Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 18/10/2010 17:43'(GMT+7)

Khó tìm điểm dừng cho cuộc chiến tiền tệ

Cuộc chiến tiền tệ vẫn được xem là nan giải khi các nước khăng khăng giữ quan điểm của mình.

Cuộc chiến tiền tệ vẫn được xem là nan giải khi các nước khăng khăng giữ quan điểm của mình.

Trong nhiều tuần qua, mâu thuẫn về vấn đề tiền tệ giữa 3 trụ cột kinh tế thế giới là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc được phác họa rõ ràng hơn trong bức tranh kinh tế tài chính toàn cầu. Một số chuyên gia kinh tế và quan chức các nước cho rằng các nước đã và đang tham gia vào một cuộc chiến về tiền tệ, ít nhất là về mặt lý thuyết.

Tuyên bố ngày 27/9 của Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đã xác nhận về một "cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế", mà nguyên căn là từ những điều khoản khắt khe trong mậu dịch quốc tế giữa các nước.

Thay vì nhìn nhận đúng bản chất của mậu dịch quốc tế và dựa trên tinh thần hợp tác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các nước lại buộc tội lẫn nhau về sự sụt giảm trong nhu cầu toàn cầu. Điều đáng lo ngại hơn là “vũ khí” mà hầu hết các nước dùng đối phó lẫn nhau là chính sách nới lỏng định lượng (in tiền mua trái phiếu) để can thiệp vào thị trường tiền tệ và kiểm soát dòng vốn.

Thực tế, cuộc chiến tiền tệ được châm ngòi từ 3 nhân tố. Thứ nhất là việc Trung Quốc không sẵn lòng để cho nhân dân tệ tăng giá nhanh hơn, khiến cho giới chức Mỹ và châu Âu phải lên tiếng nặng nhẹ về việc định giá thấp đồng Nhân dân tệ. Trên thực tế, việc định giá thấp này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế phương Tây mà cả các nền kinh tế mới nổi, nhất là những nước thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi.

Đề tài Nhân dân tệ trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết tại quốc hội Mỹ và buộc Hạ viện nước này phải thông qua một dự luật cho phép các công ty trong nước được hưởng quyền bảo hộ trong quan hệ mậu dịch với các nước định giá tiền tệ thấp, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Chốt điểm thứ hai là chính sách tiền tệ của các nước giàu, đặc biệt là triển vọng các ngân hàng trung ương có thể sớm tái khởi động việc in tiền để mua trái phiếu chính phủ. Đôla Mỹ giảm giá đáng kể do thị trường tài chính đặt nhiều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng cường hành động và đưa ra nhiều biện pháp cấp bách. Trong khi đó, đồng euro lại tăng giá nhờ thái độ kém nhiệt tình hơn trong việc bơm tiền của giới chức Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Ngược lại, theo quan điểm của Trung Quốc, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tạo thặng dư tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu vì nó kích thích giới đầu tư đổ vốn nhiều hơn vào các nền kinh tế mới nổi nhằm thỏa mãn tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao.

Nhân tố thứ ba là hầu hết các nước đang phát triển chưa phản ứng kịp với sự di chuyển ồ ạt các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước. Chính quyền nhiều nước đã chọn lựa việc can thiệp bằng cách mua ngoại tệ hay áp thuế lên dòng vốn nước ngoài, hơn là để cho tỷ giá hối đoái tăng. Mới đây, Thái Lan thông báo áp mức thuế 15% đánh trên thu nhập từ trái phiếu mà cổ đông là các nhà đầu tư nước ngoài chuyển qua biên giới.

Ba nhân tố trên, cùng với một loạt nhân tố khác như sự phân hóa về chính sách kinh tế, sức tăng trưởng chậm, các biện pháp tài khóa hà khắc, làn sóng kêu gọi thống nhất đồng tiền… càng khiến cuộc chiến tiền tệ thêm nan giải.

Nếu như dòng vốn đầu tư nước ngoài đa dạng hơn và dịch chuyển mạnh vào các nước đang phát triển, thì các nước sẽ rơi vào tình thế phải chọn lựa giữa việc chấp nhận giảm cạnh tranh và kiểm soát gắt gao dòng vốn, hoặc mặc cho nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Nhìn chung, nếu Mỹ, Trung Quốc hay bất cứ quốc gian nào tiếp tục khăng khăng với quan điểm của mình, “nút thắt” cho cuộc chiến tiền tệ sẽ càng bị siết chặt. Đa phần các chuyên gia kinh tế cho rằng, thúc đẩy chi tiêu nhằm tạo thặng dư cho nền kinh tế trong tương quan với chính sách tỷ giá hối đoái phù hợp mới là lời giải cần thiết cho tình trạng hiện nay./.

Theo VnExpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất