Theo số liệu mới nhất của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD thì Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của các cường quốc thuộc khối này đã giảm chưa từng có trong quý I/2009.
Cụ thể, trong quý I/2009, GDP sụt giảm 2,1% ở 30 quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, mức giảm tính theo quý cao nhất kể từ mức giảm kỷ lục năm 1960.
Trong khối này, Nhật Bản có mức giảm mạnh nhất với 4%. Trong cơn suy thoái chung của thế giới, kinh tế Nhật lại suy giảm kỷ lục, GDP nước này giảm 4% trong Quý I/2009 vừa qua. Đây là quý suy giảm thứ 4 liên tiếp và là mức giảm nặng nề nhất kể từ năm 1955 tới nay. Quý IV/2008, GDP nước này cũng đã giảm 3,8%.
Xếp sau Nhật về mức độ giảm GDP là Đức với mức giảm 3,8%, Pháp giảm 1,2%, Anh giảm 1,9%.
Việc GDP của các cường quốc giảm mạnh trong quý I/2009 báo hiệu rằng khó khăn vẫn chưa hết đối với nền kinh tế thế giới.
Khó khăn vẫn chưa hết
Như vậy là hàng nghìn tỷ USD kích thích kinh tế của các cường quốc chưa mang lại hiệu quả được nhiều như mong đợi.
OECD nhận định hàng nghìn tỷ USD được cam kết cho các gói kích thích kinh tế bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng các chính phủ có thể phải làm nhiều hơn để kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi cuộc suy thoái được coi là tồi tệ nhất trong 8 thập kỷ qua.
OECD cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ không chạm đáy cho tới năm 2010 và chỉ có thể bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối năm tới.
Cùng chung quan điểm trên, Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội quốc gia Anh (NIESR) cho rằng, kinh tế thế giới sẽ suy giảm 0,5% trong năm nay, chủ yếu do thương mại toàn cầu tiếp tục đi xuống. Nhật Bản và Italia có thể sẽ bị tác động tồi tệ nhất trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7).
NIESR nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ hứng chịu những tác động tồi tệ nhất trong hơn 60 năm qua nếu thương mại toàn cầu suy giảm 8,2% trong năm nay. Suy thoái kinh tế có thể sẽ kéo dài 6-7 quý ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung euro ( Eurozone) và Nhật Bản, thậm chí còn kéo dài tới 8-9 quý trong trường hợp xấu hơn.
Tuy nhiên, dự báo của NIESR vẫn lạc quan hơn so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm tới 1,3% năm 2009.
Mới đây, Tổng thống Barack Obama và các cố vấn kinh tế cao cấp của ông cũng chia sẻ quan điểm trên, với việc cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những căng thẳng và khó khăn ở phía trước./.
(Theo VietNamNet)