Những công trình mang tính ứng dụng cao
PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà sinh năm 1952. Bà đạt học vị Tiến sĩ khi mới 31 tuổi và được phong học hàm Phó Giáo sưsau 14 năm. Trước khi công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà trải qua quá trình đào tạo nhiều năm tại nước ngoài: Tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ), chuyên ngành sinh học năm 1975, lấy bằng tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary; làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo từ năm 1985-1995... Các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của bà là công nghệ sinh học, di truyền phân tử, tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường.
Nhiều công trình nghiên cứu của PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà và các đồng nghiệp thực hiện đã mang lại hiệu quả cao trong đời sống xã hội. PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà cho biết: Những năm tu nghiệp ở nước ngoài là điều kiện để tôi được theo học và giúp việc những Giáo sư nghiên cứu hàng đầu thế giới về di truyền phân tử. Khi về Việt Nam tôi may mắn nhận được sự tạo điều kiện, quan tâm của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; được hợp tác với những người đồng nghiệp nhiệt tình, đầy trách nhiệm. Điều đó đã góp phần tạo nên những công trình khoa học có giá trị.
Trong hoạt động khoa học công nghệ của mình, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà đã đầu tư nhiều công sức, cùng với học trò và đồng nghiệp sáng tạo nên bốn công trình có tác dụng làm sạch môi trường ô nhiễm dầu, dioxin, mang tính ứng dụng cao do thân thiện môi trường và chi phí thấp.
Đáng chú ý, phải kể đến chuỗi công trình nghiên cứu (bao gồm 12 đề tài, dự án) xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại các điểm nóng Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học được thực hiện trong 10 năm, từ năm 1999 đến năm 2009.
PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà tự hào cho biết: Chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam. Chúng ta đã tạo ra công nghệ thông qua sự kết hợp giữa chôn lấp và xử lý bởi "nuôi" quần xã vi sinh vật bản địa bằng những "thức ăn", phụ phế liệu nông nghiệp dễ kiếm, cho chúng sinh trưởng và hoạt động phân hủy, chuyển hóa và khoáng hóa chất độc ở các điều kiện thích hợp và công nghệ này được gọi là "Chôn lấp tích cực".
Với kết quả này, ''Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học'' đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế cho Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiện Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được Chính phủ cho phép lập dự án để mở rộng quy mô.
Gần đây, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà và các đồng nghiệp đã nghiên cứu ra công nghệ chuyển hóa phụ phế liệu nông nghiệp và chăn nuôi thành compost có chất lượng đáp ứng cho tạo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Công nghệ chuyển hóa phụ phế liệu nông nghiệp bằng vi sinh vật ưa nhiệt và chịu nhiệt sử dụng nguyên liệu đầu vào là thân cây ngô, cỏ, rơm rạ, phân gia súc, gia cầm thành compost chất lượng cao để tạo sản phẩm hữu cơ trong sự kết hợp với các nhóm vi sinh vật chức năng từ nguồn vi sinh vật bản địa và các chiết suất từ mẫu sinh phẩm thiên nhiên Việt Nam.
Học là rút kinh nghiệm từ những thất bại
Bên bề lễ trao giải thưởng, bà Hà chia sẻ: Nhận được giải thưởng không phải là để tự hào và dừng lại, với tôi, đó lại là sự bắt đầu của một hành trình mới, tiếp tục dấn thân cho khoa học. Bà cho rằng, cũng như nam giới, nữ giới làm khoa học cũng phải đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là nghiên cứu khoa học trong môi trường Việt Nam nhưng lại đòi hỏi chất lượng công nghệ hoặc những bài nghiên cứu chất lượng đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới. Hoặc nhiều khi dấn thân vào nghiên cứu cái mới, nhiều khi đồng nghiệp không ủng hộ ngay.
Nhưng nếu ngại khó, người Việt không ai làm thì sẽ chẳng ai làm cả. Quan trọng nhất đòi hỏi người nghiên cứu khoa học phải từng bước vượt qua khó khăn, trở ngại. Nếu thiếu kinh phí thì mình phải thuyết phục và khi có rồi phải tiết kiệm tối đa nhất. Nếu đồng nghiệp không ủng hộ thì mình sẽ tìm những người sẽ đi “dòng trong” với mình. Nếu làm được như vậy gánh nặng của mình sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Chia sẻ với những nhà khoa học nữ trẻ tuổi, bà cho biết: Dù có rất nhiều học trò tôi nhưng chưa bao giờ khuyên các bạn trẻ hãy học tôi, lấy tôi làm tấm gương học hỏi, mà tôi sẽ nói, các bạn hãy rút kinh nghiệm từ những thất bại, những thứ tôi chưa đạt được trong nghiên cứu khoa học để tìm hướng đi ngắn hơn, thành công hơn.
Khoa học không giống như nhà máy, cứ đến ngày đến giờ là vào sản xuất. Khoa học rất cần sự sáng tạo, sáng tạo rất nhiều, liên tục, muốn như vậy nhà nghiên cứu cần đọc, cần đi thực tế rất nhiều. Phụ nữ muốn thành công trong nghiên cứu khoa học rất cần một hậu phương vững chắc, ủng hộ, đồng thuận. Tuy mất nhiều thời gian cho công việc, những người phụ nữ không được quên vun đắp cho tổ ấm của mình, không quên thiên chức của mình. Một vai hai, ba gánh, cố gắng. Do đó tôi khuyên các bạn nữ hãy lường trước mọi khó khăn, thách thức, năng lực của mình trước khi dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học.
Cống hiến hết mình cho khoa học, PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà đã được nhận giải Nhất Giải thưởng VIFOTEC 2001; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Môi trường (2001); Bằng khen của Thủ tướng chính phủ do đạt giải thưởng cao Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (2005); Huy chương Vàng và Bạc “Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế” tổ chức tại Hàn Quốc (2012) và nhiều Huy chương quốc tế khác...