Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam gây ảnh hưởng sâu sắc tới toàn xã hội, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.
Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng của trẻ em. Ước tính có 7,35 triệu học sinh các cấp phải học trực tuyến thuộc 26 tỉnh, thành phố. Trong đó, việc học tập của nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn, do các em thiếu phương tiện để duy trì việc học tập trực tuyến…
Theo thống kê, đến nay cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, tập trung nhiều nhất ở TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam. Đây là vấn đề sẽ tác động lâu dài và ảnh hưởng đến việc phát triển sau này của trẻ em. |
Đại dịch COVID-19 còn tác động nhiều chiều đến trẻ em như đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em; làm gián đoạn trong học tập và gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè.
CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM LÀ VẤN ĐỀ CÓ TÍNH CHIẾN LƯỢC
Phát biểu tại hội thảo, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trẻ em là nguồn hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của mọi công dân và mỗi gia đình. Đảng ta đã khẳng định: “Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em”; “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em- tương lai của đất nước”.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra những điều kiện để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Công tác trẻ em trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng, như cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi; trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng và trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; không thu học phí đối với học sinh tiểu học; triển khai các hoạt động học tập trực tuyến cho trẻ em trong thời gian đại dịch COVID-19, huy động toàn bộ lực lượng của ngành Giáo dục để hỗ trợ, duy trì học tập cho các em; triển khai Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, ...
|
Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ở mức cao; trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục và bạo hành vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, gây bức xúc trong xã hội. Vẫn còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế và đời sống xã hội, nguy hại đến sinh mạng, sức khoẻ của nhân dân.Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc COVID-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai. Nhiều trẻ em đã mắc COVID-19 hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp, phải cách ly tập trung. Đặc biệt, nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình có nguy cơ đói nghèo, làm tăng số lao động trẻ em. Trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ tỷ lệ bỏ học khi hết dịch COVID-19, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, cần tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đặc biệt là xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới, cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn để tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW,ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
NHIỀU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP TÂM HUYẾT CỦA CÁC CHUYÊN GIA
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nhiều mặt tới đời sống, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến trẻ em. Trong đó có việc hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ; phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về trẻ em, triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch COVID-19; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đó chú trọng triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em. Đặc biệt, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các văn bản của Ủy ban Quốc gia về trẻ em chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam Rana Flowers đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những tác động rất lớn trên toàn cầu. Bà hi vọng sẽ có sự tăng cường đầu tư các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em, từ đó mang lại những thay đổi tích cực cho trẻ em trong thời gian tới. Trong các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, bà Rana Flowers nhấn mạnh tới hệ thống trợ giúp xã hội, công tác giáo dục, y tế,cũng như lực lượng tham gia công tác xã hội...
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 với các nội dung liên quan đến trẻ em, đặc biệt là triển khai thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em; tăng cường nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã thông qua mô hình "Mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em"...
Kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, bộ ngành liên quan tham mưu đề xuất với Đảng và Nhà nước những nhiệm vụ cụ thể, những giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc các gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.../.
Nhật Minh