Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 16/6/2009 22:51'(GMT+7)

Cân nhắc việc thành lập lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp

Lực lượng Tự về của tổng C.ty xây dựng Bạch Đằng (TP Hải Phòng) - Ảnh minh hoạ.

Lực lượng Tự về của tổng C.ty xây dựng Bạch Đằng (TP Hải Phòng) - Ảnh minh hoạ.


Chiều nay (16/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường Dự án Luật Dân quân tự vệ.

Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung: thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ, tổ chức lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp, kinh phí hoạt động…

Nên tổ chức lực lượng theo vùng, lãnh thổ

Nhiều đại biểu phân vân về qui định tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp: Doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp, có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương thì được tổ chức lực lượng Tự vệ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, trước đây các doanh nghiệp đều trực thuộc Nhà nước, nay có thêm nhiều hình thức doanh nghiệp khác và các công ty nước ngoài. Vị thế của tổ chức đảng ở các doanh nghiệp này không được như các tổ chức đảng ở các doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn, liệu các tổ chức này có trở thành lực lượng vũ trang riêng của doanh nghiệp không? Các doanh nghiệp nước ngoài ở những vùng nhạy cảm bằng nhiều cách biến lực lượng tự vệ này thành lực lượng của mình thì sẽ rất nguy hiểm.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị thành lập lực lượng tự vệ theo khu vực, lãnh thổ. Lực lượng này do đảng bộ địa phương đó quản lý. “Tất cả cán bộ công chức trong độ tuổi pháp luật qui định phải tham gia dân quân tự vệ. Đơn vị đóng trên địa bàn nào thì phải tham gia dân quân tự vệ ở địa phương ấy” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.

Đại biểu Phạm Quang Hợi (đoàn Hưng Yên) cho rằng, không nên lấy tiêu chí phải có tổ chức đảng để tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp, mà lấy qui mô của doanh nghiệp đó. Tổ chức Đảng ở địa phương có trách nhiệm tổ chức lực lượng tự vệ ở địa phương.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Phước (đoàn Cà Mau) đề nghị ở những vùng ven biển, do ngư dân phải đi biển dài ngày, cư dân lại sống không mấy tập trung thì nên tổ chức dân quân tự vệ theo khối, nhiều xóm…

Thống nhất mức thu quỹ quốc phòng

Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn (Quảng Nam) cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của đề án đề nghị Bộ Quốc phòng phân bổ kinh phí cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó đề nghị cho phục hồi Quỹ Quốc phòng.

Còn đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo chưa qui định rõ việc thu quỹ quốc phòng an ninh. Nếu qui định như dự thảo thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng mỗi địa phương sẽ có mức thu khác nhau, tạo sự không công bằng trong thu quỹ. Việc thu quỹ nhằm hỗ trợ huấn luyện dân quân tự vệ và cũng là giáo dục ý thức. Quỹ này nên được gọi là quỹ Quốc phòng toàn dân.

Theo đại biểu Đỗ Căn (đoàn Hà Nội), việc thu phí quốc phòng thực chất được thực hiện từ nhiều năm trước. Năm 2001 hầu hết các địa phương đã có thu loại quỹ này. Theo đại biểu, việc thu quỹ nên thống nhất một mức chung trên toàn quốc. Thu quỹ giúp giáo dục, nâng cao trách nhiệm của người dân, các tổ chức trên toàn quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng.

Đại biểu Phạm Quang Hợi (Hưng Yên) cho rằng 4 năm là thời gian đủ đảm bảo để huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt cũng như đảm bảo làm mới lực lượng này. Trong thời hạn cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 6 năm đối với lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt.

Các đại biểu cũng cho rằng, nên bổ sung nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ là phòng chống lụt bão, khắc phục thiên tai – nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Và thực tế, thời gian qua, lực lượng này đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lụt bão, thiên tai. “Đây là những nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân”-đại biểu Võ Văn Liêm (đoàn Vĩnh Long) nói.

Về qui mô tổ chức dân quân tự vệ, có ý kiến đề nghị cân nhắc, vì theo dự thảo Luật, tổ chức dân quân tự vệ trong thời bình như vậy là rất lớn, khó khăn cho công tác chỉ huy, bảo đảm; hơn nữa cần tránh xu hướng chính quy hoá lực lượng dân quân tự vệ, làm mất đi tính chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác.

Ngày mai (17/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất