Thứ Ba, 17/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 6/5/2022 19:44'(GMT+7)

Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Hội Đông y Việt Nam

GS. TS. Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc.

GS. TS. Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc.

Chương trình làm việc là một trong những nội dung công tác năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, cùng với đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, tại cuộc làm việc, Thường trực Hội Đông y Việt Nam (Hội) đã báo cáo, trao đổi với Đoàn về những nội dung liên quan đến công tác tổ chức Hội; công tác khám chữa bệnh; nuôi trồng, thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất thuốc Đông dược; đào tạo - bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, thiết kế, phát huy, phát triển, bảo tồn một bộ phận văn hóa dân tộc; công tác Hội tham gia phòng, chống dịch COVID-19, những mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo trong phòng, chống dịch; những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động Hội và đề xuất, kiến nghị trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam giai đoạn 2021-2026...

Năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Kết luận phân công các Ban của Đảng phụ trách hội, trong đó giao Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách Hội Đông y Việt Nam, thay Ban Dân vận Trung ương trước đây.

Theo Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội, trong những năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đã vận động, tập hợp, đoàn kết, động viên những người hành nghề y, dược cổ truyền mang tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm thừa kế, phát huy, phát triển nền Đông y nước nhà, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính chất đặc thù, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đến nay hệ thống tổ chức Hội đã phát triển rộng lớn, hoàn chỉnh ở cả 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cơ sở xã/phường.

PGS. TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới cũng như thực hiện các quyết định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã cụ thể hóa nội dung, xây dựng kế hoạch hành động của Trung ương Hội theo từng năm, từng nhiệm kỳ, phổ biến đến các cấp Hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; gắn phát triển y học cổ truyền với phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các chính sách về công tác mặt trận của Đảng.

Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đều đã có tổ chức Tỉnh/Thành Hội; 95% quận, huyện có Hội Đông y cấp quận/huyện; 95% xã, phường có Hội Đông y cấp xã/phường. Tổng số hội viên trên cả nước là 69.975 người. Trung ương Hội hiện có 29 đơn vị trực thuộc gồm các bệnh viện y học cổ truyền Trung ương, trường đại học, học viện và các công ty Dược... Cả nước hiện có 69 bệnh viện Y học cổ truyền, trong đó có 65 bệnh viện công lập và 4 bệnh viện tư nhân.

“Hiện nay, Hội đang tiếp tục đẩy mạnh tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, thừa kế những môn thuốc hay, những cây thuộc quý của các ông lang, bà mế, lương y có tay nghề cao, người có bài thuốc gia truyền hiệu quả ở các thôn, xóm, bản, làng. Cùng với đó là tổ chức hội thảo, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tu thư biên dịch, tuyên truyền phổ biến, kết hợp Đông y với Tây y, từng bước xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng Đông y”, Chủ tịch Hội Đậu Xuân Cảnh cho biết.

Cũng theo Thường trực Hội, công tác khám, chữa bệnh của Hội Đông y hiện nay được tổ chức theo các mô hình: 1) Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT), phòng khám YHCT, phòng chẩn chị YHCT cho các đối tượng là lương y, ông lang bà mế; 2) Trung tâm thừa kế ứng dụng YHCT, các khoa YHCT, các cơ sở khám, chữa bệnh từ thiện miễn phí tại Tịnh độ cư sĩ.

Các cấp Hội cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, vận động cán bộ, hội viên tích cực thực hiện công tác khám chữa bệnh thiện nguyện, ủng hộ các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, Chất độc da cam...

Hội đã tham gia có hiệu quả cùng ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Hội đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trên toàn quốc; thành lập Tổ Tư vấn phòng chống dịch; ban hành các quyết định về hướng dẫn sử dụng Y học cổ truyền trong phòng, chống COVID-19; thành lập Ban vận động xây dựng Quỹ phòng, chống COVID-19 của Hội Đông y; tổ chức trao tặng quà tại các bệnh viện dã chiến và tuyến đầu phòng, chống dịch; chỉ đạo hội viên là các thầy thuốc Đông y, nhân viên các bệnh viện Y học cổ truyền tuyến Trung ương và địa phương sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại cuộc làm việc, Thường trực Hội cũng kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhiều vấn đề trên cơ sở nêu ra một số khó khăn, bất cập:

Thứ nhất, đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Cũng như các dịch bệnh khác do virus gây ra, Đông y chưa được chỉ đạo tham gia phòng, chống COVID-19 ngay từ khi dịch bệnh này mới phát sinh. Chưa có thuốc Đông Y được cấp số đăng ký để tham gia điều trị COVID-19.

Thứ hai, hội viên Hội Đông y hành nghề được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng hoạt động khám, chữa bệnh do các lương y thực hiện chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán.

“Không ai phủ nhận được việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Hiện nay tổng số tiền Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho khám chữa bệnh là hơn 120 nghìn tỷ mỗi năm, nhưng trong đó chi cho y học cổ truyền chỉ chiếm 1%...”, Chủ tịch Hội Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh.

Thứ ba, Thông tư 29/2015/TT-BYT của Bộ Y tế còn một số vấn đề bất cập trong việc sát hạch cấp và cấp lại chứng chỉ hành nghề khiến lương y gặp nhiều khó khăn. Luật Khám chữa bệnh quy định có 2 đối tượng được khám, chữa bệnh là bác sĩ và lương y, tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ sở đào tạo lương y, lương dược; Luật Dạy nghề và Luật Giáo dục đại học đều chưa đề cấp đến vấn đề đào tạo lương y.

Thứ tư, Hội Đông y chưa được tham gia phản biện các đề án về nuôi trồng dược liệu và việc các hội đồng cấp số đăng ký thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu.

Thứ năm, cho đến nay vẫn chưa có quy định về tổ chức công tác khám, chữa bệnh tại các cấp Hội. Công tác phát triển dược liệu ở các cấp Hội cũng hạn chế. Chưa có quy định về hoạt động kinh tế ở các cấp Hội. Việc thành lập công ty để cung cấp các dịch vụ về khám, chữa bệnh, sản xuất thuốc, đào tạo, tư vấn thuộc các tổ chức Hội còn thiếu quy định cụ thể, chưa rõ ràng...

GS. TS. Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đông y Việt Nam gắn liền với công cuộc đấu tranh và bảo vệ giống nòi của dân tộc Việt Nam, trải dài theo hàng ngàn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, nền Đông y nước nhà được Đảng và Nhà nước xem là một bộ phận di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trên suốt chặng đường lịch sử 76 cách mạng (kể từ ngày 22/8/1946), nền Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển và ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong nền Y học cách mạng Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, liên quan đến nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam, như: Quyết định 222/2003/QĐ-TTg ngày 3/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chính sách quốc gia về y dược cổ truyền đến năm 2010”; Chỉ thị 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; Quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030... Các văn bản pháp quy thể hiện sự tiếp nối có tính nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển nền y dược cổ truyền nước nhà; đồng thời khẳng định vị trí quan trọng của Hội Đông y Việt Nam, đúng như Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư đã xác định: “Hội Đông y Việt Nam có vai trò nòng cốt trong phát triển nền Đông y Việt Nam”. Đây chính là những cơ sở pháp lý để Hội phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động phát triển nền Đông y nước nhà và làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cùng với biểu dương, khái quát những kết quả, thành tích nổi bật của các cấp Hội, hội viên thời gian qua, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng, phát triển Hội và những vấn đề liên quan đến khám, chữa bệnh bằng thuốc Đông y. Trước một số vấn đề gây bức xúc dư luận, như quảng bá tràn lan, “thổi phồng” công năng “chữa bách bệnh” từ dược liệu Đông y trên mạng xã hội, Hội Đông y Việt Nam cần có kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý hội viên, góp phần cùng với các cơ quan chức năng chấn chỉnh những tiêu cực. 

Trong thời gian tới, đồng chí Phùng Xuân Nhạ đề nghị Hội Đông Y Việt Nam cần quan tâm đến 5 vấn đề:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; không ngừng nâng cao nhận thức của cấp uỷ các cấp trong vận dụng, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nền Y học cổ truyền, qua đó nâng cao vị thế và trách nhiệm của Đông y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hai là, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức Hội; củng cố, kiện toàn lãnh đạo Hội các cấp từ Trung ương đến cơ sở để xây dựng lực lượng vững mạnh, tập hợp trí tuệ về Đông y; khích lệ động viên, tạo điều kiện cho các thầy thuốc Đông y hoạt động, phát triển. Sát sao nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động khám chữa bệnh và công tác của hội viên.

Ba là, quan tâm chỉ đạo, khắc phục tình trạng “loạn thần y”, kiểm soát các sản phẩm Đông y bị “thổi phồng công năng” gây mất uy tín; Trung ương Hội chỉ đạo các cấp Hội địa phương tăng cường phối hợp cùng các cơ quan, lực lượng chức năng rà soát các trường hợp hành nghề khám chữa bệnh Đông y tại địa phương.

Bốn là, nghiên cứu phát triển dược liệu đóng gói sản phẩm; từng bước triển khai các mô hình hoạt động kinh tế, gắn phát triển y học cổ truyền với phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế - xã hội. Tiếp tục nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả khoa học của Đông y trong điều trị “hậu COVID-19”.

Năm là, nền Đông y nước nhà là tài nguyên vô giá, nhưng vẫn chưa được khai thác tốt nhất những tiềm năng sẵn có. Trước mắt, cần quan tâm hơn nữa đến việc kết hợp “phát triển song hành” Y học cổ truyển và Y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Các đại biểu tham gia cuộc làm việc chụp ảnh lưu niệm.

Về những khó khăn, bất cập và đề xuất, kiến nghị nêu ra tại cuộc làm việc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y, công tác đào tạo, việc tham gia phản biện các đề án về dược liệu... đồng chí Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thường trực Hội tổng hợp, xác định cụ thể bằng văn bản, để trên cơ sở đó đơn vị chức năng sẽ tham mưu. Sau đó Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có ý kiến với Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... và cùng nhau tháo gỡ./.

Tin, ảnh: Thế Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất