Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 9/2/2009 22:24'(GMT+7)

Không ai được thờ ơ với sức khỏe của dân

Ông Nguyễn Đăng Vang, phó chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội

Ông Nguyễn Đăng Vang, phó chủ nhiệm ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội

* Trong bữa cơm thường ngày ở gia đình, có bao giờ ông nghe than phiền về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)?

- Tôi có nghe. Có thể nói trước đây tình hình VSATTP rất kém. Sau khi ban hành pháp lệnh VSATTP năm 2003 và một loạt văn bản khác có liên quan, cùng với đó là việc cải tiến các công nghệ về rau sạch, giết mổ, chăn nuôi trang trại... thì tình hình nhìn chung có tiến bộ nhưng chưa thể đáp ứng mong mỏi của người dân. Người ta vẫn lo ngại đối với những trường hợp trái cây để tới hai tháng không thối, lợn nuôi lớn nhanh một cách không bình thường... Và mới đây, theo thông tin trên báo chí, sữa có hàm lượng đạm thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn công bố.

Không chỉ gia đình tôi mà toàn dân đều cảm thấy không yên tâm với tình trạng VSATTP. Đó chính là một trong nhiều lý do để Quốc hội vào cuộc. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất mà phải “ra tay” thì không ai, không cơ quan nào được thờ ơ với sức khỏe của người dân.

Lộ trình giám sát của Quốc hội

- Cuối năm 2008, thành lập đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về VSATTP…

- Trong tháng 1, tháng 2 và 3-2009, tổ chức đoàn đi giám sát tại Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, An Giang, TP.HCM, Quảng Trị, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Nghiên cứu báo cáo và làm việc trực tiếp với các bộ, ngành có liên quan…

- Tháng 4-2009, tổ chức hội thảo chuyên đề lấy ý kiến đóng góp dự thảo báo cáo giám sát, xin ý kiến chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc về báo cáo giám sát cuối tháng 4-2009...

- Tháng 5-2009, trình Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát và ban hành nghị quyết giám sát (nếu có).

* Vụ sữa có hàm lượng đạm thấp do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phát hiện, chứ không phải do cơ quan chức năng nhà nước...

- Chúng ta hoan nghênh việc làm chủ động của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời mong chờ nhiều hơn nữa những hoạt động như vậy. Còn về phía các cơ quan chức năng, theo quy định pháp luật hiện hành thì trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn được quy định như sau: Bộ Y tế chịu trách nhiệm đối với thực phẩm, dược phẩm, văcxin...

Đặc điểm của thực phẩm là chuỗi giá trị hàng hóa, nói một cách hình ảnh là từ trang trại tới bàn ăn, trong chuỗi đó có rất nhiều bộ phận quản lý, ví dụ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý ở trang trại, Bộ Công thương quản lý lưu thông... Vai trò mỗi khâu đều quan trọng nhưng bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về VSATTP vẫn là Bộ Y tế.

* Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2008, khi đại biểu chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế về dư lượng chất bảo quản độc hại đối với hoa quả nhập ngoại thì có tới ba bộ trưởng đứng lên trả lời. Rõ ràng một vấn đề thuộc lĩnh vực VSATTP nhưng trách nhiệm vẫn rất vòng vèo?

- Trách nhiệm thật ra rất rõ nhưng không chịu nhìn nhận. Như tôi đã nói, trách nhiệm chung nhất ở đây là Bộ Y tế. Dự thảo Luật VSATTP (nâng cấp từ pháp lệnh) trình Quốc hội vào tháng 11 tới đây sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề này. Tất nhiên, trong quản lý nhà nước đòi hỏi các cơ quan chức năng phải phối hợp với nhau, riêng lĩnh vực VSATTP là năm bộ, trước hết là Bộ Y tế, tiếp đó là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường.

* Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng sữa có hàm lượng đạm thấp là hàng giả. Tuy nhiên, phát hiện của hội này không được cơ quan chức năng phản hồi kịp thời và đầy đủ. Ông nghĩ sao về trách nhiệm hậu kiểm chất lượng VSATTP trong trường hợp này?

- Khi có phản ứng đối với chất lượng một loại thực phẩm nào đó, ví dụ thông tin về sữa có hàm lượng đạm dưới 2%, trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải thanh tra, kiểm tra. Kiểm tra mà phát hiện vi phạm thì phải xử lý. Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định rất cụ thể trình tự xử lý, trong đó có các trường hợp thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng...

Ở đây, dù hậu kiểm hay thanh tra, kiểm tra thì mục đích cuối cùng cũng là bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Căn cứ theo quy định pháp luật chúng ta dễ dàng thấy đâu là lỗi của người sản xuất, người bán hàng và đâu là lỗi của bộ được giao trách nhiệm quản lý nhà nước lĩnh vực này.

* Như vậy nếu công tác hậu kiểm tốt sẽ khó để xảy ra tình trạng vi phạm nghiêm trọng như vừa qua?

- Đoàn giám sát của Quốc hội đã về làm việc tại ba địa phương là Hà Nội, Hải Phòng và Lạng Sơn, đại diện của các bộ trong đó có Bộ Y tế cũng tham gia. Qua giám sát, ban đầu có thể thấy văn bản quy phạm pháp luật các cấp từ trung ương đến địa phương ban hành tương đối có hệ thống nhưng việc thanh tra, kiểm tra, phản hồi và xử phạt còn yếu.

 

Có một lý do khách quan chúng ta cần nhìn nhận là kinh phí cũng như số lượng người được phân bổ để làm công tác VSATTP quá ít. Như ở Hải Phòng bộ máy làm công tác này có 20 người, kinh phí là 800 triệu đồng/năm, tính ra mỗi người được 40 triệu đồng/năm bao gồm cả lương và các chi phí khác, như vậy rất khó thực hiện chức trách một cách đầy đủ.

* Nhiều ý kiến cho rằng do mức phạt hiện nay quá nhẹ, 10-20 triệu đồng cho mỗi lần vi phạm, nên các doanh nghiệp coi thường?

- Trước đây có thể như vậy. Nhưng với quy định của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa (hiệu lực từ 1-7-2008), nếu phát hiện sản phẩm là hàng giả, hàng sai nhãn mác..., nghĩa là hàng hóa không đảm bảo VSATTP thì cơ quan chức năng có thể tịch thu toàn bộ sản phẩm đó, bất kể nó giá trị bao nhiêu và có thể xử phạt gấp năm lần giá trị toàn bộ sản phẩm. Quy định như vậy mang tính răn đe rất mạnh. Tất nhiên đây là quy định mới, đang trong quá trình đi vào cuộc sống nên có thể nhiều người chưa biết.

 

Hôm nay kiểm tra thị trường sữa Hà Nội

Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho hay Sở Y tế Hà Nội bắt đầu đợt thanh tra thị trường sữa trên địa bàn Hà Nội. Mục tiêu của đợt thanh tra này là kiểm tra tại các điểm mua bán sữa tập trung, xem xét việc ghi nhãn, quảng cáo, bảo quản sữa và lấy mẫu kiểm nghiệm một số sản phẩm có nghi ngờ về chất lượng.

Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Hồ Tất Thắng cho biết hội và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có cuộc làm việc, thống nhất sẽ mở rộng lấy mẫu kiểm tra nhiều chỉ tiêu dinh dưỡng, so sánh với công bố tiêu chuẩn tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Các mẫu sữa sẽ được gửi kiểm nghiệm tại nhiều trung tâm để đảm bảo tính khách quan. Theo ông Thắng, dự kiến hội và cục sẽ cùng lấy mẫu sữa tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Hải Phòng trong tháng 3-2009.

 


(Theo Tuổi trẻ online)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất