Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học công nghệ (KHCN) ngày càng có vị trí quan trong, là nguồn lực và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Thủ đô Hà Nội trong những năm đổi mới vừa qua, nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008 đến nay, đã và đang ngày càng chú ý đầu tư phát triển KHCN tạo cơ sở cho phát triển bền vững Thủ đô. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số nhưng Hà Nội năm 2020 đóng góp trên 16% GDP, hơn 18,5% thu ngân sách, khoảng 20% nguồn thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cho Việt Nam, “diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện địa hơn” và chất lượng sống của người dân được nâng cao. Có được thành tựu to lớn đó là có sự đóng góp quan trọng của KHCN. Vai trò của KHCN đã và đang thực sự trở thành đòn bẩy, động lực thúc đẩy phát triển Thủ đô.
VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG PHÁT TRIỂN XÃ HỘI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Thủ đô Hà Nội, ngoài vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, ngoại giao, còn là trung tâm lớn về KHCN. Hà Nội có tiềm năng, lợi thế rất lớn về KHCN, đứng đầu cả nước về những yếu tố thuận lợi để phát triển KHCN. Hà Nội tập trung 3 "cái" nhất về KHCN. Một là, Hà Nội có hạ tầng KHCN mạnh nhất, nhiều trung tâm nghiên cứu, số lượng nhà khoa học nhiều nhất và đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tiềm lực KHCN quốc gia. Hà Nội chiếm hơn 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước, khoảng 82% phòng thí nghiệm trọng điểm, hơn 65% số giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ của cả nước, gần 105 tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Hai là, nguồn lực đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo của Hà Nội cũng cao nhất cả về đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Ba là, Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm “đầu ra” của nghiên cứu khoa học cũng như số lượng công bố quốc tế. Tác động của KHCN với phát triển xã hội và năng suất lao động của Hà Nội cũng ở mức cao nhất.
Với tiềm lực lớn về KHCN như vậy, trong những năm qua, KHCN đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô nói chung và phát triển về mặt xã hội của Thủ đô nói riêng. Sự đóng góp của KHCN Thủ đô khá đa dạng, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp vào sự đổi mới, phát triển bền vững xã hội Thủ đô trên các khía cạnh chính sau:
Một là, KHCN với vai trò, chức năng của mình đã tạo lập cơ sở, căn cứ cho hình thành chủ trương, chính sách phát triển của Thủ đô phù hợp với xu thế phát triển chung, khai thác được các tiềm năng lợi thế của Thủ đô, luôn dẫn đầu trong triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, giải quyết hài hoà các vấn đề xã hội trong tiến trình phát triển.
Trong tiến trình phát triển của Thủ đô, KHCN luôn đóng vai trò tiên phong, nghiên cứu khảo sát, tổng kết xây dựng các căn cứ khoa học cho xác lập các định hướng phát triển của thành phố. Một trong những dấu mốc quan trọng là hình thành cơ sở khoa học cho mở rộng thành phố năm 2008. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH 12, ngày 29/5/2008 về mở rộng địa giới thành phố Hà Nội và sự phát triển mạnh mẽ, với diện mạo mới từ những con đường ngày càng khang trang, hiện đại hơn nhờ hàng loạt dự án giao thông, khu đô thị mới hình thành đến kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, công cuộc xây dựng nông thôn mới với số xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng đầu cả nước. Riêng trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông luôn được giữ vững, nước sạch được bảo đảm cung cấp liên tục… An sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, đặc biệt bảo đảm tốt an sinh xã hội trong điều kiện bùng phát đại dịch Covid-19. Những kết quả đó khẳng định sự tham mưu đúng đắn của KHCN cho việc thông qua chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.
Sự đóng góp của KHCN thành phố được thể hiện ngay từ khi hình thành chủ trương phát triển lớn của thành phố thông qua xây dựng và thực hiện các công trình nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ thành phố qua các nhiệm kỳ. Việc tham mưu, tư vấn xây dựng và thúc đẩy các Chương trình nghiên cứu này được xem là một trong những điểm rất đáng chú ý về việc coi trong vai trò của KHCN và đồng thời cũng là phương thức đóng góp thiết thực của KHCN cho sự phát triển của thành phố nói chung, trong đó có phát triển lĩnh vực xã hội.
Hai là, sự đóng góp của KHCN Thủ đô chính là việc triển khai các chương trình KHCN hiệu quả, giải quyết tốt các vấn đề đặt ra từ thực tiễn phát triển xã hội của Thủ đô. Các kiến nghị của hệ thống các chương trình đề tài đã mở ra các cơ chế, phương thức cho giải quyết các vấn đề xã hội, từ vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo cho đến bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội.
Chỉ tính từ năm 2016 đến 2020 đã triển khai 346 nhiệm vụ KHCN cấp thành phố (trong đó 212 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ, 84 nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn, 50 dự án sản xuất thử nghiệm) với tổng kinh phí là 633.092 triệu đồng, (trong đó kinh phí ngân sách nhà nước là 454.837 triệu đồng, nguồn đối ứng là 178.255 triệu đồng). 100% dự án sản xuất thử nghiệm và trên 85% kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được ứng dụng vào thực tiễn.
|
Kết quả của các nhiệm vụ KHCN đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trên các lĩnh vực. Điều đáng chú ý là việc hình thành các nhiệm vụ KHCN có sự phối hợp chặt chẽ 2 chiều, từ việc đặt hàng của cơ quan quản lý trước các vấn đề có tính định hướng phát triển của thành phố và hệ các vấn đề đặt ra từ thực tế do các cơ quan, đơn vị đề xuất gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn thuộc ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý. Sự kết hợp này đã nâng cao ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn của các đề tài KHCN được tiến hành.
Sự đóng góp của các hoạt động KHCN vào thực tiễn phát triển xã hội thành phố là khá ấn tượng. Trong lĩnh vực y học đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại (công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ sinh học phân tử, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại...) thay thế nhập ngoại để nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đồng thời nghiên cứu kết hợp ứng dụng kỹ thuật y học truyền thống và y học hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và đề xuất các giải pháp tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo - văn hoá, thể thao và du lịch có các công trình tập trung nghiên cứu hệ thống các giá trị lịch sử - văn hoá đã và đang tạo nên bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội; xác định hệ quan điểm, phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống; Xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại, xác lập các giá trị văn hoá mới của Thủ đô trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hội nhập phát triển với khu vực và thế giới. Đưa các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học. Tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Trong lĩnh vực quản lý môi trường, Hà Nội ứng dụng KHCN để đưa ra các giải pháp giúp kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, áp dụng các công nghệ thích hợp xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, ô nhiễm sông, hồ, ô nhiễm tại các làng nghề và rác thải y tế tại các bệnh viện. Thủ đô đã quy hoạch 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao đang trong quá trình hoàn thành, những nhà máy trên được trang bị công nghệ lò đốt - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, bảo đảm cho việc rác thải bị đốt cháy hoàn toàn và có khả năng thu nhiệt để phát điện. Bên cạnh đó còn có các công trình nghiên cứu đề xuất về mô hình quản lý xã hội của thành phố, về vấn đề giải quyết xung đột lao động, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, vấn đề giải phóng mặt bằng…
Ba là, những kết quả từ nghiên cứu KHCN đã được ứng dụng vào trong thực tiễn, góp phần hợp lý hoá sản xuất, giảm giá thành, hình thành các sản phẩm mới trong hoạt động kinh doanh sản xuất, đưa lại gia tăng mức canh tranh và năng xuất lao động cũng như thu nhập của người lao động. Điều này đã thúc đẩy quá chính chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng tích cực.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các đề tài, dự án ngày càng cao. Chính sự phát triển hệ thống sản xuất của thủ đô đã làm gia tăng nhu cầu lao động, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Theo Sở lao động Thương binh và xã hội, trong giai đoạn 2015-2020, mỗi năm Hà Nội giải quyết việc làm mới cho hơn 154.000 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Trong 5 tháng đầu năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn thành phố vẫn giải quyết được việc làm cho gần 79.000 người, đạt 49,1% kế hoạch cả năm.
Một trong những đột phá làm thay đổi diện mạo xã hội đô thị Thủ đô, đó là việc “khớp nối” các nút giao thông, xây dựng và quy hoạch của Hà Nội với các vùng lân cận; quy hoạch và cải tạo các khu chung cư cũ, phát triển tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội xưa và nay; nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô. Tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô; các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông vận tải cá nhân, phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội, xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông đô thị của các dự án phát triển đô thị điển hình trên địa bàn thành phố.
Xây dựng thành phố thông minh là ứng dụng thành tựu của KHCN để giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị. Để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội bắt đầu bằng giao thông thông minh. Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking) tại một số tuyến phố, như Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (thuộc quận Hoàn Kiếm) và một số tuyến thuộc quận Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. .. Mô hình thành phố thông minh do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) phát triển là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới, thậm chí vượt hơn các tên tuổi lớn như China Telecom Global, KT Corporation, ZARIOT secured SIMs trong cùng hạng mục. Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, Hà Nội có nhiều nghiên cứu đưa ra các giải pháp giúp kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường, áp dụng các công nghệ thích hợp xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, ô nhiễm sông, hồ, ô nhiễm tại các làng nghề và rác thải y tế tại các bệnh viện.
Trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội triển khai Dự án đô thị thông minh với tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD trên diện tích 272ha. Dự án sẽ áp dụng nhiều công nghệ thông minh với 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự án sẽ được hoàn thành năm 2028.
Việc ứng dụng KHCN trong xây dựng chính quyền số và xã hội số thể hiên kết quả qua Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung trên một hệ thống, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91%; Hà Nội đã hoàn thành công tác đo đạc bản đồ số tại 27 quận, huyện, quét cơ sở dữ liệu nguồn gốc đất đai được 82%; hoàn thành tích hợp, kết nối 249/249 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hà Nội cũng tích cực ứng dụng KHCN giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo nên các thành tố xây dựng thành phố thông minh, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống thông minh trong một số lĩnh vực “nóng”, như: giao thông, du lịch, y tế, môi trường. Đặc biệt, sự thành công của Hà Nội trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua có sự góp phần quan trọng của các nền tảng thông minh. Có thể thấy, Hà Nội là điểm sáng trong đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin. Hằng năm, thành phố triển khai các kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin đúng lộ trình, chuẩn hóa, với nhiều chỉ tiêu cao hơn Chính phủ giao. Nhờ những bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chính quyền điện tử tại Hà Nội đã cơ bản hình thành, làm cơ sở nền tảng xây dựng thành phố thông minh.
Bốn là, hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ của thành phố ngày càng có ý nghĩa và đóng góp quan trọng trong sàng lọc các công nghệ phù hợp với sự phát triển của thành phố. Trên thực tế đã có thời kỳ nhiều dự án đầu tư với trình độ công nghệ thấp đã gây ảnh hưởng không chỉ đến năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tác động xấu với môi trường, làm nảy sinh không ít hệ lụy về mặt xã hội. Trong những năm qua, nhất là 10 năm lại đây, hoạt động này ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu của thành phố về việc thẩm định, đánh giá trình độ công nghệ cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Qua đó giúp thành phố và chủ đầu tư lựa chọn những công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn môi trường, lựa chọn được công nghệ, thiết bị phù hợp tiên tiến, tiết kiệm chi phí, an toàn trong sản xuất, được thành phố và các sở, ngành đánh giá cao. Quan điểm lựa chọn dự án có chất lượng phù hợp, không phải kêu gọi đầu tư bằng mọi giá được quán triệt, thực nghiêm, đưa lại hiệu ứng tốt không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả đối với người dân.
Đi liền với thẩm định, đánh gía công nghệ dự án, các hoạt động kiểm tra, giám sát công nghệ sau đầu tư đối với một số doanh nghiệp, dự án cũng được tăng cường. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc nâng cao đóng góp của KHCN vào việc thúc đẩy tăng trường bền vững hoạt động kinh tế-xã hội của Thủ đô. Chẳng hạn gần đây nhất thành phố đã triển khai kiểm tra Nhà máy đốt rác của HTX Thành Công tại Khu xử lý CTR Xuân Sơn, thực hiện tham gia đoàn khảo sát liên ngành hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà tại huyện Đông Anh, tham gia Hội đồng kiểm tra xả thải dự án điện rác Sóc Sơn (Công ty CP Thiên Ý)...
Hoạt động KHCN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của thành phố cũng đã được chú ý và ngày càng có hiệu quả giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát huy các nguồn lực, nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.
Năm là, vai trò của KHCN Thủ đô thể hiện trực tiếp qua hoạt động của các doanh nghiệp KHCN. Hà Nội đã có nhiều cách làm hay khi “ươm tạo” thành công các doanh nghiệp khoa học - công nghệ. Với 110/550 doanh nghiệp KHCN, trên 300 bằng sáng chế và hơn 400 bằng giải pháp hữu ích, Hà Nội đứng thứ hai về số doanh nghiệp KHCN và số bằng kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá trên cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh. Lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp KHCN khá đa dạng và chiếm vị trí quan trọng, chủ lực, có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực khác. Nhiều doanh nghiệp KHCN đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực và đạt được các giải thưởng có uy tín (Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Giải VIFOTEC, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt...). Nhiều sản phẩm công nghệ cao của Thủ đô như công nghệ 4G, 5G, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh đều có đóng góp quan trọng của KHCN. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được đặt tại Hà Nội với hy vọng sẽ thu hút các nguồn lực để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Ươm tạo, phát triển các doanh nghiệp KHCN là hướng đi hợp lý và nhanh nhất để đưa KHCN vào đời sống kinh tế - xã hội. Tiếp theo hướng này, vừa qua Thành phố đã cụ thể hóa việc “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” bằng việc phê duyệt Đề án “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội”. Vườn ươm đặt dưới sự điều hành của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2018 với chức năng tuyển chọn các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có đề án, dự án, ý tưởng đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ thông tin có tính khả thi cao, hỗ trợ nhằm hoàn thiện các ý tưởng và phát triển các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Sáu là, sự liên kết, hợp tác phát triển KHCN nhằm gia tăng nguồn lực và xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Hướng phát triển này cho phép tiếp thu kinh nghiệm nước ngoài, đi tắt đón đầu trong phát triển KHCN, từ đó tạo cơ sở cho nâng cao trình độ công nghệ thành phố cũng như của đất nước góp phần giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề xã hôi, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong những năm qua, hoạt động hợp tác trong lĩnh vực KH&CN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức các hoạt động kết nối cung, cầu, tham gia Techfest, Techmart, TechDemo...; tổ chức các hội nghị, hội thảo với một số Bộ, ngành, tỉnh thành bạn và tham gia một số đoàn công tác nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực KHCN như: Hội nghị giao ban vùng đồng bằng sông Hồng hàng năm, làm việc với chuyên gia Israel về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyên gia Đức về công nghệ xử lý nước thải, tham dự Tọa đàm Việt Nam - châu Âu, làm việc với chuyên gia Đức, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ … Ký kết ghi nhớ hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội...Quá trình hợp tác trên thực tế đã hỗ trợ Hà Nội giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sự đóng góp của KHCN trong phát triển của Thủ đô.
Đóng góp của KHCN cho phát triển Thủ đô nói chung, cho phát triển xã hội nói riêng được thể hiện qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp gần 46% cho tăng trưởng GRDP của Thủ đô, cao hơn cả nước (44,3%). Năng suất lao động đạt 258,3 triệu đồng/lao động (cao gấp 1,65 lần cả nước). Kết quả nghiên cứu KHCN thông qua số công bố khoa học quốc tế của Hà Nội dẫn đầu cả nước với 15.646 công bố (2015-2019), cao hơn gần 2.000 công bố so Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Thời gian qua, hoạt động KHCN đã có những đóng góp quan trọng, ngày càng thể hiện là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển Thủ đô nói chung, phát triển lĩnh vực xã hội nói riêng. Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước thể hiện qua quy mô tiềm lực KHCN, cường độ đầu tư và kết quả hoạt động KHCN. Với những đóng góp của khoa học công nghệ như trên đã góp phần đưa lại sự phát triển hài hoà của xã hội cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế của thành phố. Nhưng kết quả trong phát triển xã hội Thủ đô có thể nhận thấy trên một số các điểm chính sau:
Thứ nhất, cùng với phát triển kinh tế, phát triển xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân đã được cải thiện. Nhiều chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Lĩnh vực lao động việc làm của Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ. Các sàn giao dịch việc làm tại các quận, huyện hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm bình quân cho 154.000 lao động/năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,3%. Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. Hiện tính theo chuẩn nghèo mới của thành phố giai đoạn 2022 – 2025, Hà Nội hiện có 12/30 quận, huyện không có hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,17%. Tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 0,33% theo chuẩn mới (2020); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1%. Đặc biệt, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hiện có 13 huyện và 367/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đứng đầu cả nước.
Thứ hai, hoạt động giáo dục-đào tạo được quan tâm đầu tư. Giáo dục đào tạo Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Hà Nội đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp dạy học trên truyền hình, qua mạng internet và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chất lượng đào tạo.
Thứ ba, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được coi trọng. Hà Nội đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm, cải thiện toàn diện. Thành phố triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; hướng tới bệnh viện vệ sinh, bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp; phát triển úng dụng khoa học kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện trong khu vực.
Thứ tư, đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Việc bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa được tiến hành đồng bộ và có chuyển biến tích cực. Hoạt động văn học, nghệ thuật, giao lưu văn hóa trong nước, khu vực và quốc tế tiếp tục mở rộng, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Thủ đô. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được chú trọng và đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy. Tất cả những kết quả này góp phần nâng cao chỉ số hành phúc của thành phố, khẳng định Hà nội là thành phố của Hoà bình và đáng sống với người dân. Đánh giá chung về phát triển xã hội Thủ đô những năm qua, Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã chỉ rõ: “Sự nghiệp phát triển văn hoá-xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ… đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vẫn luôn dẫn đầu cả nước. Việc quan tâm chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến; các giá trị văn hoá truyền thống ngàn năm văn hiến tiếp tục được giữ gìn, phát huy; các vấn đề an sinh xã hội được thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt”
Với việc chú ý kết hợp phát triển xã hội gắn chặt từng bước và trong từng chính sách với phát triển kinh tế trên cơ sở KHCN và đổi mới sáng tạo, Thủ đô Hà Nội không chỉ tạo ra những kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế mà còn từng bước nâng cao chỉ số phát triển xã hội.
Hà Nội đang đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân, thành phố Hà Nội đã thông qua Chương trình hoàn toàn mới so với các nhiệm kỳ trước hướng tới phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025; trong đó thành phố phấn đấu tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt trên 50%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 40%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố, tỷ lệ người dân được quản lý sức khoẻ đạt 100%, tuổi thọ trung bình đạt 76,5 tuổi…
Bên cạnh đó, chỉ số HDI của Hà Nội cũng tăng qua các năm và hiện là địa phương trong top đầu cả nước có chỉ số HDI cao nhất theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng Cục Thống kê. Báo cáo cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, HDI của cả nước và hầu hết 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng qua các năm. HDI của cả nước tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020 . Theo đó, Việt Nam từ Nhóm các quốc gia, vùng lãnh thổ có HDI trung bình năm 2018 và những năm trước đó đã gia nhập Nhóm đạt mức cao trong năm 2019 và năm 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam trong các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới tăng từ vị trí 118 năm 2018 lên 117 năm 2019. Riêng Hà Nội chỉ số HDI tăng mạnh qua các năm và đạt 0, 799 năm 2020. (mức 0,8 là rất cao). Chỉ số phát triển con người là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người). Đây là kết quả phản ánh sự phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
Với việc gia tăng vai trò của KHCN trong phát triển của Thủ đô nói chung và trong giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy phát triển xã hội bền vững đã thực sự tạo ra diện mạo mới của Thủ đô. Hà Nội không chỉ là Trung tâm chính trị-văn hoá mà còn là một đầu tàu kinh tế, một thành phố vì hoà bình, chất lượng sống của con người ngày càng được nâng cao .
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Mặc dù KHCN đã có những đóng góp lớn cho phát triển xã hội Thủ đô, song KHCN của Hà Nội nhìn chung còn một số vấn đề hạn chế đặt ra cần giải quyết cũng như cần có đầu tư và cơ chế vượt trội để KHCN thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Những những đề đặt ra gắn liền với những hạn chế trong phát triển KHCN và trong sự gắn bó giữa phát triển KHCN với giải quyết các vấn đề xã hội. Cụ thể trên một số khía cạnh như:
Thứ nhất, nhận thức của đội ngũ của các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà quản lý còn hạn chế, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai liên kết với thị trường, với doanh nghiệp.
Trong nền kinh tế thị trường, các kết quả nghiên cứu cần được nhanh chóng chuyển giao, đưa vào hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế không ít các nhà quản lý chưa chấp nhận rủi ro và chưa tin tưởng người làm nghiên cứu khoa học. Do vậy, không chỉ việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước gặp khó khăn mà cả trong quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu và tài sản hình thành qua các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước đều gặp lúng túng. Rõ ràng, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý, chấp nhận rủi ro để thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dựa trên KHCN.
Sự thiếu tin tưởng của các nhà nghiên cứu khoa học với các nhà đầu tư cũng là vấn đề quan trọng. Sự nhận thức, gặp gỡ trao đổi giữa những người có bí quyết khoa học công nghệ và các nhà đầu tư tài chính, các doanh nghiệp cần có sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau. Đội ngũ cán bộ KHCN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đi đầu, đóng vai trò dẫn dắt phát triển của cả vùng Thủ đô.
Hiện còn thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Chưa đáp ứng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới, chuyên giao, nâng cao trình độ công nghệ. Hoạt động kết nối nghiên cứu giữa các nhà khoa học với thị trường và doanh nghiệp nhìn chung còn hạn chế. Thị trường KHCN ở Thủ đô còn nhiều hạn chế, thiếu thông tin và các sản phẩm có giá trị, vai trò của các tổ chức trung gian, tư vấn chuyển giao công nghệ mờ nhạt, nhất là các tổ chức có chức năng xúc tiền, định giá công nghệ.
Hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển KHCN và ứng dụng kết quả KHCN vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt, các chính sách kinh tế (chính sách đầu tư, thuế, đấu thầu) đang cản trở sự hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm KHCN trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường. Thiếu những cơ chế, chính sách thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nhập khẩu công nghệ, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn để nhanh chóng ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Các trung tâm dịch vụ KHCN chưa thực sự phát huy hiệu quả cao trong việc thúc đẩy dịch vụ chuyển giao, tư vấn, định giá, giám định công nghệ.
Thứ hai, đầu tư cho khoa học công nghệ hạn chế so với yêu cầu phát triển. Mặc dù thành phố đã quan tâm nhiều đến phát triển KHCN, song mức đầu tư vẫn còn thấp. Đây cũng là tình trạng chung của các địa phương ở Việt Nam. Tính chung, tỷ lệ chi cho KHCN trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Tỉ trọng chi cho hoạt động KHCN chưa thực sự hợp lý, chi đầu tư còn thấp, chi thường xuyên cao. Mức chi cho một số nhiệm vụ KHCN phục vụ thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chưa tới ngưỡng. Đầu tư công cho KHCN chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Đầu tư cho khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước mặc dù đã được tăng, bình quân mỗi năm tăng 16%, đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng vẫn là một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động KHCN. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển KHCN, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3 – 5% ngân sách. Trong khi đó, hiện nay đầu tư của Hà Nội cho KHCN và đổi mới sáng tạo chưa đạt tới 70% tổng đầu tư và thấp hơn 1% GRDP của Thủ đô. Rõ ràng sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KHCN cũng đã là một thách thức lớn cho KHCN Việt Nam nói chung và KHCN Thủ đô nói riêng.
Thứ ba, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thấp, còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Đông Nam Á. Trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn.
Lực lượng cán bộ khoa học công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn. Chưa tạo được phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, KHCN chưa thực sự gắn chặt với thị trường. Các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Theo ý kiến của các nhà khoa học, KHCN Thủ đô hiện phát triển vẫn còn dàn trải, số lượng đề tài, đề án khoa học ít so với yêu cầu phát triển và đáng chú ý hơn, các chương trình đề tài gắn trực tiếp cho phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội cũng rất khiêm tốn.
Thứ tư, lực lượng KHCN tập trung ở Thủ đô và đã được quan tâm thu hút vào các hoạt động phát triển KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô, tuy nhiên xét về mức độ và quy mô thu hút còn hạn chế so với tiềm năng. Bên cạnh cơ sở công lập, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ngoài công lập còn chưa thực sự được chú ý thu hút. Cùng với đó nguồn lực xã hội đầu tư cho nghiên cứu có tiềm năng lớn cũng chưa được phát huy đúng mức. Hiện Hà Nội có 33 doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KHCN mà riêng năm 2019 đã trích lập được hơn 2.000 tỷ đồng, đúng bằng một nửa chi sự nghiệp KHCN của thành phố 5 năm qua, tức là chỉ cần khơi thông đầu tư KHCN trong doanh nghiệp 1 năm thì nguồn lực cho KHCN sẽ là rất lớn. Đây chính là hướng khai thác nguồn lực cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của thành phố trong những năm tới cần có cơ chế quan tâm thúc đẩy.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
Thứ nhất, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN làm cơ sở nâng cao chất lượng nghiên cứu và hiệu quả ứng dụng KHCN.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá giai đoạn 2020-2025 của thành phố Hà Nội. Có kế hoạch tổ chức đào tạo và đào tạo lại theo nhu cầu của thị trường lao động để Thủ đô sẽ là đầu mối cung cấp chính, chủ yếu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường. Hà Nội có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, cơ quan nghiên cứu có đầy đủ các điều kiện để thực hiện tốt giải pháp này.
Người đứng đầu các cơ quan chuyên ngành phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực KHCN, có sự năng động, sáng tạo và biết tiếp thu ứng dụng công nghệ mới. Xây dựng lực lượng trí thức KHCN đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô hiện tại và trong các giai đoạn kế tiếp. Tập trung vào những giải pháp đầu tư về cơ sở vật chất và con người theo hướng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đẩy mạnh đặt hàng nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nâng cao chất lượng sống của người dân. Chú trọng cơ chế, môi trường hoạt động KHCN cho trí thức thể hiện và phát huy. Không xem nhẹ vai trò quản lý, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các nhà khoa học chủ động trong nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường KHCN Thủ đô. Phát triển KHCN Thủ đô gặp nhiều vướng mắc khi triển khai do khung pháp lý chưa đồng bộ. Nhiều luật, văn bản điều chỉnh hoạt động của các tổ chức thực hiện dịch vụ KHCN gây chồng chéo, khó triển khai. Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, gây cản trở cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư. Đây cũng là rào cản cho các tổ chức muốn góp vốn bằng bản quyền công nghệ vào dự án đầu tư.
Xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá cho KHCN Hà Nội là đòi hỏi cấp thiết. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội đang nghiên cứu để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có vấn đề về phát triển KHCN. Hoàn thiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng trí thức. Đổi mới cơ chế, tạo điều kiện cho nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ; Thúc đẩy hợp tác công-tư trong triển khai dự án công nghệ quy mô lớn.
Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho KHCN còn hạn hẹp thì giải pháp hữu hiệu nhất là đề cao tính minh bạch, khách quan trong quản lý các đề tài và nhiệm vụ KHCN. Vì vậy, cần rà soát và sửa đổi các quy định về xét duyệt, quản lý và đánh giá các nhiệm vụ KHCN theo hướng công khai, minh bạch, khách quan cùng với đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cần đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, cải cách hành chính, thay đổi phương pháp quản lý theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý nhiệm vụ KHCN. Đẩy mạnh đặt hàng từ các cơ quan, sở, ngành của thành phố. Thành tựu của tất cả các ngành đều có dấu ấn của KHCN và đổi mới sáng tạo. Do đó, tạo được hành lang pháp lý phù hợp chính là “chìa khóa” mở cánh cửa cho KHCN và đổi mới sáng tạo thêm sức bật, thật sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực KHCN. Khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho KHCN và đổi mới sáng tạo nhiều hơn. Huy động hiệu quả nguồn lực xã hội và doanh nghiệp để đầu tư phát triển thị trường KHCN. Bởi các doanh nghiệp sẽ là “chủ đầu tư” lớn nhất với lĩnh vực đầu tư phát triển KHCN, do đó cần các cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất của doanh nghiệp, xem đó là trung tâm đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Từng bước tăng chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo trong tổng chi ngân sách; Gia tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp; Nâng cao chỉ tiêu về năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); Gia tăng số đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Cùng với đó có chính sách hiệu quả để tăng cường liên kết giữa các tổ chức KHCN với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường KHCN.
Thứ tư, nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Mục tiêu đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KHCN trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội. tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ và môi trường làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới; chú trọng quản lý, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục; Quan tâm phát triển thị trường KHCN, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy, chuyển giao, làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu, tăng tính thực tiễn, gắn với việc ứng dụng kết quả nghiên cứu; tạo thuận lợi, hỗ trợ cho đơn vị nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo có tập hợp của 3 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Thứ năm, tăng cường phối hợp trong hoạt động KHCN với các tỉnh thành để trao đổi kinh nghiệm, kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết trong quá trình quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ Thủ đô. Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; Tạo cơ chế, chính sách vượt trội thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ cao về cống hiến cho Thủ đô; Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Chủ động hội nhập hợp tác quốc tế, tranh thủ trao đổi, tiếp nhận những thành tựu của thế giới, tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
PGS.TS. Vũ Văn Hà