Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 26/9/2016 8:34'(GMT+7)

Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hiệp quốc: Tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hoa Kỳ ngày 25-9 tại New York, Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị không chính thức giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hoa Kỳ ngày 25-9 tại New York, Hoa Kỳ

 

Trong bài phát biểu tham luận, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày những quan tâm và đóng góp của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế đang nổi cộm hiện nay.

Về tình hình thế giới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh xu thế cải cách, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu nền kinh tế tại nhiều quốc gia và quá trình quốc tế hóa đang tạo ra các cơ hội lớn về thúc đẩy hợp tác, liên kết khu vực và toàn cầu. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại trước việc kinh tế thế giới phục hồi chậm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, các thách thức ngày càng nghiêm trọng về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai, bệnh dịch... đang tác động tiêu cực, sâu rộng tới nhiều quốc gia; tình trạng bất ổn, bạo lực, xung đột, khủng bố gia tăng ở nhiều nơi và tư duy đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi các nước chung tay nỗ lực “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”; đồng thời nhấn mạnh cần tăng cường vai trò của các cơ chế đa phương, nhất là LHQ trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác và hỗ trợ các nước thực hiện thành công những Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, luật pháp quốc tế là yếu tố căn bản cho một kiến trúc an ninh quốc tế ổn định và các chính sách, biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực đang gây căng thẳng, đối đầu, cản trở nỗ lực giải quyết tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, hòa bình, hợp tác và phát triển là những nhân tố cốt yếu để xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tuy nhiên khu vực này lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhất là tại bán đảo Triều Tiên và biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung. 

Về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới; thông báo Việt Nam đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 và sẽ tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Cũng trong ngày 24-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (IAMM). Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng họp phiên đặc biệt về phát triển bền vững, thông qua Tuyên bố chung, trong đó nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và LHQ để phối hợp thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (MDG), xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên tiềm năng và kế hoạch triển khai, kể cả việc xây dựng lộ trình hợp tác. 

Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Liên minh Thái Bình Dương (PA) gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru. Hội nghị đã tập trung bàn biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với PA; thông qua Tài liệu khung về hợp tác ASEAN-PA, trong đó đề ra 4 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là kinh tế, giáo dục và giao lưu nhân dân, khoa học - công nghệ và sáng tạo, phát triển bền vững, đồng thời xác định các hoạt động cụ thể và cơ chế triển khai.

 

Theo: SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất