Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 16/10/2010 14:38'(GMT+7)

Để thương mại Nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hoá

Trong đường lối xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng và nhà nước ta đã khẳng định: Thương mại nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông và là một lực lượng vật chất, một công cụ quản lý vĩ mô để nhà nước quản lý và điều tiết nền kinh tế. Điều đó là xuất phát từ yêu cầu khách quan của quá trình ổn định và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Nhà nước không thể quản lý và điều tiết thị trường bằng tay không, không thể chỉ bằng luật pháp hành chính. Muốn quản lý và điều tiết thị trường có hiệu quả nhà nước phải có thực lực kinh tế trong tay. Thực lực đó là hệ thống kinh tế nhà nước nói chung và thương mại nhà nước nói riêng. Vì vậy điều quan trọng nhất là nhà nước phải định hướng cho các đơn vị kinh tế phân công nhau sản xuất những mặt hàng chiến lược của đời sống kinh tế xã hội để cung cấp cho thị trường qua hệ thống thương mại nhà nước, để thương mại nhà nước có thực lực hàng hóa trong tay chủ động phân phối cho các nhu câùi đòi hỏi của sản xuất và đời sống trong xã hội. Nhiệm vụ của thương mại nhà nước trong lưu thông phải nắm chắc khâu bán buôn, xuất nhập khẩu và tham gia một phần bán lẻ cần thiết ở những mặt hàng quan trọng nhất để đủ sức chi phối thị trường trong mọi tình huống. Thông qua hoạt động của mình, thương mại nhà nước góp phần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu mới ở những khu vực, những nước mà xưa nay chúng ta chưa có quan hệ, kích cầu đầu tư và tiêu dùng xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của hệ thống thương mại nói chung, thương mại nhà nước nói riêng và ngân hàng, tài chính trong tình hình kinh tế hiện nay để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, ngăn chặn tiềm ẩn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ tốt cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vai trò chủ đạo của thương mại nhà nước còn thể hiện ở sự thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường đi theo định hướng XHCN, đồng thời làm nòng cốt trong việc thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế nước ta với kinh tế thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại qua con đường buôn bán, ngoại thương, tạo thế và lực cho thương mại nước ta hoạt động có hiệu quả trong Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ.

II. Những yếu kém của thương mại nhà nước hiện nay

Thực hiện đường lối đổi mới kinh tế của Đảng đề ra, thương mại nhà nước trong nhưng năm qua đã có nhiều mặt chuyển biến tốt góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần phát triển theo định hướng XHCN. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém sau đây:

Một là, vai trò chủ đạo của thương mại Nhà nước trên thị trường chưa thể hiện được đầy đủ. Hoạt động của thương mại Nhà nước chưa đủ sức lôi kéo các thành phần thương mại khác đi theo quỹ đạo định hướng XHCN trong lưu thông. Trái lại, có nơi có lúc thương mại Nhà nước còn bị sự chi phối bởi các tác động tiêu cực của thương mại tư nhân như: gian lận trong mua bán, sản xuất lưu thông hàng giả, hàng kém phẩm chất, tiếp tay cho thương mại tư nhân buôn lậu. Đó là điều trái ngược với quy luật. Hoạt động mua và bán của một số đơn vị thương mại Nhà nước chưa thể hiện đúng bản chất của thương mại xã hội chủ nghĩa; đã xuất hiện những hiện tượng biến tướng "tư nhân hóa" một số cơ sở thương mại Nhà nước, đây là điều đáng lưu ý. Vai trò tham gia bình ổn giá cả thị trường của thương mại nhà nước rất yếu kém, thậm chí có nơi, có lúc còn chạy theo các thành phần thương nghiệp khác tăng giá, đẩy giá lên cao một cách bất hợp lý khiến cho người tiêu dùng bị thiệt hại.

Hai là, trong công tác quản lý ở một số cửa hàng, Công ty, xí nghiệp thương mại Nhà nước trên danh nghĩa bề ngoài là "quản khoán" theo phương thức của cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; nhưng thực chất bên trong là "khoán trắng" cho mậu dịch viên, tự mua tự bán, tự kinh doanh, nó chỉ khác tư thương ở chỗ địa điểm kinh doanh mang cái tên gọi "hình thức" Nhà nước. Vai trò quản lý của bộ máy cửa hàng, Công ty, xí nghiệp bị lu mờ. Do đó không ít xí nghiệp thương mại Nhà nước có tình trạng "lãi giả lỗ thật", lãi thì tập thể chia nhau hưởng, lỗ thì do Nhà nước gánh chịu. Nhiều cửa hàng, Công ty, xí nghiệp, thiếu vốn kinh doanh một cách nghiêm trọng. Vốn tự có đã ít nhưng lại bị cụt dần do nhiều nguyên nhân. Vốn đi vay ngân hàng thì phải chịu lãi suất cao; trong khi đó hiệu quả kinh doanh của nhiều cửa hàng, Công ty, xí nghiệp lại thấp, chỉ đủ để trả lãi tiền vay ngân hàng, không có tích lũy cho doanh nghiệp và nhà nước. Thiếu vốn kinh doanh nên không phát huy được tiềm lực và sức mạnh của thương mại Nhà nước trên thị trường.

Ba là, Thị trường đô thị "bung ra" có phần không hợp lý, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán lộn xộn. Thị trường nông thôn có sức tiêu thụ lớn về tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thì thương mại Nhà nước bỏ trống để cho thương nhân tự do thao túng, bóp chẹt người sản xuất và người tiêu dùng, ép giá mua, tăng giá bán. Nông dân và nhân dân là người bị thiệt thòi nhất. Các mặt yếu kém trên đây làm cho thương mại nhà nước chưa phát huy tot được vai trò chủ đạo trong lưu thông như mong muốn của Đảng và nhà nước ta.

III. Một số giải pháp để thương mại nhà nước phát huy tốt vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hóa

Để phát huy tốt vai trò chủ đạo của thương mại nhà nứơc hiện nay cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, Chính phủ phải chỉ đạo thương mại nhà nước nắm chắc xuất, nhập khẩu, chi phối bán buôn, chiếm tỷ trọng cần thiết trong bán lẻ, đủ sức ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả một số mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất, đời sống, đảm bảo thúc đẩy sản xuất và lưu thông có lợi cho nhà nước, cho người kinh doanh và người tiêu dùng. Củng cố các đơn vị thương mại nhà nước hiện có, đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động, kinh doanh có hiệu quả bảo đảm phát huy vai trò chủ đạo trong lưu thông hàng hóa. Phát triển các doanh nghiệp mới, có đủ tiềm lực trên những lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng quan trọng, phù hợp với sự thay đổi cơ cấu kinh tế. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa thương mại nhà nước với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước dưới hình thức kinh tế tư bản nhà nước và các hình thức khác, cổ phần hóa doanh nghiệp thương mại nhà nước. Thực hiện sắp xếp lại các đơn vị thương mại nhà nước trên từng địa bàn nhưng không phụ thuộc vào dia giới hành chính; lựa chọn những ngành hàng quan trọng, có tích luỹ lớn cho ngân sách, có ảnh hưởng quyết định đến việc xác lập các cân đối vĩ mô để tiếp tục hình thành các Tổng Công ty vừa tổng hợp và vừa chuyên doanh, vừa sản xuất, vừa hoạt động thương mại nhằm tăng nhanh khả năng tích tụ và tập trung vốn để đổi mới thiết bị và công nghệ, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hình thành một số Tổng Công ty thương mại tổng hợp, gắn xuất nhập khẩu với kinh doanh nội địa, tạo ra khả năng mới trong việc tổ chức nguồn hàng và phát luồng trên phạm vi thị trường cả nước và chiếm lĩnh một thị phần cần thiết của thị trường thế giới; huy động được các tiềm năng về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật để hình thành các siêu thị lớn buôn bán theo phương thức hiện đại ở các thành phố lớn và các khu kinh tế động lực. Tạo điều kiện cho các Tổng Công ty chuyên doanh và Tổng Công ty thương mại tổng hợp được đặt chi nhánh, mở tài khoản ở nước ngoài, thực hiện các dịch vụ mua bán trung gian trên thị trường thế giới theo các quy định chặt chẽ. Phát triển mạng lưới bán lẻ và hệ thống các đại lý mua bán của thương mại nhà nước, coi đại lý là phương thức quan trọng để mở rộng thị phần của thương mại nhà nước, thông qua hệ thống các đại lý và các hình thức kinh tế tư bản nhà nước, thương mại nhà nước thực hiện chức năng hỗ trợ, hướng dẫn, liên kết các thành phần kinh tế khác phát triển đúng hướng. Phát huy vai trò tổ chức của chủ sở hữu nhà nước để thúc đẩy sự liên kết giữa các tổng công ty vừa và nhỏ trong nội bộ thương mại nhà nước và giữa thương mại nhà nước với các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo thành sức mạnh tổng hợp của hai thành phần này trên thị trường trong việc điều hòa cung cầu, ổn định giá, nâng cao sức cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác ở cả thị trường trong nước và thị trường thế giới. Ngăn chặn tình trạng cửa quyền ở các đơn vị thương mại nhà nước được giao nhiệm vụ kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu. Cổ phần hóa những doanh nghiệp xét thấy không cần thiết phải có 100% vốn nhà nước. Xử lý dứt điểm ngay đối với những doanh nghiệp thua lỗ khó vực dậy.

Hai là, thương mại Nhà nước phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh theo hướng thực sự hạch toán kinh tế, nêu gương về buôn bán văn minh hiện đại. Chỉ riêng tổ chức lại bộ máy thì chưa đủ làm cho thương mại nhà nước mạnh lên mà phải kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức hoạt động kinh doanh. Tuỳ theo vị trí và chức năng của từng doanh nghiệp thương mại nhà nước mà giải quyết vấn đề tách quyền sở hữu với quyền sử dụng, mở rộng việc cổ phần hóa và các hình thức liên doanh liên kết dựa trên cơ sở sở hữu nhà nước là chủ thể, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao và phục vụ sản xuất, đời sống tốt. Mỗi doanh nghiệp có một người chủ thật sự hưởng thành quả kinh doanh, chịu trách nhiệm về mọi mặt và làm đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Kiên quyết không để có tình trạng xí nghiệp thương mại nhà nước "vô chủ", "vô trách", dựa vào "danh hiệu nhà nước" để buôn bán phi pháp trên thị trường, thu lợi bất chính.

Ba là, ở cấp vĩ mô thương mại Nhà nước cần xử lý tốt mối quan hệ giữa kế hoạch và thị trường để thường xuyên có được một quan hệ cân đối tích cực giữa cung và cầu. Xây dựng một chính sách cân đối động, gắn với điều hòa thị trường, thích ứng với những biến động dài hạn, ngắn hạn và đột biến bất thường của thị trường trong nước và thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước, chính sách cân đối cung cấp phải đi liền với tạo dựng một mô hình kinh doanh bảo đảm cho nhà nước chủ động điều khiển sự vận động của hàng hóa trọng điểm theo những kênh lưu thông hợp lý phục vụ tốt nhất cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn. Trong việc kết hợp kế hoạch với thị trường có thể kết hợp sử dụng các chính sách hỗ trợ và các công cụ điều tiết để định hướng điều tiết các cân đối làm cho kế hoạch đối với các hàng hóa thiết yếu thực sự là kế hoạch mang tính chủ đạo định hướng đối với thị trường.

Bốn là, củng cố và tăng cường mạng lưới thương mại hợp tác xã mua bán, đặc biệt là ở thị trường nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để nó đủ sức đảm nhiệm chức năng đại lý mua và đại lý bán cho các tổng công ty thương mại Nhà nước những mặt hàng quan trọng ở địa bàn nông thôn và những vùng hẻo lánh, góp phần đắc lực vào việc ổn định thị trường nông thôn và giải quyết tốt các nhu cầu sản xuất và đời sống của nông thôn.

Năm là, chấm dứt tình trạng "khoán trắng" trong hệ thống thương mại nhà nước. "Khoán trắng" như vậy sẽ làm cho thương mại nhà nước mất hẳn thế mạnh và đưa đến nhiều hậu quả xấu như: chạy theo lợi nhuận thuần tuý, xa rời bản chất thương mại XHCN, "khoán trắng" thực chất là "tư nhân hóa" thương mại nhà nước, biến nhân viên thương mại thành những người buôn bán tư nhân; hạ thấp vai trò thương mại nhà nước xuống ngang hàng với thương mại tư nhân, thủ tiêu tính ưu việt của thương mại nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần đi theo định hướng XHCN. Điều đó sẽ làm xói mòn bản chất XHCN của thương mại nhà nước. "Khoán trắng" tạo điều kiện cho bọn làm ăn gian dối lợi dụng, móc nối với nhân viên thương mại nhận khoán để tiêu thụ hàng giả, buôn lậu, gian lận, trốn thuế gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho nhà nước.

Khoán là một phương thức quản lý khoa học, nhưng nếu "khoán trắng" thì lại là phản khoa học. Vì vậy, phải thực hiện cơ chế khoán theo kế hoạch, nghĩa là dựa vào kế hoạch để phê duyệt xác định mục đích, yêu cầu và hình thức khoán: Trước hết khoán phải nhằm vào đích, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh một cách cao nhất và có hiệu quả nhất, góp phần ổn định trật tự cơ cấu lưu thông hàng hóa ở thị trường xã hội. Khoán phải đi đôi với hạch toán kinh tế, nghĩa là khoán có tính toán khoa học toàn diện các mặt hoạt động kinh tế của đơn vị với mục đích của xã hội, thu lời hợp lý. Khoán phải phát huy được sức mạnh và tính ưu việt của thương mại nhà nước trong cơ chế thị trường hiện nay, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả, phát triển bền vững.

Sáu là, các sở thương mại địa phương phải vươn lên thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước thống nhất đối với kinh doanh và dịch vụ thương mại trên địa bàn các thành phố, tỉnh, thị xã, thị trấn và các quận huyện. Đồng thời phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát các tổ chức thương mại trên địa bàn mình để phát hiện những sai sót, kịp thời uốn nắn, những cơ sở nào cố ý làm sai phải trừng phạt nghiêm minh theo pháp luật để dăn đe. Về mặt tổ chức và kinh doanh phải phân biệt rành rọt hình thức và thực chất thương mại Nhà nước với các thành phần thương mại khác để có phương thức quản lý phù hợp, bảo đảm cho các loại hình thương mại đều phát triển lành mạnh, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống xã hội.

Bẩy là, nhà nước phải tiếp tục cải cách hệ thống thuế, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện nay chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ. Hiện đại hóa ngành ngân hàng, đổi mới công nghệ thanh toán góp phần thúc đẩy thương mại nhà nước phát triển chiếm lĩnh được ưu thế trên thị trường và phát huy tích cực vai trò chủ đạo của nó trong lưu thông, nêu gượng cho các thành phần khác noi theo. Sắp xếp lại khâu bán buôn và bán lẻ của thương mại Nhà nước một cách hợp lý, trên cơ sở thuận tiện mua, bán cho người dân, đảm bảo cho hàng hóa vận động từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng theo con đường ngắn nhất. Rà soát lại các hình thức "quản khoán" trong thương mại Nhà nước hiện nay để thực hiện theo đúng yêu cầu của cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết không để diễn ra tình trạng "khoán trắng" trong các tổ chức thương mại Nhà nước.

Tám là, tiếp tục đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và nghiệp vụ của thương mại nhà nước theo yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng XHCN, có năng lực về tổ chức quản lý trong lưu thông, tinh thông về nghiệp vụ buôn bán trong điều kiện cơ chế thị trường có cạnh tranh. Phần lớn cán bộ thương mại nhà nước hiện nay đều được đào tạo trong điều kiện kinh tế bao cấp, họ xa lạ với cơ chế thị trường do đó rất lúng túng trong quản lý và kinh doanh thương mại ở điều kiện mới. Vì vậy phải đào tạo lại thậm chí từ A, B, C để giúp họ có năng lực mới hoạt động trên thương trường cả trong nước và ngoài nước. Trên cơ sở đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp thị cho các đơn vị thương mại nhà nước, kể cả trong những điều kiện nghiệt ngã của thị trường, xí nghiệp vẫn có khả năng đứng vững và nêu gương cho các thành phần khác đi theo.

Tiếp tục tổ chức lại hệ thống thương mại nhà nước và đổi mới phương thức hoạt động của nó cho phù hợp với cơ chế thị trường ở nước ta hiện nay, thực sự là một quá trình cách mạng để đổi mới nhận thức và cung cách làm ăn trong nền kinh tế thị trường định hướng đi lên CNXH, góp phần thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, cong bang, văn minh. Vì vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Đảng và Nhà nước, sự phối kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan và sự nỗ lực cao nhất của ngành thương mại - ngành trực tiếp được giao nhiệm vụ tổ chức lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong nước và ngoài nước.

Thực hiện tốt các giải pháp trên đây, thương mại nhà nước sẽ khắc phục được những yếu kém, vươn lên phát huy tốt vai trò chủ đạo và tính ưu việt của thương mại xã hội chủ nghĩa trên thị trường xã hội, phục vụ tốt các yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân trước mắt cũng như lâu dài./.

  • PGS. TS Cao Duy Hạ

(Học viện CT- HCQG Hồ Chí Minh)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất