Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 10/5/2013 22:8'(GMT+7)

Khởi động dự án loại trừ chất làm suy giảm ozone

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/Vietnam+)

Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Hoàng Anh Tuấn/Vietnam+)

Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC (chất làm suy giảm tầng ozone) của Việt Nam được Ban chấp hành Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone phê duyệt giai đoạn một từ tháng 4/2011 với mức hỗ trợ tài chính cho Việt Nam hơn 9,7 triệu USD. Hiệp định của dự án được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và WB ký kết vào tháng 11/2012.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án, cho biết: Các hoạt động chính của dự án này bao gồm loại trừ hoàn toàn sử dụng hơn 500 tấn HCFC – 141b nguyên chất và gần 2.000 tấn polyol trộn sẵn HCFC-141b tại 12 doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt thông qua việc thay thế toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất xốp dùng HCFC-141b sang công nghệ sản xuất xốp sử dụng cyclopentane. Các doanh nghiệp sản xuất này được hỗ trợ 80-90% chi phí chuyển đổi công nghệ sản xuất an toàn cho môi trường.

Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động nhằm giảm tiêu thụ chất lạnh HCFC-22 trong các thiết bị cấp đông, giảm lắp đặt mới các thiết bị cấp đông dùng chất lạnh HCFC-22 trong các kho lạnh của ngành thuỷ sản.

Dự án cũng thúc đẩy giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao hiệu suất năng lượng cho các điều hoà không khí gia đình được sản xuất tại Việt Nam, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo là giảm dần sản xuất điều hoà không khí gia đình sử dụng ga lạnh HCFC-22.

Tăng cường và nâng cao năng lực cho các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và áp dụng các biện pháp chính sách đồng bộ cho việc loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam, tăng cường năng lực cho cơ quan hải quan trong việc kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu các chất HCFC.

Tại hội thảo, đại diện Ban quản lý dự án và WB cũng đã giới thiệu các nội dung, hướng dẫn xây dựng và thực hiện các tiểu dự án loại trừ HCFC - 141b trong sản xuất xốp, nguyên tắc và quy định về đấu thầu của WB. Hội thảo còn giới thiệu kế hoạch quản lý môi trường và báo cáo kiểm soát môi trường của Dự án, các yêu cầu về an toàn trong đấu thầu thiết bị và sản xuất xốp sử dụng công nghệ cyclopentane ở các doanh nghiệp sản xuất xốp.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, giai đoạn hai của dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam cũng sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với WB xây dựng trong các năm 2014-2015 và trình Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal xem xét tài trợ vào năm 2016, triển khai thực hiện vào năm 2017.

Việt Nam tham gia Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994 và đến tháng 1/2010, chúng ta đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn halon. Trách nhiệm của Việt Nam trong các năm tiếp theo là loại trừ hoàn toàn tiêu thụ chất HCFC và dự kiến kéo dài đến năm 2030.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, số liệu tiêu thụ các chất HCFC trung bình trong hai năm 2009-2010 tại Việt Nam khoảng 3.200 tấn HCFC-22 trong sản xuất và dịch vụ điều hòa không khí và làm lạnh, hơn 500 tấn HCFC-141b và gần 7.000 tấn polyol trộn sẵn HCFC-141b trong sản xuất xốp. Lượng tiêu thụ các chất HCFC vẫn tiếp tục tăng và đây là một trong những thách thức lớn với Việt Nam trong việc tuân thủ Nghị định thư Montreal./.

(Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất