Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 18/6/2009 23:10'(GMT+7)

Khởi tố thêm 2 bị can hoạt động chống Nhà nước

Lê Công Định sử dụng tới 7 điện thoại di động (ảnh: CAND)

Lê Công Định sử dụng tới 7 điện thoại di động (ảnh: CAND)

>>>>Bắt giữ Lê Công Định-một hành động đúng đắn vì lợi ích đất nước

Chiều 18/6, cùng một lúc, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) đã họp báo cho biết: Được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt giam hai đối tượng là Trần Huỳnh Duy Thức, quê quán TP Hồ Chí Minh và Lê Thăng Long, quê quán Quảng Ngãi do có hoạt động chống Nhà nước, phạm vào Điều 88 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Lê Công Định ký vào biên bản khám xét (ảnh: CAND)

Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã bắt khẩn cấp đối tượng là Lê Công Định, quê quán TP Hồ Chí Minh vì có hoạt động chống Nhà nước, phạm vào Điều 88 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Hôm qua (17/6), tại cơ quan an ninh, Bộ Công an, Lê Công Định thừa nhận đã tham gia khoá huấn luyện bất bạo động do tổ chức khủng bố Việt Tân tổ chức từ ngày 1/3/2009 đến ngày 3/3/2009 tại Pattaya, Thái Lan, ngày 26/3/2009 gặp Nguyễn Sĩ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức bàn chủ trương thành lập hai đảng mang tên Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút lực lượng tiến hành lật đổ Nhà nước CHXHCNVN.

Lê Công Định ghi địa chỉ các hộp thư điện tử trao cho Cơ quan ANĐT (ảnh: CAND)

Lê Công Định còn cho biết, Định cùng những phần tử này đã bàn viết chung cuốn sách “con đường Việt Nam” để thực hiện mưu đồ này, mà họ cho là “thời cơ cho việc lật đổ Nhà nước Việt Nam” sẽ diễn ra vào năm 2010.

Lê Công Định đã viết lại toàn bộ những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam của y và đồng bọn. Định viết rằng: “Tôi thấy những việc làm của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình, mong được Nhà nước xem xét cho hưởng lượng khoan hồng”

  
Những dòng chữ do chính tay Lê Công Định viết khai nhận hành vi vi phạm pháp luật cũng như mong nhận được sự khoan hồng của Nhà nước (ảnh: CAND)

Theo các tài liệu thu được và theo lời khai của Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, thì đầu năm 2007, nhận lời mời của Hà Đông Xuyến, thành viên tổ chức phản động Việt Tân, Định sang Patayya, Thái Lan để dự lớp tập huấn về phương pháp "đấu tranh bất bạo động".

Trước đó, tháng 10/2006, Việt Tân đã lập ra cái gọi là "Liên minh dân chủ nhân quyền và Việt Tân" nhằm tấn công 6 trụ cột của Nhà nước ta, gồm: Công an, Quân đội, khối Đảng viên Đảng Cộng Sản VN, hệ thống hành chính, thông tin, tài chính, tư pháp. Chúng phân công Lê Công Định tham gia "Ủy ban luật pháp" để dự thảo "hiến pháp" đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam.

Tháng 3/2008, Lê Công Định liên lạc với Nguyễn Sĩ Bình, kẻ cầm đầu tổ chức phản động "nhân dân hành động" ở Mỹ (nay đổi tên là "Đảng dân chủ VN”). Tháng 2/2009, Bình gửi cho Định bản "Tân hiến pháp VN" để Định nghiên cứu và góp ý. Đến tháng 9, trong một dịp sang Mỹ họp với giới luật sư, Định gặp Nguyễn Sĩ Bình, rồi được Bình đưa cho bản "điều lệ Đảng dân chủ VN" để Định chỉnh sửa.

Tháng 3/2009, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức đi Phuket, Thái Lan gặp Nguyễn Sĩ Bình, để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010. Trong đó, Lê Công Định chịu trách nhiệm thành lập "Đảng lao động VN", Trần Huỳnh Duy Thức lập "Đảng xã hội VN". Bên cạnh đó, Nguyễn Sĩ Bình còn đề nghị Định và Thức tham gia "Đảng dân chủ VN" tại Mỹ, và Định đã nhận chức "thường vụ".

Nhân viên ANĐT niêm phong tài liệu thu được tại phòng làm việc của Lê Công Định. (ảnh: CAND)

Khi từ Thái Lan trở về, đầu tháng 4/2009, Lê Công Định lập blog "Đảng lao động VN" để ra tuyên cáo thành lập, rồi cùng Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Sĩ Bình viết 1 cuốn sách mang tên "Con đường VN". Trong đó, Định viết phần cải cách tư pháp, Thức viết phần cải cách kinh tế, Bình viết cải cách xã hội. Cả ba thống nhất tạo địa chỉ email có tên chihaichibachitu@gmail.com làm địa chỉ liên lạc.

Tại Cơ quan Điều tra, Lê Công Định khai đã viết 20 bài với nội dung xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước VN rồi gửi cho đài BBC, cho Nguyễn Sĩ Bình đăng lên tạp chí "Phía trước", lên trang web của "Đảng dân chủ VN", đồng thời thường xuyên trả lời phỏng vấn của đài BBC, RFI, RFA.

Riêng Trần Huỳnh Duy Thức, Thức lập blog "Change We Need" rồi viết 1 số bài nội dung phản động với bí danh Trần Đông Chấn.

Đưa Lê Công Định về trại giam (ảnh: CAND)

Đầu năm 2008, Thức lập tiếp blog "Trần Đông Chấn" và từ blog này, Thức quen Nguyễn Sĩ Bình. Sau đó, Thức lập tiếp blog "PsonKhanh". Cuối năm 2008, Thức đi Mỹ, gặp Bình ở Houston, bang Texas. Bình quy định bí danh liên lạc: Bình là "chị hai", Thức là "chị ba" và Định là "chị tư".

Tại Cơ quan Điều tra, Thức thừa nhận 49 bài viết đã đăng trên blog "Trần Đông Chấn", "Change We need", "PsonKhanh" với nội dung chống phá Nhà nước VN là của mình viết, và 12 bài Thức chỉnh sửa của các đối tượng khác.

Về Lê Thăng Long, Long quen Thức khi còn học Đại học Bách Khoa TP HCM, được Thức phân công tập hợp lực lượng dưới hình thức các "câu lạc bộ chấn hưng" do Long làm chủ tịch.

Tháng 4/2009, Long câu kết với Thích Minh Tâm (tức Nguyễn Thiếu Văn) ở Australia để lập ra website mang tên "chanhungnuocviet", kêu gọi tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, Lê Thăng Long còn tham gia nhóm "nghiên cứu Chấn" do Trần Huỳnh Duy Thức cầm đầu.

Việc một số thế lực phản động đưa tin sai sự thật nhằm vu cáo VN vi phạm dân chủ, nhân quyền là không có cơ sở bởi lẽ bất cứ quốc gia nào cũng thế, đã vi phạm luật pháp thì phải bị xử lý theo pháp luật./.

TG- VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất