Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 26/2/2009 8:34'(GMT+7)

“Khóc ròng” rau xanh

Rau do người dân Tây Tựu thu hoạch rồi vứt bỏ ven đường.

Rau do người dân Tây Tựu thu hoạch rồi vứt bỏ ven đường.

Rau rẻ như cho

Sau trận mưa ngập lịch sử ở Hà Nội vào tháng 11-2008, tình trạng khan hiếm rau xanh , giá cao “ngất ngưởng” ... xảy ra ở các chợ nội thành. Nông dân ngoại thành đổ xô trồng rau xanh làm cung vượt mạnh cầu gây mất cân đối. Đến thời gian này, số lượng rau tồn đọng quả nhiều làm cho nông dân phải bán tống bán tháo, thậm chí nhổ rau mang về cho lợn ăn cũng không hết. Kinh tế thị trường nghiệt ngã, cái thua thiệt cuối cùng lại đổ lên đầu nông dân một nắng hai sương…

Nông dân trồng rau ở Tây Tựu “khóc ròng, héo úa” theo những vườn rau trồng lên rồi nhổ đi cho trâu, bò ăn. Toàn xã có 60 ha rau vụ đông đến thời kỳ thu hoạch nhưng chỉ tiêu thụ được 1/5 lượng rau. Chị Hoàng Thị Thủy (thôn 2, xã Tây Tựu) tâm sự: “Nhà tôi vừa mất trắng 7 sào hoa vì ngập lụt, tranh thủ trồng rau vụ đông lúc đất trống để gỡ lại ít nhiều từ rau cải ... ai ngờ giờ lại mất thêm lần nữa. Bảy sào rau nếu như giá ngày thường hằng năm phải được từ 30 - 35 triệu, nhưng giờ tôi chỉ mong bán được khoảng 6 triệu lấy lại đủ vốn đầu tư”.  

Tại sao gia đình lại chọn rau cải để trồng mà không trồng các loại rau xanh có gia trị hơn?”- Tôi hỏi. Chị Thủy cho biết: Rau cải được trồng nhiều một phần là do giống rẻ, đầu tư ít, lại dễ trồng nên đâu đâu cũng trồng. Còn những cà chua, su hào, súp lơ, cải bắp ... do không còn thời vụ nên chỉ còn cách chọn rau ngắn ngày để kiếm sống, bù lỗ.
 
Những luống rau bị nhổ bỏ thay bằng những ruộng hoa.
Tây Tựu là vùng chuyên canh hoa và không bao giờ trồng rau. Nhưng năm nay bị đợt ngập lụt hồi tháng 11, toàn bộ diện tích hoa với trên 300 ha bị mất trắng. Lúc đó lại là thời điểm không thể trồng hoa được do đó người dân mới tranh thủ trồng rau vụ đông với sự hỗ trợ giống rau của  huyện, thành phố” - Ông Lê Văn Việt Phó Chủ tịch xã Tây Tựu cho biết.

Giống tình cảnh của người dân ở Tây Tựu, mảnh đất ở Lĩnh Nam cũng gặp phải cảnh “rau thừa, người mua không có”. Sau khi Hà Nội bị ngập lụt vào tháng 11-2008, giá rau xanh tăng lên vùn vụt từ 5 nghìn tăng lên 40 nghìn/mớ rau muống, 10 nghìn/củ su hào, bắp cải cũng 20 nghìn/cân… Hiện nay giá rau giảm xuống từ 10 – 20 lần.  “Rau rẻ đến nỗi đi chợ không buồn mặc cả, một nghìn được ba củ su hào to về ăn cả ngày không hết” - chị Bùi Ngọc Biển một người dân ở Trương Định nói.

Cánh đồng rau ở phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) một trong những vùng chuyên canh rau sạch lớn của Hà Nội với 110 ha trồng rau đang vào thời điểm thu hoạch vụ đông. Những luống rau xanh mướt báo hiệu một mùa rau bội thu với năng suất vượt xa các vụ mùa trước, nhưng người dân lại không có được niềm vui được mùa do giá rau rớt thê thảm.

Anh Nguyễn Văn Vương một người dân xã Lĩnh Nam vẻ mặt rầu rầu: “Rau giờ bán chẳng được bao nhiêu. Hai sào su hào cả giống và thuốc, phân ôi đầu tư hết một triệu, giờ bán hết một sào mới thu được có 800 nghìn. Còn một sào giờ không có khách mua, tiếc công làm hai tháng trời đành thu hoạch về đưa lên chợ bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu, không thì nhổ bỏ!”.

 
Ruộng xu hào bị bỏ.
Cảnh tượng thường thấy những ngày này trên dọc cánh đồng Lĩnh Nam là  những đống rau các loại do nông dân vứt bỏ chồng chất như những đống rác. Nhiều ruộng rau cải người dân còn không đi thu hoạch để mặc cho trổ hoa cao vút. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh Vương nói: Mấy ngày hôm nay bán chỉ được 100 đồng/mớ, nhổ 1.000 bó rau mất 20 nghìn tiền lạt, tiền vé chợ, gửi xe cũng mất thêm chục nghìn. Hơn 200 trăm nghìn là tiền bán cả 2.000 mớ rau mà ba người nhổ cật lực cả ngày, trừ tiền lạt và tiền vé chợ chỉ còn 170 nghìn. Trong khi phải làm cả ngày, 12 giờ đêm mang ra chợ đêm bán và trước đó là hơn 30 ngày chăm sóc. Thà nhổ bỏ đi để trồng loại khác còn hơn mất công, mệt người mà giá chẵng được mấy đồng.

Tại xã Vân Nội (Đông Anh), tình cảnh không mấy khả quan khi hàng chục ha rau ăn lá như cải ngọt, cải chíp, cải cúc... đến kỳ thu hoạch mà không ai mặn khi giá rau xanh rẻ như bèo vậy. “Có mang đi bán cũng chả bõ tiền xăng, đành bỏ đấy hoặc cho người ta cắt về. Nhưng ruộng này cũng chẳng trồng được rau gì ngoài cải” - chị Hằng (thôn Vân Trì) giãi bày. Cải mất giá, còn lại ba sào, chị chuyển sang trồng su hào. Nhưng cứ rét mướt thế này thì còn lâu mới thu hoạch được.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lĩnh Nam, nói: “Hiện tại, HTX chúng tôi mới chỉ thu mua được 1/3 lượng rau sạch của bà con trong phường để cung cấp cho các siêu thị, trường học, tổ chức… còn lại bà con đều phải tự bán ra ngoài. Hiện giá rau mà HTX bán ra có nhích hơn so với người dân bán ở ngoài khoảng 20 - 30 % nhưng trừ các chí phí vẫn lỗ”.

Lượng cung tăng đột biến

Toàn Hà Nội có trên 11.630 ha sản xuất rau xanh, với quỹ đất hạn chế tổng sản lượng rau của Hà Nội chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Do đó hiện tượng thừa rau của Hà Nội là khá đặc biệt.

 
Người dân thu hoạch rau.
Giải thích về việc rau xanh mất giá ông Phạm Ngọc Thạch Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Thông thường vào thời điểm trung tuần tháng hai hàng năm, rau đều hạ giá do cả đồng bằng sông Hồng chứ không riêng gì Hà Nội cùng tiến hành thu hoạch rau vụ đông để chuẩn bị đất cấy lúa vụ xuân”. Việc thu hoạch tập trung vào một thời điểm ngắn với loại rau giống nhau khiến giá rau hạ xuống nhưng mức hạ này chỉ ở mức độ.
Tình hình thời tiết năm nay rất thuận lợi cho xuống rau vụ đông cộng với đợt ngập lụt vừa rồi khiến đất đai trở nên màu mỡ tạo cho vụ rau có năng suất cao. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, sản lượng vụ rau năm nay tăng 7 – 10% so với cùng kỳ các năm. Bên cạnh đó, sau đợt ngập lụt Hà Nội thiếu rau trầm trọng, giá rau tăng cao khiến nông dân có chung một tâm lý rau sẽ đắt vào dịp Tết và đua nhau trồng rau. Chính điều này tạo nên “phong trào” nơi nơi, nhà nhà trồng rau, ngay cả những vùng chuyên canh hoa như Tây Tựu người dân cũng “ồ ạt” trồng rau; mở rộng diện tích trồng rau. Chưa kể nguồn rau xanh từ các địa phương lân cận (Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…) nguồn cung rau xanh tại chính địa bàn Hà Nội đã tăng lên.
Ngoài những yếu tố trên, nhu cầu tiêu thu rau xanh cũng giảm đi phần nào do một số hộ có diện tích đất vườn đã tiến hành trồng rau tự túc trước mức giá tăng cao thời điểm sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội. Trong nội thành, một bộ phận người dân tiến hành ăn rau mầm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (theo thống kê của Tổng Công ty Rau quả, Nông sản chiếm khoảng 1% dân số nội thành). Sự mất cân đối khi lượng cung tăng nhưng cầu lại giảm đi đã tạo nên hiện tượng thừa rau trong thời điểm hiện tại ở Hà Nội.

Quy hoạch vùng rau và bài toán đầu ra

Thành phố Hà Nội có 1.862 vùng sản xuất rau nhưng chỉ có 119 vùng sản xuất rau tập trung (diện tích trên 20 ha) còn lại có tới 1.743 vùng sản xuất rau phân tán chiếm gần 60% diện tích, nó phản ánh rõ tính manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất rau xanh. Ông Phạm Ngọc Thạch cũng thừa nhận “từ trước tới giờ Hà Nội chưa có quy hoạch nào cho những vùng trồng rau, người dân trồng rau một cách tự phát”. Chính những điều này đã khiến cho việc tiêu thụ rau xanh gặp nhiều khó khăn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội mới đây đã trình với thành phố Hà Nội Đề án Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn từ 2009 - 2015. Với đề án này, các vùng rau của thủ đô sẽ được quy hoạch bài bản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ với mục tiêu sẽ đưa sản lượng rau an toàn đạt sản lượng trên 500 nghìn tấn/ năm.
Ông Thạch khẳng định: “Khi đề án này được thực thi ngoài việc chất lượng rau an toàn, đầu ra của sản phẩm cũng sẽ được đảm bảo, điều này sẽ chấm dứt tình trạng rau thừa đổ đi của người dân như trong thời điểm hiện tại”.
Với đề án phát triển rau an toàn, các vùng rau sẽ được đầu tư mạng lưới thủy lợi, người trồng rau sẽ được tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất, có cán bộ kỹ thuật giám sát từng vùng hỗ trợ người dân. Về khâu tiêu thụ, ngoài hệ thống tiêu thụ được xây dựng trên địa bàn Thủ đô, công tác sơ chế và chế biến rau an toàn sẽ đạt từ 30 - 50 % (hiện tại rau xanh hầu như không qua sơ chế, chế biến) chính đây cũng là yếu tố nhằm nâng cao giá thành và giải quyết được lượng rau thu hoạch lớn đồng thời vào thời điểm mùa vụ./.

(Theo: Nguyễn Hoài Lam/Nhân dân ĐT)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất