
đầu tư với các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi và Mỹ Latinh,
với mục đích đảm bảo nhu cầu về nguyên liệu thô nhằm kích thích tăng trưởng kinh
tế, đồng thời qua đó gây dựng ảnh hưởng lớn hơn về mặt chính trị trong tương
quan mối quan hệ với Mỹ.
Trong khi Washington triển khai mạnh mẽ chính sách "tái cân bằng" và mở
rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh cũng tìm cách gia
tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh, vốn được coi là "sân sau" của Mỹ. Điều đó
được thể hiện rõ bởi chuyến công du các nước Trung Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình
diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Tổng thống
Myanmar U Thein Sein, lãnh đạo một quốc gia mà Trung Quốc vốn có ảnh hưởng sâu
rộng.
Theo giới quan sát, việc lựa chọn các quốc gia Trung Mỹ làm điểm đến trong
chuyến đi của ông Tập Cận Bình trong bối cảnh hiện nay rất thu hút sự quan tâm
của cộng đồng quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình chọn Trinidad
và Tobago - quốc gia có ngành dầu khí phát triển mạnh có thể thúc đẩy sự năng
động cho nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi nền kinh tế thứ hai thế giới này
đang rất cần các nguồn cung cấp năng lượng mới. Một điểm khá thú vị là nhà lãnh
đạo Trung Quốc sẽ được chào đón ở Trinidad và Tobago chỉ vài ngày sau chuyến
thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới quốc gia Trung Mỹ này.
Dầu khí cũng sẽ là một trong những trọng tâm được thảo luận trong chuyến
thăm của nhà lãnh đạo này tới Mexico. Thời gian qua, Trung Quốc và Mexico đã ký
nhiều hiệp định hợp tác, trong đó có hiệp định trao đổi công nghệ giữa Tập đoàn
dầu khí nhà nước Mexico (PEMEX) với Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).
Chuyến thăm Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latinh (sau Brazil) và là
một thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, là chuyến thăm đầu tiên
của một nguyên thủ Trung Quốc kể từ năm 2005. Trung Quốc hiện là đối tác thương
mại lớn thứ hai của Mexico (chỉ sau Mỹ), trong khi Mexico cũng là bạn hàng lớn
thứ hai của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.
Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 36,7 tỷ USD, tăng 10% so với
năm trước đó. Hai nước đều là thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế
giới (G20), nhưng lại cạnh tranh với nhau để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Qua
việc cải thiện quan hệ với Mexico, Trung Quốc có thể tạo ra một mô hình khác
trong các mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh còn lại.
Trong khi đó, Costa Rica và Trung Quốc cũng đã ký hiệp định tự do thương
mại năm 2010 và kể từ đó, hoạt động kinh doanh bùng nổ với kim ngạch thương mại
hai chiều tăng tới 30,5%, đạt 6,2 tỷ năm 2012.
Trong những năm trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư tại Mỹ Latinh
trong các lĩnh vực khai thác mỏ và dầu khí cũng như trong các dự án cơ sở hạ
tầng đường sắt và luyện thép. Các nền kinh tế Mỹ Latinh hiện tiếp nhận 13% tổng
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, tương ứng với khoảng 31 tỷ USD.
Vì thế, trong những năm tới, khu vực này có thể sẽ trở thành “bàn đạp ngoài lãnh
thổ” của Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đảm
bảo và tăng cường xuất khẩu không những vào Mỹ Latinh mà còn sang các thị trường
Mỹ và châu Âu.
Sau khi thăm ba nước Mỹ Latinh, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm Mỹ và có
cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama về các mối quan hệ song phương. Chuyến
công du của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra sau hàng loạt hoạt động ngoại giao con
thoi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc tới các khu vực như chuyến thăm của Thủ
tướng Lý Khắc Cường tới Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sĩ và Đức, chuyến thăm của Ngoại
trưởng Vương Nghị tới một số nước Đông Nam Á.
Trước đó, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga và một số nước châu Phi là điểm đến
trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước. Tất các
những động thái trên cho thấy chính sách ngoại giao toàn diện của ban lãnh đạo
mới của Trung Quốc sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới./.
(TTXVN)