Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 24/9/2016 21:7'(GMT+7)

Tìm lối thoát cho dòng người di cư

Người nhập cư và tị nạn sống trong các khu lều trại tạm bợ ở Ca-le, Pháp. (Ảnh: Getty Images)

Người nhập cư và tị nạn sống trong các khu lều trại tạm bợ ở Ca-le, Pháp. (Ảnh: Getty Images)

Theo số liệu từ văn phòng của Cao ủy LHQ về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015, thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa và đây là con số cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đáng chú ý, trong số này có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn và 40,8 triệu người di cư. Một thực trạng rõ ràng là nhiều người đã bị chết hoặc bị bóc lột tàn bạo trên đường ra đi tìm “miền đất hứa”. Những người may mắn sống sót, dù có tìm được “bến đỗ tạm thời” thì cũng luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi, thiếu thốn các dịch vụ cơ bản và phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tấn công bạo lực, kỳ thị... 

Nhìn vào những “điểm nóng” trên “bản đồ khủng hoảng di cư” tại châu Âu, ắt hẳn nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Bộ Nội vụ I-ta-li-a cho biết kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã có khoảng 124.500 người di cư đến I-ta-li-a. Đó là chưa kể trong khoảng 3 năm qua, I-ta-li-a đã cứu hơn 400.000 người tị nạn cố vượt Địa Trung Hải để thực hiện hành trình tìm đến “những miền đất hứa”.

Trong bối cảnh các quốc gia láng giềng ở châu Âu thắt chặt an ninh biên giới nhằm ngăn chặn người nhập cư, I-ta-li-a phải đối mặt với làn sóng người di cư ngày càng gia tăng từ các nước xảy ra xung đột ở Trung Đông và châu Phi. Đặc phái viên của LHQ tại Li-bi mới đây ước tính có khoảng 235.000 người di cư đang sẵn sàng từ Li-bi vượt biển Địa Trung Hải để tới I-ta-li-a.

Tại Hy Lạp hiện cũng có khoảng 60.000 người tị nạn và di cư, trong đó riêng tại đảo Lê-bốt (Lesbos) có hơn 5.600 người, vượt hơn 2.000 người so với sức chứa của các trại tị nạn trên đảo này. Hầu hết những người này đang chờ cơ hội đến Đức và các quốc gia giàu có khác ở châu Âu.

Khu vực ngoại ô thành phố Ca-le (Calais), phía Bắc nước Pháp cũng được coi là một “điểm nóng” khi có tới 10.088 người nhập cư hiện đang sống trong các khu lán trại tạm thời hoặc các trung tâm đón tiếp người tị nạn tại đây để chờ cơ hội trốn sang Anh. Mặc dù Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ giải tỏa toàn bộ khu lán trại tạm bợ ở Ca-le và di dời khoảng 7.000 người nhập cư về những trung tâm lưu trú mới trên toàn quốc, song số người nước ngoài di cư đến Ca-le vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Như phát biểu của Thủ tướng Anh Tê-rê-xa May (Theresa May) tại hội nghị ở Niu Y-oóc ngày 19/9, trong số những người nói trên không chỉ có những người tị nạn mà còn có cả những người nuôi hy vọng đến châu Âu để tìm kiếm các lợi ích kinh tế.

Còn theo Tổng thống Bra-xin Mi-xen Tê-mê (Michel Temer), nguyên nhân của làn sóng di cư bắt nguồn từ chiến tranh, đàn áp và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Bởi vậy, giải quyết được các vụ khủng hoảng chính trị cũng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng dịch chuyển của một lượng người khổng lồ, góp phần giải quyết “gốc rễ” của tình trạng người di cư và tị nạn.

Tại hội nghị này, các nguyên thủ quốc gia, các ngoại trưởng của 193 quốc gia thành viên LHQ đã thông qua Tuyên bố Niu Y-oóc, trong đó bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn. Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon), Tuyên bố Niu Y-oóc thể hiện quyết tâm của LHQ hợp sức với tất cả các đối tác thực hiện những cam kết chung bao gồm: Bảo vệ quyền con người của tất cả những người di cư và tị nạn; tăng cường hỗ trợ những quốc gia bị làn sóng di cư và tị nạn ảnh hưởng nặng nề nhất; trợ giúp những người dân đang tuyệt vọng trong các cuộc khủng hoảng kéo dài; bảo đảm trẻ em di cư tị nạn được đi học; cải thiện các hoạt động tìm kiếm và giải cứu người di cư và tị nạn; tăng cường ngân sách viện trợ nhân đạo và tái định cư cho người tị nạn.

Khi mà việc giải quyết “gốc rễ” của cuộc khủng hoảng người tị nạn và di cư vẫn được coi là “nhiệm vụ bất khả thi” vào thời điểm hiện tại, Tuyên bố Niu Y-oóc nếu được triển khai một cách đầy đủ sẽ giúp nâng cao trách nhiệm và sự đóng góp của các quốc gia thành viên LHQ trong việc giải quyết tình trạng người di cư và tị nạn ồ ạt trên thế giới./.

Trung Dũng (QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất