(TG) - Chiều 3/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đến dự Hội thảo có các đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KHCN); PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam... cùng đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan.
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ MỘT TRONG NHỮNG KHÂU ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: KHCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại...; coi KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng, nhất là tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế...; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hội thảo “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” được tổ chức trong chuỗi các hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. |
Để góp phần thực hiện có hiệu quả việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, sau hội thảo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Bộ KHCN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan liên quan chắt lọc kết quả nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước các nhiệm vụ cụ thể, giải pháp phù hợp để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được nêu trong Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, vấn đề hiện nay là cần tìm các giải pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học liên ngành đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, phát huy vai trò của các tập thể khoa học mạnh, các chuyên gia đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới, chủ trì triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế.
CẦN CÓ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT VỀ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, CÓ CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá, trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhiều nội dung được triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, tiềm lực KHCN được nâng lên. Quản lý nhà nước về KHCN từng bước được đổi mới. Hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ được chú trọng hoàn thiện. Cùng với đó, thị trường KHCN đã được hình thành và phát triển, gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, KHCN chưa thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực xã hội để phát triển KHCN chưa tốt. Cơ chế hợp tác chuyển giao công nghệ đối mới chưa thu hút được sự hợp tác ở lĩnh vực này. Đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN tuy đã được Chính phủ quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều ý kiến đề xuất cần có cơ chế chính sách tháo gỡ các nút thắt về KHCN, có chiến lược đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để có sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nhà trường…
PV