Thứ Ba, 26/5/2009 7:44'(GMT+7)
LHQ lên án Triều Tiên thử hạt nhân
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên tiếng kịch liệt phản đối hành động thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ngày 25/5 và coi đây là một sự “vi phạm trắng trợn” nghị quyết cấm thử hạt nhân năm 2006.
Hội đồng Bảo an cho biết họ sẽ tiến hành ra một nghị quyết mới cứng rắn hơn trừng phạt quốc gia Đông Á này.
Vài giờ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai, các đồng minh thân cận như Trung Quốc và Nga cũng như các nước khác trên thế giới lên tiếng phản đối hành động này.
Sau cuộc họp khẩn cấp do Nhật Bản yêu cầu, Hội đồng Bảo An yêu cầu Triều Tiên tuân thủ hai nghị quyết đã ban hành kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hội đồng cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc tuân thủ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng tuyên bố rút khỏi vòng đàm phán sáu bên hôm 14/4 vừa rồi nhằm đáp trả nghị quyết của Hội đồng Bảo an về lệnh trừng phạt nước này thử tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo hôm 5/4. Tham gia vòng đàm phán 6 bên bắt đầu từ năm 2003 có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Bảo An Vitaly Churkin đã ra tuyên bố rằng sự lên án mới chỉ là phản ứng đầu tiên. Ông khẳng định rằng sẽ có những hành động khác đối với quốc gia này nhưng từ chối đưa ra chi tiết.
Các thành viên Hội đồng Bảo an đã quyết định bắt đầu xem xét một nghị quyết đối với vấn đề này ngay lập tức, ông Vitaly Churkin cho biết.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice cho biết 15 thành viên hội đồng đã đồng ý xem xét một nghị quyết mới vào ngày thứ Ba (26/5).
“Mỹ cho rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và là mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh khu vực và thế giới. Do vậy, Mỹ sẽ xúc tiến ra một nghị quyết với những biện pháp mạnh hơn,” bà Rice cho biết.
Khi được hỏi liệu Nga có xem vụ thử hạt nhân này nghiêm trọng hơn vụ phóng tên lửa hồi tháng Tư không, ông Churkin cho biết: Đây là một sự kiện hiếm thấy và nó đi ngược lại không chỉ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà còn Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và Hiệp ước cấm thử hạt nhân. “Chúng tôi, Nga, là một trong những thành viên soạn thảo ra các văn kiện đó. Do vậy, chúng tôi cho rằng những văn kiện đó là vô cùng quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay. Bất cứ hành động nào phá hoại cơ chế của hai hiệp ước này là rất nghiêm trọng và cần có một phản ứng mạnh mẽ.”
Các quốc gia khác trên thế giới cũng lên tiếng phản đối hành động thử vũ khí của Triều Tiên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand.
Nga, một đồng minh thân cận của Triều Tiên, xác định sức công phá của vụ thử hạt nhân này từ 10 đến 20 kiloton (1 kiloton, tương đương dưới 1.000 tấn thuốc nổ thông thường TNT), báo RIA Novosti cho biết.
Lần đầu tiên Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân được cho là diễn ra hồi tháng 10 năm 2006.
VietNamNet