(TG)- Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) mang yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp hiện nay. Điều này góp phần gia tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giúp các doanh nghiệp trong nước tự tin “đón đầu” những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh toàn cầu hóa, đặc biệt khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
KH&CN – thúc đẩy năng suất, chất lượng
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore, mức tăng năng suất lao động (NSLĐ) được quyết định bởi ba yếu tố có sự tương tác qua lại với nhau. Đó là tăng lượng máy móc thiết bị đầu tư cho mỗi người công nhân; nâng cao trình độ kỹ năng của người lao động và tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) thông qua cải tiến kỹ thuật, năng lực quản lý và môi trường kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc đầu tư máy móc thiết bị còn hạn chế, khoảng cách công nghệ và trình độ quản lý so với thế giới còn khá xa, cơ hội thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua khai thác động lực KH&CN là rất lớn. Đầu tư vào máy móc thiết bị tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất, cập nhật kiến thức và bí quyết công nghệ từ các nước phát triển là kênh chủ yếu của doanh nghiệp trong khai thác động lực này. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở và cải thiện môi trường kinh doanh của chính phủ cũng giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động đồng thời tăng năng suất lao động.“Chiến lược KH&CN quốc gia và chính sách công nghiệp có vai trò quan trọng trong tạo các yếu tố tiền đề và khích lệ các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác KH&CN để nâng cao sức cạnh tranh của mình” - PGS. TS Vũ Minh khương nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, Việt Nam đang trên đà cải thiện năng suất mạnh mẽ, tuy nhiên khoảng cách về năng suất của chúng ta so với các nước phát triển còn khá xa. Tại Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2014, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trung bình là 25,82%, với mức tăng hàng năm là 1,44%, con số này có thể xem là mức thấp so với các nước trong khu vực. “Trên thực tế, Việt Nam là nước đang phát triển, nên ở giai đoạn này tăng cường vốn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Chúng ta chưa đặt mục tiêu về NSLĐ nhưng đã có các mục tiêu về năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) - chỉ tiêu có liên quan chặt chẽ tới NSLĐ. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đặt mục tiêu đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp hoạt động KH&CN sẽ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế”. Ông Tuấn cho biết.
Cũng theo PGS.TS Vũ Minh Khương, sự thành công thần kỳ của các nước Đông Á về phát triển kinh tế, có thể kể tới Nhật Bản, dựa trên những mẫu thức khá giống nhau, trong đó KH&CN được coi là động lực chủ đạo. Thực tế cho thấy, quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực KH&CN sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Hàn Quốc là một quốc gia có nhiều đặc điểm tương đồng để Việt Nam học hỏi. Trong giai đoạn “ba thập kỷ” tăng trưởng cao nhất (1965 – 1995), Hàn Quốc tăng thu nhập đầu người 8,4 lần. KH&CN đóng vai trò là động lực mạnh mẽ trong công cuộc phát triển của quốc gia này. “Ngay cả khi thành một nước công nghiệp phát triển, Hàn Quốc vẫn là nước hàng đầu trong nỗ lực đầu tư vào KH&CN và đạt mức tăng năng suất lao động và năng suất tổng hợp cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển” ông Khương khẳng định.
Hiệu quả từ ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 phê duyệt Chương trình Quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" – Chương trình 712.
Qua báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHC&N), việc triển khai Chương trình 712 với các mục tiêu: xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực; 60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020,…
Hiện tổng số doanh nghiệp được lựa chọn, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý (HTQL), mô hình công cụ cải tiến năng suất chất lượng (NSCL) trong giai đoạn 2012 – 2015 là 1.137 doanh nghiệp. Tính đến 31/5/2015, hơn 500 khóa đào tạo, hướng dẫn, tư vấn cho khoảng 7.500 lượt cán bộ đã được thực hiện tại các doanh nghiệp; có 778 doanh nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL như: ISO 50001; ISO 31000; ISO 14000; ISO 22000,…
Qua đó, việc tham gia các dự án cải tiến năng suất chất lượng, ý thức, kỹ năng người lao động được nâng cao, tăng cường khả năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp, phân tích quá trình phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật,…
Đánh giá hiệu quả sản xuất từ việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, Giám đốc C.ty TNHH May Nhân Hưng (Tổng C.ty Đức Giang) Nguyễn Ngọc Khanh cho biết, năng suất lao động của C.ty tăng 30% nhờ áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (LEAN), trong đó có việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001, kết hợp thực hiện tốt 5S,… Các sản phẩm của C.ty luôn đáp ứng tốt nhu cầu đòi hỏi của một số thị trường được coi là khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU,…. Điều này đồng nghĩa với tạo thu nhập ổn định cho hơn 2.500 lao động của địa phương cũng như đảm bảo tốt việc tham gia tích cực vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác từ thiện tại địa phương.
“Đặc thù trong ngành may cần nhiều lao động trực tiếp tham gia vào sản xuất nhưng phần lớn lao động có trình độ thấp, quá trình hoạt động đã tạo ra khá nhiều lãng phí trong sản xuất. Do đó, C.ty đã áp dụng mô hình quản lý LEAN nhằm giảm thiểu tối đa lãng phí trong sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người lao động”.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Tổng giám đốc Cty CP MIZA cho biết, sau khi áp dụng ISO 9001:2008, năng suất lao động đã tăng 1,16%; chi phí giảm đi rõ rệt do hoạt động tuyên truyền tiết kiệm (tiết kiệm điện, nước,...) được phổ biến liên tục. Tỷ lệ sản phẩm/dịch vụ bị lỗi khi đến tay khách hàng giảm 5% so với trước khi áp dụng ISO 9001:2008 do luôn có sự phản hồi khách hàng kịp thời. “Năng suất tăng, sản lượng tăng, chi phí nguyên vật liệu, năng lượng giảm dẫn đến doanh số tăng 0,5% và kéo theo lợi nhuận tăng 0,5% sau khi áp dụng ISO 9001:2008,...” ông Minh cho hay.
Dù đạt được những kết quả khả quan trong thời gian qua, song hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đối với các doanh nghiệp vẫn còn gặp một số tồn tại nhất định. Báo cáo của Tổng cục TĐC cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải là khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu để xác định được nguyên nhân của các vấn đề chưa phù hợp, từ đó đề xuất và thực hiện hoạt động cải tiến một cách hiệu quả. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường buông lỏng việc theo dõi, ghi chép, thống kê, giám sát, đánh giá nội bộ để duy trì hiệu lực của hệ thống quản lý hoặc công cụ đã được áp dụng. Điều này đã gây ra những bất cập và khó khăn trong việc quản trị, điều hành doanh nghiệp, khiến không ít doanh nghiệp lung túng dẫn đến ít mặn mà với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động./.
Hoàng Phiêu